Khu vực từ Hà Tĩnh đến Quảng Ngãi chủ động ứng phó với mưa lớn

Đêm 24/10 và ngày 25/10, các tỉnh, thành phố từ Hà Tĩnh-Quảng Ngãi đã và sẽ tiếp tục có mưa lớn từ 100-200mm, lũ các sông Quảng Bình-Quảng Ngãi sẽ lên mức báo động 1-2, có nơi trên báo động 2.
Khu vực từ Hà Tĩnh đến Quảng Ngãi chủ động ứng phó với mưa lớn ảnh 1Ngầm tràn ở xã Thanh huyện Hướng Hóa, Quảng Trị bị ngập lụt ngày 15/10 khiến giao thông chia cắt. (Ảnh: TTXVN/phát)

Ngày 25/10, Văn phòng thường trực Ban Chỉ đạo Quốc gia về phòng, chống thiên tai ban hành văn bản 546/VPTT gửi các tỉnh, thành phố từ Hà Tĩnh đến Quảng Ngãi về việc chủ động ứng phó với mưa lớn, lốc sét, ngập lụt, lũ quét, sạt lở đất.

Theo dõi chặt chẽ các bản tin cảnh báo, dự báo

Do ảnh hưởng của không khí lạnh, trong đêm 24/10 và ngày 25/10, các tỉnh, thành phố từ Hà Tĩnh-Quảng Ngãi đã có mưa lớn từ 100-200mm và sẽ tiếp tục có mưa từ 60-120mm, có nơi trên 200mm trong chiều tối 25/10 đến ngày 26/10.

Lũ các sông Quảng Bình-Quảng Ngãi sẽ lên mức báo động 1-2, có nơi trên báo động 2, riêng sông Kiến Giang (Quảng Bình) lên mức báo động 2-3, trong mưa dông có khả năng xảy ra lốc, sét, gió giật mạnh; nguy cơ cao xảy ra lũ quét, sạt lở đất tại các tỉnh vùng núi và ngập úng tại các khu vực trũng, thấp.

Để chủ động ứng phó với mưa lũ, Văn phòng thường trực Ban Chỉ đạo Quốc gia về phòng, chống thiên tai đề nghị các tỉnh, thành phố triển khai thực hiện việc theo dõi chặt chẽ các bản tin cảnh báo, dự báo, thông tin kịp thời cho các cấp chính quyền, người dân chủ động phòng tránh, giảm thiểu thiệt hại; kiểm tra, rà soát các khu dân cư ven sông, suối, khu vực thấp trũng, có nguy cơ cao xảy ra ngập lụt, lũ quét, sạt lở đất để chủ động di dời, sơ tán người dân khi có tình huống; rà soát, sẵn sàng bố trí lực lượng kiểm soát, hướng dẫn phân luồng giao thông tại các khu vực ngập sâu, chia cắt; sẵn sàng lực lượng, vật tư, phương tiện để khắc phục sự cố, đảm bảo giao thông thông suốt trên các trục giao thông chính.

Các tỉnh, thành phố triển khai biện pháp chống ngập lụt cho các khu đô thị, khu công nghiệp, tiêu úng, bảo vệ sản xuất; bố trí lực lượng thường trực để vận hành điều tiết các hồ chứa đảm bảo an toàn công trình và hạ du, sẵn sàng xử lý các tình huống có thể xảy ra; chỉ đạo cơ quan chuyên môn phối hợp với cơ quan thông tin truyền thông, đặc biệt là hệ thống thông tin cơ sở, tăng cường các hoạt động tuyên truyền, phổ biến hướng dẫn kỹ năng ứng phó mưa lớn, lốc, sét, lũ, ngập lụt, lũ quét, sạt lở đất cho cộng đồng để chủ động phòng, tránh, giảm thiểu thiệt hại.

Các đơn vị nêu trên tổ chức trực ban nghiêm túc, thường xuyên báo cáo về Văn phòng thường trực Ban Chỉ đạo Quốc gia về phòng, chống thiên tai và Văn phòng Ủy ban Quốc gia Ứng phó sự cố thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn.

Mưa lớn gây ngập cục bộ tại các địa phương

Theo phóng viên TTXVN tại các địa phương, ngày 25/10, thành phố Đà Nẵng có mưa to trên diện rộng, lượng mưa từ 9-11 giờ phổ biến từ 30-70mm, mưa lớn gây ngập cục bộ khoảng 10-20cm tại một số tuyến đường trung tâm quận Hải Châu như Trần Phú, Hùng Vương, Hàm Nghi…

Bên cạnh đó, một số tuyến đường tại khu công nghiệp Hòa Khánh (quận Liên Chiểu) và vùng trũng thấp thuộc xã Hòa Ninh, Hòa Sơn (huyện Hòa Vang) xuất hiện ngập úng cục bộ, gây khó khăn cho các phương tiện giao thông.

[Thành phố Hồ Chí Minh: Mưa lớn kéo dài, nhiều nơi ngập sâu]

Tại Thành phố Hồ Chí Minh, cơn mưa kéo dài đêm 24/10 kết hợp cùng triều cường sáng 25/10 đạt mức 1,7m khiến nhiều khu phố, tuyến đường trên địa bàn chìm trong nước. Nhiều người dân phải rất vất vả vượt dòng nước ngập để kịp giờ đi làm, đi học; hàng loạt phương tiện bị chết máy, giao thông hỗn loạn tại nhiều khu vực.

Trên đường, nước dâng cao gần chạm đầu gối tại nhiều khu phố, tuyến hẻm và cả trục đường chính. Theo người dân tại đây, từ rạng sáng 25/10, nước đã ngập sâu, tràn vào trong nhà, dù nhiều hộ dân đã nâng nền cao hơn mặt đường gần cả mét. Nhiều người dân đang ngủ phải bật dậy kê cao đồ đạc.

Theo Đài khí tượng thủy văn khu vực Nam Bộ, nước tại các trạm vùng hạ lưu sông Sài Gòn-Đồng Nai tiếp tục lên theo kỳ triều cường đầu tháng 10 âm lịch những ngày tới, cao nhất ngày 26-27/10. Tại trạm Phú An và Nhà Bè, nước có thể lên mức 1,67-1,72 m (cao hơn báo động 3 từ 0,07- 0,12 m); đỉnh triều vào lúc 5-7 giờ và 17-19 giờ.

Để chủ động ứng phó với với mưa lớn, lũ trên các sông, đợt triều cường cuối tháng 10/2022, Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn và phòng thủ dân sự Thành phố Hồ Chí Minh và Đà Nẵng đã chỉ đạo các sở, ngành, địa phương, đơn vị liên quan trên địa bàn triển khai các biện pháp ứng phó kịp thời, đảm bảo an toàn tính mạng của người dân.

Trước đó, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Thanh Hóa, Lê Đức Giang, đã ký quyết định công bố tình huống khẩn cấp sạt lở, xâm thực bờ biển khu vực cửa Lạch Hới, thuộc thôn Tân Xuân, xã Hoằng Phụ, huyện Hoằng Hóa.

Theo báo cáo của Ủy ban Nhân dân huyện Hoằng Hóa, thời gian gần đây, khu vực ven biển Lạch Hới thuộc địa phận thôn Tân Xuân, xã Hoằng Phụ bị nước biển xâm thực sâu vào đất liền, có nơi sâu tới 200m; gây sạt lở hơn 150.000m3 đất ở của 3 hộ dân, đất nuôi trồng thủy sản, đất quy hoạch cụm công nghiệp, đất rừng sản xuất... và trụ sở, khuôn viên làm việc của Trạm Kiểm soát Biên phòng Lạch Hới (thuộc Đồn Biên phòng Hoằng Trường).

Đặc biệt, từ đầu tháng 10/2022 đến nay, do ảnh hưởng của bão số 6 và không khí lạnh, gió mạnh, triều cường, hiện tượng sạt lở tại đây diễn biến rất nghiêm trọng.

Dự báo, thời gian tới, hiện tượng sạt lở, xâm thực có khả năng diễn biến phức tạp, khó lường. Tình trạng này nguy cơ diễn biến phức tạp, gây tâm lý lo lắng cho người dân, nhất là hộ có ở khu vực gần biển.

Trước tình hình trên, Ủy ban Nhân dân tỉnh Thanh Hóa đã chỉ đạo Ủy ban Nhân dân huyện Hoằng Hóa theo dõi chặt chẽ diễn biến của sạt lở, xâm thực và báo cáo kịp thời khi có tình huống nguy hiểm xảy ra.

Huyện cắm mốc, biển cảnh báo nguy hiểm trong phạm vi sạt lở, xâm thực và thông báo rộng rãi trên các phương tiện thông tin đại chúng; không cho người, phương tiện đi vào khu vực nguy hiểm, nhất là khi xảy ra triều cường, đồng thời khẩn trương xây dựng, phê duyệt, triển khai trên thực tế phương án trọng điểm phòng, chống thiên tai bờ biển khu vực cửa Lạch Hới, để đảm bảo an toàn cho người, tài sản theo phương châm “4 tại chỗ;” đặc biệt là sẵn sàng tổ chức sơ tán, di dời các hộ dân, cơ quan bị ảnh hưởng khi có tình huống xảy ra; thực hiện các biện pháp gia cố phù hợp để hạn chế sự phát triển của sạt lở, xâm thực.

Các ngành chức năng của tỉnh căn cứ vào chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn có trách nhiệm phối hợp, hướng dẫn Ủy ban Nhân dân huyện Hoằng Hóa tổ chức thực hiện đảm bảo theo quy định./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục