Kỳ họp thứ nhất: Cải cách chính sách thu để cơ cấu lại ngân sách

Chính phủ cần có giải pháp phát triển 3 khu vực sản xuất kinh doanh, hoàn thiện chính sách thu của 3 khu vực; cơ cấu lại nguồn thu, rà soát lại việc phân chia ngân sách.
Bộ trưởng Bộ Tài chính nhiệm kỳ 2016-2021 Hồ Đức Phớc, thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ, trình bày Tờ trình đề nghị Quốc hội phê chuẩn quyết toán ngân sách nhà nước năm 2019. (Ảnh: Doãn Tấn/TTXVN)
Bộ trưởng Bộ Tài chính nhiệm kỳ 2016-2021 Hồ Đức Phớc, thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ, trình bày Tờ trình đề nghị Quốc hội phê chuẩn quyết toán ngân sách nhà nước năm 2019. (Ảnh: Doãn Tấn/TTXVN)

Sáng 22/7, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc, thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ, trình bày Tờ trình đề nghị Quốc hội phê chuẩn quyết toán ngân sách nhà nước năm 2019.

Cụ thể, theo Bộ trưởng Hồ Đức Phớc, dự toán thu ngân sách nhà nước năm 2019 là 1.411.300 tỷ đồng, quyết toán 1.553.611,589 tỷ đồng, tăng 10,1%. Nguyên nhân tăng so với dự toán chủ yếu do thu từ các khoản thu về nhà, đất, thu khác ngân sách, thuế xuất, nhập khẩu và thu từ dầu thô…

Dự toán chi ngân sách nhà nước 1.633.300 tỷ đồng, quyết toán 1.526.892,949 tỷ đồng, bằng 93,5% so với dự toán. Nguyên nhân chủ yếu do một số khoản chi triển khai chậm nên bị hủy dự toán hoặc chuyển nguồn sang năm sau chi tiếp theo quy định của Luật Ngân sách nhà nước.

Về nội dung bội chi ngân sách nhà nước và các khoản vay bù đắp, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc cho biết, tại Nghị quyết số 70/2018/QH14, mức bội chi ngân sách nhà nước được quyết định là 222.000 tỷ đồng, bằng 3,6% GDP.

Quyết toán số bội chi ngân sách nhà nước là 161.490,73 tỷ đồng, bằng 2,67% GDP thực hiện, giảm 60.509,27 tỷ đồng (1% GDP) so với dự toán Quốc hội quyết định.

Về nguồn bù đắp bội chi của ngân sách Trung ương, Báo cáo nêu rõ, khoản vay trong nước 123.312,361 tỷ đồng; vay ngoài nước 38.178,369 tỷ đồng, các khoản vay đa dạng về kỳ hạn nợ, nâng kỳ hạn trái phiếu Chính phủ vay trong nước, nhờ đó kỳ hạn vay bình quân năm 2019 đã được kéo dài.

Báo cáo Kiểm toán quyết toán ngân sách nhà nước năm 2019 do Tổng Kiểm toán Nhà nước Trần Sỹ Thanh trình bày cho thấy, dư nợ công đến 31/12/2019 là 3.320.608 tỷ đồng, bằng 55% GDP; các chỉ tiêu an toàn nợ công nằm trong giới hạn cho phép của Quốc hội.

Tuy nhiên, nghĩa vụ trả nợ trực tiếp của Chính phủ so với tổng thu ngân sách nhà nước có xu hướng tăng nhanh từ 15,8% năm 2016 lên 18,1% năm 2019, làm giảm mạnh dư địa cho nhiệm vụ chi đầu tư phát triển và chi thường xuyên của ngân sách nhà nước, tiềm ẩn rủi ro đối với an ninh tài chính quốc gia.

Thẩm tra Tờ trình quyết toán ngân sách nhà nước năm 2019, Ủy ban Tài chính-Ngân sách nhận định, thu ngân sách nhà nước năm 2019 vượt dự toán 10,1% thể hiện sự cố gắng, nỗ lực của Chính phủ trong việc cải thiện môi trường kinh doanh, thực hiện quản lý thu, cải cách hành chính trong quản lý thuế.

Tuy nhiên, số tăng thu 2019 chủ yếu từ đất, tài nguyên và từ thu hồi vốn của nhà nước... thể hiện cơ cấu thu chưa bền vững, phụ thuộc nhiều các yếu tố thiếu ổn định, không thường xuyên.

Hạn chế này diễn ra trong cả giai đoạn 2015-2019 nên cần xác định nguyên nhân, trách nhiệm để khắc phục trong giai đoạn tới.

Kỳ họp thứ nhất: Cải cách chính sách thu để cơ cấu lại ngân sách ảnh 1Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cùng các đồng chí lãnh đạo Đảng và Nhà nước dự phiên họp sáng 22/7. (Ảnh: Trí Dũng/TTXVN)

Năm 2019 được đánh giá là năm đạt nhiều kết quả tích cực về kinh tế nhưng có tới 4/7 khoản thu nội địa không đạt dự toán, đáng lưu ý, số thu từ hoạt động sản xuất kinh doanh của 3 khu vực (khu vực doanh nghiệp nhà nước, khu vực có vốn đầu tư nước ngoài và khu vực ngoài quốc doanh) 3 năm liên tiếp không đạt dự toán.

Bên cạnh đó, thu ngân sách trung ương vượt dự toán, song chỉ chiếm 56% tổng thu ngân sách nhà nước, thấp hơn mục tiêu đề ra (60-65%).

Chính phủ cần đánh giá thực trạng, nguyên nhân và trách nhiệm để xảy ra các hạn chế này; có giải pháp phát triển 3 khu vực sản xuất kinh doanh, hoàn thiện chính sách thu của 3 khu vực, đồng thời cơ cấu lại nguồn thu, rà soát lại việc phân chia ngân sách để bảo đảm vai trò chủ đạo của ngân sách Trung ương.

[6 tháng cuối năm, tập trung chống dịch COVID-19, đẩy mạnh sản xuất]

Ngoài ra, tình trạng kê khai thiếu thuế vẫn diễn ra, công tác thể chế chính sách thu ngân sách nhà nước chưa kịp thời, ảnh hưởng đến hiệu lực, hiệu quả của hệ thống chính sách, pháp luật đã ban hành.

Về quyết toán chi ngân sách nhà nước, năm 2019, Chính phủ đã triển khai nhiều giải pháp trong tổ chức điều hành dự toán chi ngân sách; quản lý chặt chẽ các khoản chi, tích cực thực hiện các giải pháp tiết kiệm chống lãng phí, bám sát mục tiêu, dự toán được giao, bảo đảm ổn định kinh tế vĩ mô, thực hiện nhiệm vụ quốc phòng, an ninh và các chính sách an sinh xã hội.

Tuy nhiên, vẫn còn tồn tại một số hạn chế, bất cập như chi thường xuyên vẫn chiếm tỷ trọng cao trong tổng chi ngân sách nhà nước, bằng 65,2% tổng quyết toán chi ngân sách nhà nước, cao hơn mục tiêu đề ra là dưới 64%.

Tình trạng chi ngân sách nhà nước chưa đúng chế độ, tiêu chuẩn, định mức chưa được khắc phục triệt để. Tiến độ giải ngân vốn đầu tư công năm 2019 chậm, trong đó chi đầu tư phát triển ngân sách Trung ương chỉ đạt 60% so với dự toán.

Nguyên nhân chính là do công tác giao vốn chưa bám sát vào tình hình thực tế của các dự án, quá trình điều hành và tổ chức thực hiện tại các bộ, ngành, địa phương chưa linh hoạt, đúng quy định, phù hợp thực tiễn triển khai của từng dự án nên cần làm rõ trách nhiệm của Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng như trách nhiệm của các địa phương, bộ, ngành để chấn chỉnh khắc phục.

Cũng theo Ủy ban Tài chính-Ngân sách, bội chi ngân sách nhà nước năm 2019 bằng 2,67% GDP, giảm 60.509 tỷ đồng so với dự toán cho thấy Chính phủ đã nỗ lực để kiểm soát bội chi.

Năm 2019, mức tăng nợ công có xu hướng giảm so với các năm trước; các chỉ tiêu an toàn nợ trong giới hạn cho phép; nợ công tiếp tục được cơ cấu lại theo hướng bền vững hơn.

Tuy nhiên, nghĩa vụ trả nợ trực tiếp của Chính phủ so với tổng thu ngân sách nhà nước có xu hướng tăng nhanh làm giảm mạnh dư địa cho nhiệm vụ chi đầu tư phát triển, có nguy cơ ảnh hưởng tới hệ số tín nhiệm quốc gia.

Để nâng cao hiệu quả quản lý, sử dụng ngân sách nhà nước, Ủy ban Tài chính- Ngân sách đề nghị Chính phủ có giải pháp nâng cao tỷ lệ thực hiện các kiến nghị của Kiểm toán nhà nước, xử lý dứt điểm các kiến nghị chưa được thực hiện từ năm 2018 về trước; xử lý trách nhiệm tổ chức, cá nhân chưa hoặc không thực hiện các kiến nghị của Kiểm toán nhà nước.

Cùng với đó, nghiên cứu, sửa đổi, bổ sung các quy định liên quan đến cơ chế tự chủ tại các đơn vị sự nghiệp công lập cho phù hợp với thực tiễn; có giải pháp khắc phục những bất cập tồn tại trong quản lý điều hành ngân sách đã nêu trong báo cáo thẩm tra, đặc biệt lưu ý đến việc cải cách chính sách thu để cơ cấu lại ngân sách; xác định phân cấp ngân sách phù hợp để tăng tính chủ động cho các địa phương, nhưng phải đảm bảo vai trò chủ đạo của ngân sách Trung ương./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục