Kiên Giang: Chủ động ứng phó với mưa lớn, ngập lụt, sạt lở đất

Nửa đầu tháng Chín này, ảnh hưởng của mưa lớn, kèm theo dông lốc đã gây đổ sập 2 căn nhà, tốc mái 43 căn, làm một người bị thương và nhiều tài sản khác của người dân ở xã bị thiệt hại.
Kiên Giang: Chủ động ứng phó với mưa lớn, ngập lụt, sạt lở đất ảnh 1Bờ kè chống sạt lở bờ sông Rạch Chanh trên địa bàn huyện Giồng Riềng, tỉnh Kiên Giang. (Ảnh: Lê Huy Hải/TTXVN)

Ban Chỉ huy phòng, chống thiên tai, tìm kiến cứu nạn và phòng thủ dân sự tỉnh Kiên Giang chủ động triển khai phương án, thực hiện các giải pháp ứng phó với mưa lớn, lốc, sét, ngập lụt, sạt lở đất trên địa bàn đang giai đoạn cao điểm mùa mưa bão để hạn chế thấp nhất những thiệt hại có thể xảy ra do thiên tai.

Theo phương án, các huyện, thành phố trong tỉnh theo dõi chặt chẽ các bản tin cảnh báo, dự báo, thông tin kịp thời cho người dân biết để chủ động phòng tránh, ứng phó khi tình huống xấu xảy ra. Các địa phương kiểm tra, rà soát các khu dân cư ven biển, ven sông, đê điều, hồ đập, khu vực trũng thấp có nguy cơ cao xảy ra ngập lụt và sạt lở đất để di dời, sơ tán người dân đến nơi an toàn. Các đoàn thể tại địa phương phối hợp vận động, hỗ trợ người dân chằng chống nhà cửa, thực hiện các biện pháp ứng phó, đảm bảo an toàn tính mạng, tài sản và cây trồng, vật nuôi.

Đối với các hồ chứa nước ở các đảo, đặc biệt là hồ nước Dương Đông (thành phố Phú Quốc), các trọng điểm đê điều xung yếu trên địa bàn tỉnh, hệ thống thủy lợi ngăn mặn, giữ ngọt và thoát lũ, các địa phương bố trí lực lượng thường trực để vận hành điều tiết, kịp thời xử lý các tình huống bất lợi, tiêu cực có thể xảy ra trong mùa mưa bão.

Cùng với đó, các ngành chức năng tỉnh có liên quan phối hợp với các huyện, thành phố tập trung triển khai phương án, giải pháp bảo đảm sản xuất an toàn, nhất là gia cố đê điều bảo vệ hồ, ao nuôi trồng thủy sản; hướng dẫn, hỗ trợ nông dân thu hoạch lúa Hè Thu và Thu Đông, hoa màu, cây trồng cạn, thủy sản đến kỳ thu hoạch để hạn chế thiệt hại do thiên tai; chủ động quản lý, vận hành hệ thống cống thủy lợi trên địa bàn để điều tiết nước, chống ngập úng những khu vực trũng thấp, nhất là vùng đầu nguồn lũ Tứ giác Long Xuyên, Tây sông Hậu và vùng U Minh Thượng.

[Kiên Giang: Huy động hơn 17.400 tỷ đồng chống sạt lở bờ biển, bờ sông]

Ngành chức năng phối hợp bộ phận tiếp quản công trình thủy lợi vùng Đồng bằng sông Cửu Long vận hành có hiệu quả hệ thống thủy lợi Cái Lớn-Cái Bé, điều tiết nguồn nước hợp lý phục vụ sản xuất, hạn chế thấp nhất tình trạng ngập úng.

Ngành chức năng tăng cường các bản tin dự báo, cảnh báo về thời tiết cung cấp cho các cơ quan thông tin đại chúng, cơ quan có liên quan để thông tin đến người dân biết; tăng cường các hoạt động tuyên truyền chủ động ứng phó mưa lớn, lốc, sét, sạt lở đất cho cộng đồng, người dân để phòng tránh, giảm thiệt hại do thiên tai có thể xảy ra.

Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh Kiên Giang chỉ đạo các đơn vị chức năng, nhất là những đơn vị đóng ở khu vực biển đảo, cửa sông lớn, cửa biển theo dõi chặt chẽ thông tin dự báo, cảnh báo gió mùa Tây Nam và diễn biến thời tiết trên biển để thông báo kịp thời cho thuyền trưởng, chủ các phương tiện, tàu thuyền hoạt động trên biển biết để chủ động phòng tránh, đảm bảo an toàn về người, tài sản và có kế hoạch sản xuất phù hợp, duy trì thông tin liên lạc để xử lý kịp thời những tình huống xấu xảy ra trên biển. Bộ đội Biên phòng tỉnh cùng với các cơ quan chức năng có liên quan chuẩn bị, sẵn sàng lực lượng, phương tiện để kịp thời cứu hộ, cứu nạn khi có yêu cầu.

Phó Chi cục trưởng Chi cục thủy lợi Kiên Giang Đoàn Chí Tâm, Phó Chánh văn phòng Ban Chỉ huy phòng, chống thiên tai, tìm kiến cứu nạn và phòng thủ dân sự tỉnh cho hay, theo cơ quan khí tượng thủy văn, gió mùa Tây Nam khu vực Kiên Giang đang hoạt động với cường độ trung bình đến mạnh, kết hợp với thời điểm triều cường biển Tây lên nên khả năng các vùng ven biển của tỉnh xuất hiện nước biển dâng, gây ngập úng các vùng trũng thấp, vùng cửa sông Cái Bé, Cái Lớn, vùng ven biển các huyện An Minh, An Biên, Châu Thành và thành phố Rạch Giá.

Trong 8 tháng đầu năm 2022, thiên tai xảy ra trên địa bàn tỉnh đã làm đổ sập 89 căn nhà, 295 căn bị tốc mái, 4 người chết, 4 người bị thương, làm chìm 14 tàu đánh cá và những thiệt hại khác. Ước tính ban đầu thiệt hại hơn 8,41 tỷ đồng. Nửa đầu tháng Chín này, ảnh hưởng của mưa lớn, kèm theo dông lốc đã gây đổ sập 2 căn nhà, tốc mái 43 căn, làm một người bị thương và nhiều tài sản khác của người dân trên địa bàn xã Hòa Hưng, Hòa An của huyện Giồng Riềng bị thiệt hại.

Sạt lở bờ sông, bờ biển gây mất nhiều diện tích rừng phòng hộ ven biển, đe dọa trực tiếp đến an toàn tuyến đê biển, cơ sở hạ tầng, ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống và sản xuất của người dân. Hiện nay, toàn tỉnh có hơn 63km bờ biển và khoảng 158km bờ sông bị sạt lở. Một số khu vực hạ lưu cống Cái Bé trên địa bàn huyện Châu Thành xảy ra ngập, ảnh hưởng bất lợi đến sản xuất và sinh hoạt của nhân dân./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục