Đầu giờ chiều ngày 19/7, tại huyện miền núi Kon Plông (tỉnh Kon Tum) tiếp tục xảy ra trận động đất kích thích có độ lớn 3,3. Đây là trận động đất thứ 4 liên tiếp xảy ra trong ngày và là trận động đất thứ 66 xảy ra từ đấu tháng 7/2023 đến nay.
Trước đó, vào lúc 0 giờ 26 phút ngày 19/7, tại huyện Kon Plông xảy ra trận động đất có độ lớn 3,0. Sau đó, trong buổi sáng cùng ngày, tại huyện này tiếp tục xảy ra 2 trận động đất có độ lớn 2,7 và 3,6.
Theo Trung tâm Báo tin động đất và Cảnh báo sóng thần (Viện Vật lý Địa cầu, Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam), các trận động đất trên là động đất nhỏ, dù không gây rủi ro thiên tai, song cũng không thể chủ quan.
Thực tế, từ đầu năm 2023 đến nay, động đất tại khu vực huyện Kon Plông xảy ra liên tục với tần suất dày và cường độ mạnh hơn so với những năm trước đây.
Thống kê của Viện Vật lý Địa cầu cho thấy từ đầu năm 2023 đến nay, trên địa bàn huyện Kon Plông, đã xảy ra hơn 200 trận động đất, được cho là động đất kích thích do hoạt động thủy điện, với độ lớn từ 2,5 - 4,2.
Trong đó, đỉnh điểm là ngày 7/7, tại huyện Kon Plông đã xảy ra 15 trận động đất với độ lớn cao nhất 4,2. Đây cũng là ngày mà các trận động đất xảy ra được cơ quan chuyên môn ghi nhận có độ lớn cao nhất, phổ biến từ 3.0 trở lên.
Viện trưởng Viện Vật lý Địa cầu Nguyễn Xuân Anh cho biết từ tháng 6/2021, đơn vị này đã cử cán bộ đến khu vực này để thiết lập thêm các trạm quan trắc nhằm tìm hiểu rõ hơn và cảnh báo kịp thời các hiện tượng địa chất nguy hiểm có thể xảy ra.
Trên cơ sở đó, đầu tháng 9/2022, tỉnh Kon Tum đã hoàn thành việc xây dựng, lắp đặt mới 3 trạm quan trắc cảnh báo động đất tại Thủy điện Thượng Kon Tum, nâng tổng số trạm quan trắc thuộc khu vực hoạt động của thủy điện này lên 6 trạm.
Số liệu ghi nhận được từ các trạm cho thấy trong thời gian gần đây, tại khu vực huyện Kon Plông, động đất xảy ra thường xuyên hơn và có xu hướng mạnh hơn. Mặc dù đến nay chưa ghi nhận thiệt hại tại khu vực trên nhưng các rung động địa chấn do động đất gây ra đã ảnh hưởng nhất định đến đời sống của người dân địa phương.
Khu vực tỉnh Kon Tum nói chung và huyện Kon Plông nói riêng thuộc đới đứt gãy nhỏ. Các nghiên cứu trước chỉ ra rằng những trận động đất tại khu vực này có độ lớn không quá 5,0. Dù vậy, Viện Vật lý Địa cầu vẫn thường xuyên thông báo về hoạt động động đất đến chính quyền và người dân tại khu vực này.
Tiến sỹ Nguyễn Xuân Anh khuyến cáo người dân và chính quyền địa phương cần quan tâm đến các yếu tố kháng chấn trong xây dựng. Chính quyền cần thường xuyên tuyên truyền, hướng dẫn cho người dân các biện pháp phòng, tránh, giảm thiểu thiệt hại khi xảy ra động đất mạnh.
Khi nhận được tin động đất, cảnh báo sóng thần, mọi công dân trong vùng bị ảnh hưởng phải sẵn sàng sơ tán khỏi vùng nguy hiểm để đảm bảo an toàn./.