“Chính những lời thêu dệt về công dụng của sừng tê giác như giảm sốt, giải rượu, hay nhiều người còn đem sừng tê giác làm quà để thử hiện sự đẳng cấp hay có tin đồn sừng tê giác chữa được bách bệnh khiến cho giá sừng tê giác tăng cao. Và, nhiều người đang tin nhầm vào một thứ sản phẩm không có lợi cho sức khỏe,” ông Hải nhận định. Trước thực tế này, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Lâm nghiệp cho biết, để giảm cầu đối với sừng tế giác, chúng ta cần tăng cường hợp tác quốc tế, để giải quyết những vấn đề có giá trị quốc tế khu vực; trong đó có vấn đề quản lý các hoạt động chung để bảo tồn các loài hoang dã, nhất là đối với những loài có nguy cấp cao như tê giác, voi, gấu, hổ…. “Theo đó, Việt Nam sẽ cam kết thực hiện có trách nhiệm các cam kết quốc tế và bảo tồn. Tôi cũng mong các tổ chức quốc tế phối hợp, hỗ trợ Việt Nam và Nam Phi thực hiện có hiệu quả Bản ghi nhớ song phương, trong đó có kế hoạch hành động chung về bảo tồn quần thể tê giác ở Nam Phi”, ông Hải kiến nghị. Về phía Nam Phi, bà Kgomotso Ruth Nagau, Đại sứ quán nước cộng hòa Nam Phi tại Việt Nam khẳng định: “Giảm cầu đối với sừng tê giác ở Việt Nam là hành động rất thiết thực, góp phần chấm dứt thị trường cho các mạng lưới tội phạm buôn bán trái phép và đây là một trong những giải pháp quan trọng để cứu mạng sống của loài tê giác tại Nam Phi.” Theo đó, chiến dịch này sẽ được triển khai tới các bên liên quan chính như phụ nữ, doanh nhân, sinh viên, các đối tượng hành nghề Tây y và Đông y để xây dựng và thực hiện các chiến lược giảm cầu trong cộng đồng./.
Ra mắt phim lên án hành động tiêu thụ sừng tê giác Nhằm nâng cao nhận thức của người tiêu dùng về thực trạng đáng báo động cùng những hiểm họa mà các loài tê giác trên thế giới hiện đang phải đối mặt, Trung tâm Giáo dục Thiên nhiên (ENV) vừa ra mắt một phim ngắn với chủ đề “nói không với sừng tế giác." Đây là phim ngắn thứ hai trong một loạt phim ngắn của ENV trong năm 2013, nhằm khuyến khích người dân không tiêu thụ sừng tê giác. Phim sử dụng kỹ thuật hoạt họa, mỗi cảnh trong đoạn phim đã tái hiện chuỗi mắt xích trong đường dây buôn bán sừng tê giác xuyên quốc gia. Cùng với đó, bộ phim cũng phác họa “chân dung” những người tiêu thụ sừng tê giác qua những tính từ mạnh như “kém khôn ngoan, thiếu hiểu biết, lạc hậu, tàn nhẫn, xấu xa” và nhấn mạnh rằng sừng tê giác không giúp thể hiện đẳng cấp xã hội, cũng không phải là thần dược. Tiếp đó, người xem được khuyến nghị không tiêu thụ sừng tê giác và báo cho cơ quan chức năng hoặc đường dây nóng miễn phí bảo vệ động vật hoang dã 1800 1522 về những vi phạm liên quan đến sừng tê giác. |