Ký thỏa thuận dự án ứng phó thiên tai tại Đà Nẵng

Ủy ban Nhân dân thành phố Đà Nẵng và Viện Nghiên cứu chuyển đổi môi trường và xã hội (ISET), Tổ chức Thách thức với thay đổi (CtC) đã ký kết thỏa thuận Dự án “Ứng phó thiên tai tại thành phố Đà Nẵng” tại một hội thảo ngày 20/2 ở Đà Nẵng.

Ủy ban Nhân dân thành phố Đà Nẵng và Viện Nghiên cứu chuyển đổi môi trường và xã hội (ISET), Tổ chức Thách thức với thay đổi (CtC) đã ký kết thỏa thuận Dự án “Ứng phó thiên tai tại thành phố Đà Nẵng” tại một hội thảo ngày 20/2 ở Đà Nẵng.
 
Theo bà Nguyễn Phúc Hòa, đại diện CtC tại Việt Nam, mục tiêu của dự án này là thử nghiệm, đánh giá và đưa ra những hoạt động cụ thể để xây dựng năng lực chống chịu với những ảnh hưởng của biến đổi khí hậu ở đô thị; lập cơ sở dữ liệu về bài học kinh nghiệm, những thất bại về chống chịu với biến đổi khí hậu và nhưng thành công có thể nhân rộng; Hỗ trợ thành phố đưa ra quy trình thực hiện xây dựng năng lực chống chịu với biến đổi khí hậu; Nâng cao năng lực của thành phố để tiếp tục thực hiện các hoạt động chống chịu với biến đổi khí hậu.
 
Dự án “Ứng phó thiên tai tại thành phố Đà Nẵng” nằm trong Dự án “Mạng lưới các thành phố châu Á có khả năng chống chịu với biến đổi khí hậu” (ACCCRN). Dự án ACCCRN do Quỹ Rockefeller của Hoa Kỳ tài trợ, với trị giá 50 triệu USD, thực hiện trong 5 năm nhằm giúp một số thành phố ở 4 nước châu Á là Việt Nam, Ấn Độ, Thái Lan, Indonesia có khả năng ứng phó với thiên tai do biến đổi khí hậu gây ra trong những thập nên tới.
 
Ba thành phố của Việt Nam được chọn triển khai dự án ACCCRN là Đà Nẵng, Quy Nhơn và Cần Thơ. Tham gia thực hiện Dự án này là UBND thành phố Đà Nẵng, Cần Thơ, tỉnh Bình Định và các tổ chức CtC, Quỹ Rockefeller và Viện Chiến lược và Chính sách khoa học và công nghệ (Bộ Khoa học và Công nghệ).
 
Tại Hội thảo khoa học “Thành phố Đà Nẵng và biến đổi khí hậu,” nhiều tham luận nêu lên các các tác động của biến đổi khí hậu ở miền Trung Việt Nam; tình hình thiên tai tại thành phố Đà Nẵng; các kế hoạch phát triển đô thị tại các vùng tiềm ẩn rủi ro thiên tai; tính dễ tổn thương của cộng đồng; các kinh nghiệm trong việc ứng phó với thiên tai.
 
Tham dự Hội thảo có đại diện của ISET, CtC, Viện chiến lược và Chính sách Khoa học và Công nghệ (Bộ Khoa học và Công nghệ), các nhà nghiên cứu thuộc Đại học Quốc gia Hà Nội, Đại học Bách khoa Đà Nẵng, đại diện các địa phương thường xuyên chịu ảnh hưởng nặng nề từ thiên tai trên địa bàn thành phố Đà Nẵng.
 
Theo Tiến sĩ Stephen Tyler, chuyên viên cao cấp tổ chức ISET, Hội thảo được tổ chức nhằm giúp các nhà khoa học và lãnh đạo địa phương trao đổi và nghiên cứu sâu hơn các kiến thức khoa học sẵn có để có thể dự đoán những biến đổi của khí hậu ở miền Trung Việt Nam trong tương lai và nghiên cứu những tác động hiện tại từ thực tế mà thành phố Đà Nẵng đã trải nghiệm./.
 
Dương Vương Lợi (Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục