Lời giải nào cho bài toán trùng lặp sản phẩm du lịch ở Đồng bằng sông Cửu Long?

Tình trạng trùng lặp sản phẩm, dịch vụ giữa một số điểm đến, địa phương có tương đồng về tài nguyên du lịch ở Đồng bằng sông Cửu Long đòi hỏi cần có sự liên kết, hợp tác phát triển để tăng cạnh tranh.

Du khách ghé vào thăm miệt vườn ở tỉnh Tiền Giang. (Ảnh: Xuân Mai/Vietnam+)
Du khách ghé vào thăm miệt vườn ở tỉnh Tiền Giang. (Ảnh: Xuân Mai/Vietnam+)

Du lịch sinh thái miệt vườn là một trong những sản phẩm du lịch đặc trưng, hấp dẫn với nhiều du khách khi tới Đồng bằng sông Cửu Long.

Tuy nhiên tình trạng trùng lặp sản phẩm, dịch vụ giữa một số điểm đến, địa phương có nét tương đồng về tài nguyên du lịch trong khu vực cùng với những thách thức liên quan đến thị hiếu du khách hay yếu tố biến đổi khí hậu ảnh hưởng môi trường sinh thái, đòi hỏi từng địa phương, điểm đến cần đầu tư, để có thêm nhiều sản phẩm chuyên biệt, độc đáo, tạo sức hút mới với du khách.

Sản phẩm du lịch hấp dẫn

Đồng bằng sông Cửu Long gồm 13 tỉnh, thành phố là Cần Thơ, An Giang, Tiền Giang, Long An, Đồng Tháp, Bến Tre, Vĩnh Long, Trà Vinh, Hậu Giang, Kiên Giang, Sóc Trăng, Bạc Liêu và Cà Mau.

Khu vực này có 700km bờ biển, cùng với đó là hệ thống kênh rạch dài hơn 28.000km; 3 khu dự trữ sinh quyển, 5 vườn quốc gia, 3 khu bảo tồn tự nhiên, 3 khu bảo tồn loài, 7 khu bảo vệ sinh cảnh và 1 khu rừng nghiên cứu thực nghiệm khoa học.

Được hình thành từ những trầm tích phù sa, Đồng bằng sông Cửu Long có đa dạng hệ sinh thái, từ hệ sinh thái biển, đảo, cửa sông đến hệ sinh thái đất ngập nước, rừng ngập mặn, cù lao châu thổ, với nhiều khu dự trữ sinh quyển, vườn quốc gia, khu bảo tồn thiên nhiên. Trong số đó, hệ sinh thái miệt vườn, sông nước là một trong những tài nguyên nổi bật hình thành nhiều sản phẩm du lịch hấp dẫn của vùng.

Cảnh quan miệt vườn, sông nước với những ruộng vườn xanh mát, những cồn, cù lao trên sông phong cảnh hữu tình, cộng đồng các dân tộc sinh sống với nhiều nét văn hóa đang làm nên dấu ấn khác biệt cho du lịch vùng đất “Chín rồng” - một trong những vùng du lịch trọng điểm cả nước.

Du lịch sinh thái miệt vườn là loại hình du lịch độc đáo, đặc trưng ở Đồng bằng sông Cửu Long. Trên cơ sở cảnh quan tự nhiên của những vườn cây ăn trái, hoa, cây kiểng, vùng sông nước, cù lao, hệ động thực vật cũng như tất cả những nét văn hóa bản địa, du lịch sinh thái miệt vườn mang đến cho du khách nhiều trải nghiệm, đồng thời giới thiệu, tôn vinh nhiều giá trị văn hóa truyền thống của người dân địa phương.

Du lịch sinh thái miệt vườn, sông nước là một trong những loại hình du lịch chủ đạo làm nên sức hấp dẫn cho đồng bằng châu thổ để các địa phương thuộc vùng thu hút mỗi năm khoảng 38-46 triệu lượt du khách trong và ngoài nước.

Là thành phố song Cần Thơ hiện có hơn 60% diện tích vùng ngoại thành, được bao quanh bởi rất nhiều sông rạch với những cồn, cù lao, miệt vườn trù phú. Địa bàn thành phố có rất nhiều điểm nhà vườn phát triển du lịch sinh thái với nhiều hoạt động trải nghiệm, tham quan, tập trung ở các quận, huyện Phong Điền, Bình Thủy, Thốt Nốt, Cái Răng.

Theo Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Đồng Tháp, tỉnh có khu vực ven sông Tiền, sông Hậu và các cù lao là vùng chuyên canh nhiều loại trái cây nổi tiếng xoài Cao Lãnh, nhãn Châu Thành, quýt Lai Vung, bưởi Phong Hòa… Các vùng chuyên canh không chỉ đem lại nhiều sản vật nông nghiệp mà còn là nền tảng hình thành nhiều sản phẩm du lịch sinh thái miệt vườn, du lịch nông nghiệp, nông thôn.

Không gian miệt vườn thoáng mát, làng quê hữu tình, cây xanh, hoa trái sum suê chính là những sản phẩm du lịch hấp dẫn du khách. Bên cạnh đó, miệt vườn còn là nơi sản sinh, nuôi dưỡng nhiều làng nghề, giá trị văn hóa truyền thống, đang từng bước được khai thác trở thành sản phẩm du lịch như làng nghề đan lục bình, dệt chiếu, đóng ghe xuồng, trồng hoa kiểng, các di tích văn hóa, lịch sử, lễ hội, điệu hò…, đưa Đồng Tháp trở thành một trong những địa chỉ tìm đến của những du khách mong muốn trải nghiệm không gian miệt vườn xanh mát, bình yên.

Trùng lặp về sản phẩm du lịch

Dù sở hữu tài nguyên du lịch đa dạng, có nét đặc trưng mà các khu vực khác không có nhưng du lịch Đồng bằng sông Cửu Long vẫn chưa phát huy hết tiềm năng.

vnp_1611mietvuon1.jpg
Du khách trải nghiệm đạp xe qua những chiếc cầu lắt lẻo giữa cù lao miệt vườn mát xanh ở Ba Láng, Cái Răng, thành phố Cần Thơ. (Ảnh: Anh Tùng/Vietnam+)

Một trong những hạn chế lớn của vùng về phát triển du lịch trong nhiều là sự trùng lặp về sản phẩm du lịch do cùng khai thác sắc thái chung của tài nguyên tự nhiên là sông nước, miệt vườn.

Cách làm du lịch vẫn còn mang nặng tính tự phát, thiếu chuyên nghiệp. Hầu hết các địa phương đều tổ chức khai thác các sản phẩm du lịch chung giống nhau, khai thác tiềm năng sẵn có mà thiếu đầu tư dài hạn.

Tình trạng kém hấp dẫn và không rõ tính đặc thù của các sản phẩm du lịch của vùng, các địa phương khai thác các giá trị tương đồng mà chưa nhìn nhận được các giá trị đặc thù, khác biệt của từng địa phương, giá trị và tính hấp dẫn tương quan trong vùng và cả nước.

Bên cạnh đó, khó khăn, thách thức đặt ra đối với phát triển du lịch vùng còn đến từ biến đổi khí hậu tác động tới đời sống, sinh kế của người dân, ảnh hưởng đến khai thác sản phẩm du lịch, trong đó có sản phẩm du lịch sinh thái.

Các biểu hiện xâm nhập mặn vào sâu ảnh hưởng tiêu cực đến năng suất lúa và các vườn cây trái. Mùa lũ về chậm lại mang theo ít cá tôm, ít phù sa bồi đắp gây ảnh hưởng tiêu cực đến hệ sinh thái tại đồng bằng.

Trước thực tế này, theo các chuyên gia, phát triển, đổi mới các sản phẩm du lịch trên cơ sở làm nổi bật hơn thế mạnh, nét riêng từng địa phương trong vùng, tạo ra nhiều sản phẩm mang tính chuyên biệt, đặc sắc hơn, đồng thời hạn chế tác động tiêu cực đến môi trường, thích ứng với biến đổi khí hậu có vai trò quan trọng.

Liên kết phát triển du lịch

Theo các chuyên gia, việc đẩy mạnh liên kết, hợp tác phát triển các loại hình, sản phẩm du lịch ở Đồng bằng Cửu Long nói chung, với loại hình du lịch sinh thái miệt vườn ở khu vực này nói riêng sẽ giúp phát huy nét đặc thù, tính độc đáo của sản phẩm ở từng địa phương, đồng thời tăng sức cạnh tranh cho sản phẩm.

1611mietvuon2.jpg
Đoàn khảo sát trải nghiệm tour du lịch sinh thái tại Khu Du lịch Mùa Xuân, tỉnh Hậu Giang. (Ảnh: Mỹ Phương/TTXVN)

Liên kết trong du lịch, ngoài liên kết dọc giữa các vùng, các địa phương với nhau còn cần chú ý liên kết ngang, nghĩa là lấy du lịch làm trọng tâm và có sự phối hợp, hỗ trợ từ nhiều ngành nghề khác. Đơn cử như giữa du lịch và nông nghiệp, du lịch và thương mại, góp phần tăng chiều sâu, tích hợp đa giá trị cho sản phẩm.

Liên quan đến giải pháp kết nối, theo Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam, các địa phương Đồng bằng sông Cửu Long cần đẩy mạnh phát triển nhiều tuyến du lịch, trong đó có các tuyến du lịch theo chuyên đề như tuyến du lịch nội vùng, gồm các tuyến chính, theo quốc lộ kết nối trung tâm du lịch, các khu, điểm du lịch.

Tuyến du lịch phụ trợ (có hệ thống giao thông kết nối trung tâm du lịch địa phương đến các điểm phụ cận) hay tuyến du lịch chuyên đề (sinh thái rừng, biển, khám phá vùng đất ngập nước Đồng Tháp Mười, rừng U Minh, Năm Căn, du khảo đồng quê...).

Các địa phương phát triển nhiều tuyến du lịch liên vùng theo đường bộ, đường thủy và đường không, tăng kết nối đến các địa phương vùng Đông Nam Bộ, Tây Nguyên, duyên hải miền Trung và các địa phương phía Bắc, tạo sự đa dạng trong sản phẩm cho du khách.

Các địa phương Đồng bằng sông Cửu Long đẩy mạnh phát triển các tuyến du lịch quốc gia và quốc tế dựa trên việc mở rộng các tuyến du lịch liên vùng gắn với Thành phố Hồ Chí Minh, Cần Thơ, Cà Mau; tuyến hành lang ven biển phía Nam và hệ thống cửa khẩu quốc tế đường bộ Hà Tiên (Kiên Giang), Tịnh Biên (An Giang), Thường Phước (Đồng Tháp) và Bình Hiệp (Long An) hoặc tuyến đường biển qua các cảng biển và tuyến đường sông trên sông Tiền, sông Hậu kết nối với Phnompenh, Seam Reap của nước bạn Campuchia./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục