LHQ kêu gọi cộng đồng quốc tế hỗ trợ khẩn cấp cho người dân Sudan

Tổ chức Di cư Quốc tế cho tới nay đã hỗ trợ hơn một triệu người ở Sudan và các nước láng giềng, bằng tiền mặt, tạo điều kiện vận chuyển an toàn, cung cấp hỗ trợ y tế, an ninh và nước sinh hoạt.

Người dân xếp hàng chờ nhận hàng cứu trợ tại Gedaref, Sudan, ngày 30/12/2023. (Ảnh: AFP/TTXVN)
Người dân xếp hàng chờ nhận hàng cứu trợ tại Gedaref, Sudan, ngày 30/12/2023. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Ngày 17/1, Tổng giám đốc Tổ chức Di cư Quốc tế (IOM) của Liên hợp quốc (LHQ) đã kêu gọi cộng đồng quốc tế tăng cường hỗ trợ tài chính khẩn cấp và cam kết giải quyết cuộc khủng hoảng nhân đạo đang leo thang từng ngày tại Sudan.

Theo phóng viên TTXVN tại New York, phát biểu trong bối cảnh cuộc khủng hoảng tại Sudan bước sang tháng thứ 10, Tổng giám đốc IOM Amy Pope cho biết kể từ khi chiến sự bùng phát giữa Lực lượng vũ trang Sudan (SAF) và nhóm bán quân sự Lực lượng Hỗ trợ Nhanh (RAF) ngày 15/4/2023 tới nay, khoảng 6 triệu người đã bị mất nhà cửa tại Sudan và hơn 1,7 triệu dân thường phải rời bỏ đất nước để đi lánh nạn ở một số quốc gia trong khu vực, trong đó có Nam Sudan, Chad, Ethiopia, Ai Cập, Cộng hòa Trung Phi và Libya.

Bà Amy Pope nhấn mạnh tình cảnh của người dân Sudan đòi hỏi sự quan tâm khẩn cấp của cộng đồng quốc tế và các bên phải ngừng bắn ngay lập tức “để cho phép người dân xây dựng lại cuộc sống của họ.

Chúng ta không được quay lưng trước sự đau khổ của hàng triệu người bị ảnh hưởng bởi cuộc xung đột. Bây giờ, hơn bao giờ hết, cộng đồng quốc tế cần dành mọi hỗ trợ có thể để tiếp tục cung cấp cứu trợ nhân đạo thiết yếu cho người dân Sudan, đồng thời hướng tới các giải pháp lâu dài”.

Theo Liên hợp quốc, IOM đã kêu gọi cung cấp khoản tài chính trị giá 307 triệu USD trong năm 2024 để hỗ trợ 1,2 triệu người bị ảnh hưởng nặng nề vì xung đột, bao gồm người dân mất nhà cửa ở Sudan, người tị nạn, người hồi hương và các công dân nước thứ ba.

Tổ chức Di cư Quốc tế cho tới nay đã hỗ trợ hơn một triệu người ở Sudan và các nước láng giềng, bằng tiền mặt, tạo điều kiện vận chuyển an toàn, cung cấp hỗ trợ y tế, an ninh và nước sinh hoạt.

Cùng ngày, Phái viên nhân quyền do Cao ủy Liên hợp quốc về Sudan chỉ định Radhouane Nouicer một lần nữa kêu gọi các bên liên quan ngừng bắn ngay lập tức, chấm dứt mọi hành động bạo lực và chuyển giao sang chính quyền dân sự.

Theo ông Nouicer, khi giao tranh giữa SAF và RAF lan rộng ra cả nước, số vụ vi phạm nhân quyền và luật nhân đạo quốc tế cùng gia tăng. Theo quan chức này, hơn 25 triệu dân thường, trong đó có 14 triệu trẻ em, cần được hỗ trợ nhân đạo và bảo vệ./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục