Lĩnh vực tài chính phi ngân hàng toàn cầu phát triển mạnh

Lĩnh vực tài chính phi ngân hàng (lĩnh vực tài chính bóng tối) tại 29 khu vực thuộc phạm vi quản lý của FSB, chiếm hơn 80% Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) toàn cầu, tăng 7,6% trong năm 2016.
Lĩnh vực tài chính phi ngân hàng toàn cầu phát triển mạnh ảnh 1Ảnh minh họa. (Nguồn: stockcointalk.com)

Hội đồng Ổn định Tài chính (FSB) có trụ sở tại Thụy Sỹ cho biết quy mô của lĩnh vực tài chính phi ngân hàng (lĩnh vực tài chính bóng tối) toàn cầu tính đến cuối năm 2016 tăng lên khoảng 45.200 tỷ USD, tăng đáng kể so với một năm trước đó.

Lĩnh vực này bao gồm các trung gian tài chính (quỹ dự phòng, công ty tài chính, thể chế chứng khoán...) cung cấp tín dụng hoặc bảo lãnh tín dụng mà không chịu sự quy định như một ngân hàng.

Theo báo cáo mới được FSB công bố, lĩnh vực tài chính bóng tối tại 29 khu vực thuộc phạm vi quản lý của FSB, chiếm hơn 80% Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) toàn cầu, tăng 7,6% trong năm 2016.

FSB cho biết tăng trưởng trong lĩnh vực tài chính bóng tối trong năm 2016 được dẫn dắt phần lớn bởi các công cụ đầu tư chung, như các quỹ phòng hộ tín dụng và các quỹ thị trường tiền tệ. Phân khúc này trong năm 2016 tăng trưởng 11% lên mức khoảng 32.300 tỷ USD.

Sau thời điểm xảy ra khủng hoảng tài chính năm 2008, khi sự sụp đổ của các ngân hàng quốc tế đe dọa phá tan toàn bộ các các nền kinh tế, quy mô và rủi ro hệ thống của ngành tài chính bóng tối được kiểm soát chặt chẽ, dẫn đến sự hình thành của FSB.

FSB có nhiệm vụ giám sát và đưa ra các khuyến cáo về hệ thống tài chính toàn cầu lên Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20), đồng thời xuất bản các báo cáo thường niên về hệ thống ngân hàng song song thuộc thẩm quyền của FSB nhằm thúc đẩy sự minh bạch tài chính quốc tế.

Năm 2015, FSB đưa ra một định nghĩa hẹp hơn về lĩnh vực tài chính bóng tối, tập trung đặc biệt vào trung gian tín dụng có thể gây ra các rủi ro ổn định tài chính.

Theo định nghĩa lớn hơn trước đây về lĩnh vực này, bao gồm tất cả các thể chế tài chính trừ các ngân hàng trung ương, các ngân hàng, công ty bảo hiểm, quỹ lương hưu, các thể chế tài chính công, công ty tham gia hoạt động tài chính phụ trợ, thì quy mô lên tới 99.000 tỷ USD tính đến cuối năm 2016, chiếm 30% tài sản của hệ thống tài chính toàn cầu./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục