Khám phá tranh khảm Italy - nghệ thuật làm nên Con đường Gốm sứ kỷ lục

Triển lãm kể về các câu chuyện đậm chất sử thi, tôn giáo, các giai đoạn văn hóa-xã hội rực rỡ và nổi bật nhất đến của vùng đất La Mã cổ đại, qua loại hình tranh khảm độc đáo, lâu đời.

8215877312_0fa2636ff3_o-scaled.jpg
Một góc khắc họa Alexander Đại đế trong bức tranh khảm 2.000 năm tuổi, ghi lại chiến tích đánh bại đế chế Ba Tư năm 333 Trước Công Nguyên. (Ảnh: Smithsonian)

Trong các ngày từ 8/3 đến 7/4 tại Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam (Hà Nội), sẽ diễn ra triển lãm “KHẢM – Mật mã Ý của nghệ thuật vượt thời gian.”

Đơn vị lên ý tưởng và thực hiện triển lãm là công ty công nghệ-nghệ thuật Magister Art. Bộ Ngoại giao và Hợp tác Quốc tế Italy, Đại sứ quán Italy tại Hà Nội phối hợp quảng bá.

vnp_con_duong_gom_su_1.jpg.webp

Triển lãm "KHẢM – Mật mã Ý của nghệ thuật vượt thời gian" chọn Hà Nội là điểm đến đầu tiên trong hành trình chu du các nước châu Á như Trung Quốc, Nhật Bản, Singapore... Lý do là Việt Nam-Italy vừa kỷ niệm tròn 50 năm quan hệ ngoại giao năm 2023, cùng với đó, Hà Nội có Con đường Gốm sứ nổi tiếng (từng đạt kỷ lục Guinness về độ dài) cũng ứng dụng nghệ thuật khảm.

Có tuổi đời hơn 2.000 năm tại Italy, nghệ thuật khảm không chỉ được coi là môn nghệ thuật đặc sắc, mà còn là một hình thức ghi sử bằng ảnh. Triển lãm “KHẢM – Mật mã Ý của nghệ thuật vượt thời gian” sẽ kể câu chuyện về các trận chiến, câu chuyện tôn giáo (Kitô giáo), văn hóa, xã hội và kinh tế nổi bật, trải dài trong lịch sử Italy và La Mã cổ đại.

Để có cái nhìn toàn diện về các phong cách nghệ thuật, chủ đề và tạo hình khác nhau, triển lãm mang đến 6 khu, tương đương 6 vùng tại Italy.

triển lãm khảm.png
Khách tham quan đứng trước tranh khảm cỡ lớn, khu Aquileia. (Ảnh: Minh Anh/Vietnam+)

Khu 1 có hai nội dung về Rome và Pompei. Trong đó phần về Rome kể quá khứ huy hoàng của Thủ đô và quá trình đô thị hóa kéo dài nhiều thế kỷ. Ngoài ra còn có nghệ thuật khảm trong ảnh hưởng của Kitô giáo qua tranh tường ở các vương cung thánh đường. Còn phần Pompei có câu chuyện nổi bật về Alexander Đại đế trong trận đối đầu với đế chế Ba Tư hùng mạnh Trước Công Nguyên.

Khu 2 là Aquileia, đáng chú ý nhất có bức tranh khảm trên sàn của Vương cung thánh đường Thánh Mary Đức mẹ lên trời, xoay quanh thời điểm lịch sử khi hoàng đế Constantine ban sắc lệnh về quyền tự do tôn giáo.

Khu 3 là Ravenna cũng chiếu tranh ở các lăng, vương cung thánh đường, với phong cách màu sắc tươi sáng, trong đó có nhiều tác động mang tính tâm linh rõ nét hơn.

Khu 4 là Pelermo/Monreale, mang đến vẻ hùng vĩ, ngoạn mục, vừa hài hòa lại vừa phức tạp của chủ nghĩa đa văn hóa, được thể hiện trên các tranh nhà nguyện, nhà thờ.

Khu 5 là Piazza Armerina mang đến các phòng của Biệt thự cổ Romana del Casale, khắc họa một phần những khoảnh khắc đời thường của Đế chế La Mã những thế kỷ đầu Sau Công Nguyên.

Cuối cùng là khu 6 – Baiae – là khu khảo cổ học dưới nước, kể về một bến cảng thịnh vượng trong quá khứ đã chìm dưới đáy biển. Nếu muốn tận mắt chứng kiến, khách tham quan buộc phải lặn để xem những tranh khảm này.

đại sứ.png
Đại sứ Marco Della Seta (bục phát biểu) chia sẻ tại buổi tham quan dành riêng cho khách mời và báo chí. (Ảnh: Minh Anh/Vietnam+)

Đại sứ Marco Della Seta chia sẻ tranh khảm trường tồn nhờ độ bền cao, các chất liệu như đá, thủy tinh, vỏ sò… giúp củng cố đặc tính này. “Một số bức tranh khảm có trong triển lãm đã 2.000 năm tuổi và trông vẫn như mới. Kỹ nghệ đặc biệt của tranh khảm có nhiều điểm tương đồng với tranh sơn mài Việt Nam,” ông nói.

Là khách tham quan, họa sỹ Cristina Gonzalez (Tây Ban Nha) cho rằng cả ý tưởng triển lãm lẫn cách thể hiện đều rất thú vị. “Triển lãm thực sự giúp khách tham quan hiểu hơn về kỹ thuật tranh khảm, các biểu tượng và chủ đề, thậm chí có thể nói là đã mang cả một thành phố tới đây, đặc biệt khi bạn không thể ‘nhấc’ những bức tranh khảm ra và đem đi trưng bày khắp nơi,” cô nhận xét.

Cristina Gonzalez cũng bị tác động mạnh mẽ từ các bức tranh ở mặt kỹ thuật. Cô chuyên vẽ sơn dầu và acrylics, nhưng đã quan tâm đến sơn mài Việt Nam từ lâu và dành gần 4 năm để học về chất liệu này. Với những điểm tương đồng nhất định trong kỹ nghệ khảm tranh, triển lãm càng thêm phần thú vị với Cristina./.

Nghệ thuật khảm (“mosaico” trong tiếng Italy, “mossaic” trong tiếng Anh) ra đời ở thiên niên kỷ thứ 3 Trước Công nguyên tại vùng Lưỡng Hà, sau đó lan tới nhiều vùng, trong đó phát triển mạnh mẽ nhất ở Hy Lạp và La Mã cổ đại (vùng mà ngày nay là Italy).

Ở Việt Nam, các sản phẩm/công trình khảm phổ biến nhất được biết đến qua tác phẩm Con đường Gốm sứ (mừng đại lễ 1000 năm Thăng Long-Hà Nội) dài (6,5km); các bức bức phù điêu, tranh tường khảm sành sứ trong Lăng Khải Định, cung đình Huế… hay làng nghề tranh khảm trai Chuôn Ngọ (Phú Xuyên, Hà Nội).

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục