Trên đường "hạ cánh mềm"

Kinh tế Trung Quốc đang trên đường "hạ cánh mềm"

IMF ngày 25/7 nhận đinh, kinh tế Trung Quốc đang trên đường "hạ cánh mềm," có thể ứng phó tốt với những tác động tiêu cực từ bên ngoài.
Trong báo cáo về triển vọng kinh tế Trung Quốc công bố sáng 25/7, Quỹ Tiền tệ  Quốc tế (IMF) nhận định rằng nền kinh tế Trung Quốc đang trên đường "hạ cánh mềm", có thể ứng phó tốt với những tác động tiêu cực từ bên ngoài.

Báo cáo của IMF cho rằng nền kinh tế Trung Quốc đang tăng trưởng chậm lại sau khi nước này áp dụng chính sách nhằm tiết chế tốc độ tăng trưởng về mức bền vững hơn.

Các chính sách kinh tế vĩ mô của Trung Quốc đã được điều chỉnh theo hướng giảm bớt tốc độ tăng trưởng về mức hợp lý, và sẽ tiếp tục được điều chỉnh cho phù hợp với những biến động mới.

Tuy nhiên, khủng hoảng tại khu vực đồng euro trầm trọng hơn nữa có thể là trở ngại chính cho các nỗ lực trên của Chính phủ Trung Quốc.

Về tăng trưởng kinh tế, IMF dự đoán tốc độ tăng trưởng của Trung Quốc trong năm nay sẽ giảm xuống khoảng 8% và tăng nhẹ lên mức 8,5% trong năm 2013.

Nếu không có thêm "cú sốc" về nguồn cung nông sản dẫn đến giá lương thực tăng cao, lạm phát của Trung Quốc trong năm nay sẽ ở mức từ 3-3,5% và giảm xuống còn từ 2,5 -3% trong năm sau.

Về tài chính và thương mại, IMF cho rằng quan điểm của Chính phủ Trung Quốc trong lĩnh vực này là "thích hợp," các chính sách tiền tệ phù hợp với mục tiêu điều hành nền kinh tế.

Ban Giám đốc của IMF hoan nghênh những tiến bộ gần đây của Trung Quốc trong cải cách lĩnh vực tiền tệ, song cảnh báo rằng vẫn có nguy cơ phát sinh từ việc tăng nhanh tín dụng ngân hàng.

IMF khuyến nghị Bắc Kinh đẩy mạnh việc hoàn thiện các quy định, tiến hành thanh tra, giám sát các rủi ro mang tính hệ thống trong nền kinh tế.

Ban Giám đốc của IMF cũng nhất trí cho rằng thách thức lớn đối với các nhà hoạch định chính sách của Trung Quốc trong thời gian tới là làm sao vừa "hạ nhiệt" nền kinh tế trong khi vẫn thúc đẩy các cải cách nhằm mở rộng nền kinh tế theo hướng cân bằng và bền vững hơn, dựa trên nhu cầu trong nước.

Phó Giám đốc khu vực châu Á-Thái Bình Dương của IMF Markus Rodlauder nhận định Trung Quốc hiện đang phải đối mặt với "thách thức kép" giữa mục tiêu dài hạn là tiếp tục cải cách nền kinh tế với nhu cầu ngắn hạn là hạ bớt tốc độ tăng trưởng.

Tuy nhiên, ông Rodlauder cũng cho rằng nỗ lực "hạ nhiệt" nền kinh tế của Chính phủ Trung Quốc sẽ trở nên "dễ dàng hơn" khi triển vọng kinh tế toàn cầu xấu đi, do các áp lực mới phát sinh tại khu vực đồng eurozone.

Đánh giá trên của IMF trùng hợp nhiều dự báo trước đây của giới chuyên gia kinh tế trên thế giới, khi xuất hiện những lo ngại rằng kinh tế Trung Quốc sẽ "hạ cánh cứng" (tốc độ tăng trưởng giảm đột ngột trong khi nền kinh tế chưa kịp thích ứng).

Trước đó, Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) cũng đánh giá rằng khả năng "hạ cánh cứng" đối với nền kinh tế lớn thứ hai thế giới này là khó xảy ra.

Chuyên gia kinh tế David Shairp tại JP Morgan Asset Managêmnt nhận định: "Đối với nền kinh tế dựa vào hoạt động xuất khẩu trong ba thập kỷ qua như Trung Quốc, những điều chỉnh vĩ mô là cần thiết khi kinh tế toàn cầu suy yếu.

Đã có những tín hiệu cho thấy sự phục hồi nhu cầu nội địa gia tăng, nguồn tín dụng ngân hàng đang được cải thiện, vì vậy khả năng dễ xảy ra nhất là kinh tế Trung Quốc sẽ "hạ cánh mềm"./.

(TTXVN)

Tin cùng chuyên mục