Cầm cố 700 tấn càphê vay trên 600 tỷ đồng

Kho càphê 3.360 tấn cầm cố 7 ngân hàng chỉ có gần 700 tấn

Theo Chi cục Thi hành án Dĩ An, Bình Dương, kho càphê 3.360 tấn của Công ty Trường Ngân cầm cố chỉ có gần 700 tấn càphê đủ tiêu chuẩn.

Theo Chi cục Thi hành án dân sự thị xã Dĩ An, tỉnh Bình Dương, sau hơn một tuần cưỡng chế kho càphê 3.360 tấn của Công ty Trường Ngân (đóng tại khu phố Chiêu Liêu, phường Tân Đông Hiệp, thị xã Dĩ An, tỉnh Bình Dương) cầm cố tại Ngân hàng Phương Đông, kết quả kiểm kê trong kho chỉ có gần 700 tấn càphê xô đủ tiêu chuẩn xuất khẩu.

Do đó, tổng số càphê thu hồi sau cưỡng chế không đúng theo số lượng 3.360 tấn mà bản án tuyên thắng kiện về hợp đồng vay thế chấp chứa trong kho Trường Ngân.

Một thành viên đoàn giám sát cho biết, sau khi cưỡng chế, thu hồi kho càphê, lực lượng chức năng mới phát hiện ra hơn 800 tấn tạp chất (gồm vỏ càphê, đất, sỏi nhỏ và rác) không có giá trị kinh tế được chứa trong kho nên cần phải xác minh làm rõ trách nhiệm với các bên liên quan.

Theo đoàn cưỡng chế, số hàng Công ty Trường Ngân đem thế chấp các ngân hàng không đúng với thực tế các hợp đồng vay tín dụng. Hiện tổng dư nợ Trường Ngân vay các ngân hàng lên đến trên 600 tỷ đồng (chưa tính lãi suất) bằng thế chấp tài sản kho càphê này.

Chỉ riêng khoản vay cả lãi và gốc Công ty Trường Ngân còn dư nợ của ngân hàng Quốc tế (VIB) đã hơn 118 tỷ đồng, Ngân hàng Quân đội khoảng 80 tỷ đồng và các ngân hàng khác thấp nhất cũng vài chục tỷ đồng... và Ngân hàng Phương Đông đã hơn 100 tỷ đồng là số tiền quá lớn so với tài sản thế chấp.

Ông Bùi Văn Nu, Giám đốc Chi nhánh Ngân hàng Nhà nước tỉnh Bình Dương cho biết, hiện đơn vị đang phối hợp với Ngân hàng Nhà nước chi nhánh Thành phố Hồ Chí Minh rà soát các thủ tục pháp lý của các ngân hàng thương mại có liên quan đến việc cho vay kho càphê của Công ty Trường Ngân.

Theo ông Bùi Văn Nu, việc phát hiện kho càphê của Công ty Trường Ngân đem thế chấp ngân hàng với trị giá hàng trăm tỷ đồng, nhưng sau khi kiểm kê cưỡng chế đã phát hiện quá nhiều rác trong đó. Việc tài sản đem thế chấp nhưng thất thoát và gian dối có thể tạo tiền lệ xấu ảnh hưởng đến hoạt động tín dụng.

Trước đó, Công ty Trường Ngân đã đem cầm cố kho càphê trên để vay vốn ở Ngân hàng Phương Đông và khi ngân hàng này có đơn kiện ra tòa mới vỡ lẽ ra kho càphê này cầm cố tới 7 ngân hàng, gồm: Thương mại cổ phần Kỹ thương Việt Nam (Techcombank), Quân đội (MB), Thương mại cổ phần Hàng hải Việt Nam (MSB), Thương mại cổ phần Công thương Việt Nam (Vietinbank), Thương mại cổ phần Phương Đông (OCB), Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Việt Nam (Agribank) và Ngân hàng Quốc Tế (VIB)./.

(TTXVN)

Tin cùng chuyên mục