Khôi phục thỏa thuận hạt nhân Iran: Chặng đường xa vời

Không có ngày cụ thể nào được ấn định cho vòng đàm phán tiếp theo, và đáng lo ngại hơn, những yêu cầu phi thực tế từ Mỹ và Iran cho thấy việc khôi phục thỏa thuận sẽ không sớm xảy ra, nếu có.
Kỹ thuật viên làm việc tại cơ sở hạt nhân Isfahan, cách thủ đô Tehran của Iran 420km về phía nam. (Ảnh: AFP/TTXVN)
Kỹ thuật viên làm việc tại cơ sở hạt nhân Isfahan, cách thủ đô Tehran của Iran 420km về phía nam. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Bất chấp những nỗ lực mới nhất, các cuộc đàm phán nhằm khôi phục thỏa thuận hạt nhân Iran vẫn rơi vào bế tắc. Chuyên gia John Krzyzaniak thuộc Viện nghiên cứu các vấn đề chiến lược quốc tế (IISS) cho rằng cả Tehran và Washington đều phải thỏa hiệp với các yêu cầu theo chủ nghĩa tối đa của họ nếu muốn tìm thấy bất kỳ điểm chung nào.

Ngày 20/6, Iran, Mỹ và các bên khác (Trung Quốc, Pháp, Đức, Nga, Anh và Liên minh châu Âu) đã kết thúc vòng đàm phán thứ 6 nhằm khôi phục Kế hoạch Hành động Chung Toàn diện (JCPOA) - tên gọi chính thức của thỏa thuận hạt nhân Iran.

Tuy vậy, các cuộc đàm phán đã rơi vào bế tắc. Trung tuần tháng 7/2021, Tehran thông báo các đặc phái viên của nước này sẽ không trở lại Vienna để tiếp tục đối thoại cho đến sau khi Tổng thống đắc cử Ebrahim Raisi nhậm chức vào ngày 5/8.

Không có ngày cụ thể nào được ấn định cho vòng đàm phán tiếp theo, và đáng lo ngại hơn, những yêu cầu phi thực tế từ Mỹ và Iran cho thấy việc khôi phục thỏa thuận sẽ không sớm xảy ra, nếu có.

Các yêu cầu của Iran

Các quan chức cấp cao của Iran đã đưa ra những yêu cầu theo chủ nghĩa tối đa của Mỹ trong suốt năm qua và kiên trì theo đuổi những yêu cầu này, khiến cam kết của Iran trong việc tái gia nhập thỏa thuận bị đặt dấu hỏi. Lãnh tụ tối cao Iran Ayatollah Ali Khamenei đã nêu ra một số điều này trong cuộc họp cuối cùng hôm 28/7 với nội các của cựu Tổng thống Hassan Rouhani và cũng trong ngày hôm đó, Đại sứ Iran tại Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế (IAEA) Kazem Gharib Abadi đã nhắc lại các yêu cầu này.

Có 4 yêu cầu đặc biệt đáng chú ý: Yêu cầu đầu tiên liên quan trình tự và xác minh dỡ bỏ các biện pháp trừng phạt. Tháng 2/2021, Khamenei tuyên bố Mỹ trước hết phải dỡ bỏ các lệnh trừng phạt và Iran phải được tiến hành “kiểm tra” việc dỡ bỏ lệnh trừng phạt trước khi thực hiện các cam kết của mình. Mặc dù điều này có vẻ hợp lý, song điều mà Iran thực sự mong đợi là hiện thực hóa các lợi ích kinh tế như ký kết hợp đồng và hoàn tất giao dịch - một quá trình mà các quan chức Iran cho rằng có thể mất 6 tháng trước khi việc “xác minh” được coi là hoàn tất.

Tóm lại, những gì Iran thực sự muốn không chỉ là xác minh, mà như một nhà ngoại giao phương Tây đã nói, Tehran muốn Mỹ trở thành “nhà quản lý kinh doanh” và người bảo lãnh kinh tế của Iran trong suốt quá trình này.

Yêu cầu thứ hai là bồi thường. Các quan chức Iran tin rằng Mỹ phải đền bù cho những thiệt hại kinh tế do các lệnh trừng phạt gây ra trong khi Iran vẫn tuân thủ thỏa thuận. Khamenei đã ám chỉ điều này trong bài phát biểu hôm 28/7 khi cho rằng “Mỹ đã vi phạm thỏa thuận một lần mà không phải đối mặt với bất kỳ thiệt hại nào khi làm như vậy”. Các biện pháp trừng phạt đã cản trở Iran tiếp cận nguồn cung cấp y tế thiết yếu để đối phó với đại dịch COVID-19, góp phần khiến người dân Iran rơi vào tình trạng khốn khó.

Tuy nhiên, khái niệm bồi thường của Iran không có cơ hội được chính quyền Mỹ thông qua và các quan chức Iran phải biết điều này. Ngoài ra, trong khi thiệt hại kinh tế và con người do các lệnh trừng phạt gây ra là không thể đảo ngược, Iran cũng đã thực hiện các bước không thể đảo ngược của riêng họ, bao gồm chế tạo kim loại urani được làm giàu cũng như nghiên cứu và phát triển các máy ly tâm tiên tiến - những yếu tố càng làm phức tạp thêm việc khôi phục thỏa thuận.

Yêu cầu thứ ba - được nhiều quan chức Iran, trong đó có Thứ trưởng Ngoại giao Abbas Araghchi, đưa ra - là Mỹ phải dỡ bỏ tất cả 1.500 lệnh trừng phạt do chính quyền của cựu Tổng thống Donald Trump đã áp đặt, trong đó có một số biện pháp không liên quan đến chương trình hạt nhân. Tháng 4 vừa qua, Mỹ đã cho thấy một số động thái linh hoạt trong vấn đề này khi người phát ngôn Bộ Ngoại giao Ned Price cho biết Mỹ “sẵn sàng thực hiện các bước cần thiết để quay trở lại tuân thủ JCPOA, bao gồm cả việc dỡ bỏ các lệnh trừng phạt không phù hợp với JCPOA.”

Tuy nhiên sau đó, Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken tuyên bố chính quyền ông Biden từ trước đến nay không có ý định dỡ bỏ tất cả các lệnh trừng phạt từ thời ông Trump, mà chỉ dỡ bỏ một số. Ngày 28/7, từ Vienna (Áo), Đặc phái viên Iran tại Liên hợp quốc Gharib Abadi đã phàn nàn rằng ngay cả sau khi đàm phán, Mỹ vẫn từ chối dỡ bỏ khoảng 500 lệnh trừng phạt do chính quyền ông Trump trước đây áp đặt, một dấu hiệu cho thấy Mỹ chỉ đang cố gắng đáp ứng một phần yêu cầu của Iran.

Cuối cùng, Iran muốn có một sự đảm bảo rằng Mỹ sẽ không rút khỏi thỏa thuận một lần nữa khi thỏa thuận này được hồi sinh. Tuy nhiên, chính quyền ông Biden không thể đảm bảo điều đó, họ không có cách nào để buộc chính quyền tương lai hoặc Quốc hội phải tôn trọng thỏa thuận. Iran sẽ nhận được những lợi ích đáng kể trước mắt, bao gồm cả việc gỡ phong tỏa và thu hồi các tài sản cất giữ ở nước ngoài. Hơn nữa, một số quan chức tại Washington có thể đã rút ra được bài học, đặc biệt là với những tiến bộ nhanh chóng trong chương trình hạt nhân của Iran trong năm 2021.

Lập trường quá tham vọng của Mỹ

Tuy nhiên, Iran không đơn độc trong việc đưa ra những yêu cầu phi thực tế. Mỹ cũng vậy, họ kiên quyết đưa vấn đề tên lửa đạn đạo và mở rộng các hạn chế đối với chương trình hạt nhân của Iran vào bất cứ tài liệu nào về lộ trình mà Iran sẽ tham gia trong các cuộc đàm phán tương lai về các vấn đề khu vực. Mỹ đã đưa ra yêu cầu này trước khi bắt đầu các cuộc đàm phán ở Vienna.

Ví dụ, tháng 1/2021, ông Blinken nói về việc tìm kiếm một thỏa thuận “lâu dài hơn và mạnh mẽ hơn”, trong khi Cố vấn An ninh Quốc gia Jake Sullivan nói rằng chương trình tên lửa đạn đạo của Tehran “phải được đặt lên bàn” nếu Mỹ tái ký thỏa thuận hạt nhân.

Iran dường như sẽ không thỏa hiệp về vấn đề này, và cho rằng yêu cầu như vậy trái ngược với mong muốn mà Washington đã tuyên bố là về cơ bản đạt được sự nhất trí về việc tuân thủ trở lại JCPOA, vì nếu bổ sung vấn đề tên lửa đạn đạo vào thỏa thuận cũng có nghĩa là nảy sinh thêm các cam kết mới.

Hai bên có thể thỏa hiệp?

Một ví dụ về thỏa hiệp có thể diễn ra liên quan đến việc Bộ Ngoại giao Mỹ đưa Lực lượng Vệ binh Cách mạng Hồi giáo Iran (IRGC) vào danh sách các tổ chức khủng bố nước ngoài (FTO) của Mỹ. Lệnh trừng phạt cụ thể này do chính quyền ông Trump áp đặt.

Tuy nhiên, vì nó không liên quan đến chương trình hạt nhân, chính quyền Biden không cần phải dỡ bỏ nó để phù hợp với các cam kết của họ trong JCPOA. Tuy nhiên, Mỹ được cho là đã đề nghị đưa IRGC ra khỏi FTO nếu Iran cam kết tiếp tục đàm phán về các vấn đề khác.

Mặc dù các cuộc đàm phán ở Vienna đã đạt được tiến triển thực sự, Mỹ và Iran sẽ cần phải nhượng bộ thêm nếu họ muốn khôi phục thỏa thuận. Trong chiến dịch tranh cử, Tổng thống Raisi cho biết ông thấy có trách nhiệm phải tận tâm với JCPOA.

Giờ đây, sau khi nhậm chức, ông sẽ cần phải hành động nhanh chóng, nói đi đôi với làm để trở lại bàn đàm phán. Tuy nhiên, sẽ cần ý chí chính trị của cả hai bên để tìm ra một thỏa hiệp./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục