Lập hành lang bảo tồn sinh học tiểu vùng Mekong

Qua một năm triển khai, Dự án lập hành lang bảo tồn đa dạng sinh học tiểu vùng Mekong ở Việt Nam đã bước đầu thu được nhiều kết quả.
Chiều 21/12, tại Hà Nội, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã tổ chức Hội nghị tổng kết Dự án “Hành lang bảo tồn đa dạng sinh học Tiểu vùng Mekong mở rộng, giai đoạn 2” năm 2012, để đánh giá tình hình thực hiện Dự án cũng như để các bên liên quan thảo luận, đề xuất cách thức tổ chức thực hiện Dự án đúng tiến độ, đạt hiệu quả.

Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Môi trường Nguyễn Thế Đồng cho biết Dự án “Hành lang bảo tồn đa dạng sinh học Tiểu vùng Mekong mở rộng, giai đoạn 2” là một dự án khu vực được triển khai cùng với 2 dự án khác tại Lào và Campuchia.

Dự án của Việt Nam (Dự án BCC) được triển khai tại ba tỉnh Quảng Nam, Quảng Trị và Thừa Thiên-Huế từ nguồn vốn vay của Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) nhằm thiết lập hệ thống hành lang đa dạng sinh học, phục hồi và duy trì tính liên kết của hệ sinh thái trong khu vực, bảo đảm dịch vụ hệ sinh thái rừng bền vững và thích ứng với biến đổi khí hậu tại vùng Trung Trường Sơn, đem lại lợi ích sinh kế cho cộng đồng địa phương.

Qua một năm triển khai, Dự án đã đạt được một số kết quả ban đầu như hoàn thiện công tác tổ chức bộ máy ở Trung ương và địa phương; tuyển dụng Công ty tư vấn và các tư vấn cá nhân; mua sắm hàng hóa; triển khai bước đầu rà soát quy hoạch sử dụng đất lồng ghép hành lang bảo tồn đa dạng sinh học và cập nhật hồ sơ đầu tư xã. Đây là những nội dung chuẩn bị quan trọng cho các hoạt động tiếp theo của Dự án, tập trung vào việc thiết lập hành lang bảo tồn đa dạng sinh học và cải thiện sinh kế cho người dân.

Dự án BCC được thực hiện từ năm 2011 đến năm 2019, với 4 hợp phần: Tăng cường năng lực thể chế và cộng đồng về quản lý hành lang đa dạng sinh học; phục hồi hành lang đa dạng sinh học, bảo vệ hệ sinh thái và quản lý bền vững nguồn tài nguyên; hỗ trợ cải thiện sinh kế và cơ sở hạ tầng quy mô nhỏ; quản lý dự án và dịch vụ hỗ trợ.

Dự án sẽ cung cấp an toàn sở hữu rừng cho các hộ nghèo và các nhóm dân tộc thiểu số về việc quản lý có chọn lọc các tài nguyên rừng; khôi phục lại môi trường sống tại các vùng đất rừng bị suy thoái thông qua việc trồng các loại cây bản địa và các mô hình nông lâm kết hợp với các nguồn lâm sản ngoài gỗ được cải thiện; cải thiện sinh kế và thu nhập nâng cấp cơ sở hạ tầng quy mô nhỏ, thu lợi hơn 1 triệu ngày công lao động thông qua các hoạt động dự án.

Theo Bộ Tài nguyên và Môi trường, năm 2013 sẽ là năm quan trọng, tập trung vào các hoạt động liên quan đến thiết lập hành lang, cải thiện sinh kế và cơ sở hạ tầng. Bởi vậy, cần đẩy mạnh các hoạt động trọng tâm như: Nghiên cứu, quy hoạch hành lang bảo tồn đa dạng sinh học, đánh giá tác động của biến đổi khí hậu lên khu vực hành lang dự kiến, rà soát, xây dựng, cập nhật Quy hoạch sử dụng đất có lồng ghép hành lang bảo tồn đa dạng sinh học; tuần tra, bảo vệ rừng, kiểm kê và quản lý rừng cộng đồng; cải thiện sinh kế liên quan đến vườn nhà, khuyến nông, vườn ươm, thành lập Quỹ phát triển xã…/.

Thanh Tuấn (TTXVN)

Tin cùng chuyên mục