Lý do thỏa thuận Brexit trong tình trạng 'hôn mê'

Nền chính trị Anh hiện chẳng phải là nơi vui vẻ gì. Các chuỗi sự kiện Brexit vẫn tiếp tục diễn ra trong một vòng tròn không có hồi kết và không bao giờ đi tới kết luận cuối cùng.
Lý do thỏa thuận Brexit trong tình trạng 'hôn mê' ảnh 1Ảnh minh họa. (Nguồn: Getty)

Theo mạng tin eurasiareview, nền chính trị Anh hiện chẳng phải là nơi vui vẻ gì. Các chuỗi sự kiện Brexit (việc Anh rời khỏi Liên minh châu Âu - EU) vẫn tiếp tục diễn ra trong một vòng tròn không có hồi kết và không bao giờ đi tới kết luận cuối cùng.

Tờ Financial Times đã mô tả rằng thỏa thuận Anh rút khỏi EU (dài 585 trang, là thỏa thuận "li dị" có tính ràng buộc pháp lý giữa EU và Anh) hiện đang trong tình trạng "hôn mê."

Thủ tướng Anh Theresa May đã hai lần thất bại thảm hại khi nỗ lực tìm cách thúc đẩy Quốc hội cho thông qua dự thảo thỏa thuận Brexit của bà.

Đầu tuần này, bà May dường như đã đạt được một số tiến triển khi một số thành viên của Tổ chức Nghiên cứu châu Âu thuộc đảng Bảo thủ - những người vốn ủng hộ mạnh mẽ Brexit - nói rằng họ có thể bỏ phiếu thông qua dự thảo thỏa thuận lần này của bà.

Đảng Liên minh Dân chủ (DUP) dường như cũng sẽ thay đổi ý kiến sau khi Lord Trimble nói rằng ông cảm thấy thủ tướng đã đạt được đủ sự nhượng bộ cần thiết từ Brussels về vấn đề "chốt chặn" - đảm bảo biên giới mở giữa Ireland (một thành viên của EU) với Bắc Ireland (một tỉnh của Anh).

Trimble là một nhân vật có tiếng nói quan trọng trong vấn đề Bắc Ireland bởi ông là một trong những "kiến trúc sư" xây dựng nên Thỏa thuận Ngày thứ sáu tốt lành - thỏa thuận mang lại hòa bình cho Ulster sau nhiều thập kỷ xung đột phe phái.

Một số nghị sỹ của Công đảng và các đảng đối lập khác cũng đã sẵn sàng bỏ phiếu ủng hộ chính phủ, không phải bởi vì họ thích dự thảo thỏa thuận của bà May mà bởi vì họ muốn tránh khả năng Brexit không thỏa thuận bằng mọi giá.

Hiện vẫn chưa rõ liệu bà May có nhận đủ sự ủng hộ cần thiết để thông qua dự thảo thỏa thuận Brexit của bà hay không, tuy nhiên bà đang có trong tay cơ hội tốt hơn bao giờ hết.

Khi cơ hội giải quyết vấn đề Brexit một lần và mãi mãi lờ mờ hiện ra, thì Chủ tịch Hạ viện John Bercow lại gây cản trở khi nói với chính phủ rằng ông sẽ chỉ cho phép tổ chức cuộc bỏ phiếu lần thứ ba nếu dự thảo thỏa thuận Brexit có những thay đổi quan trọng.

Ông tuyên bố rằng ông sẽ không cho phép đưa một dự thảo luật không có gì mới mẻ ra bỏ phiếu trước Hạ viện hết lần này đến lần khác. Với tư cách Chủ tịch Hạ viên, ông Bercow được phép cho phép hay từ chối đưa một dự thảo luật ra bỏ phiếu.

[Liên minh châu Âu loay hoay gỡ rối cho việc Anh rời EU]

Bà May đang bị "dồn vào chân tường" trong bối cảnh hạn chót của Brexit là ngày 29/3 đang đến gần.

Bà đã soạn một bức thư yêu cầu EU cho phép gia hạn đến ngày 30/6 bởi vì Anh chưa sẵn sàng rời EU. Thủ tướng May chỉ có thể gửi bức thư này đi sau khi các bộ trưởng đã xem qua nội dung trong một cuộc họp nội các nhiều tranh cãi khác.

Tới tận đầu giờ chiều ngày 20/3, EU vẫn không biết Thủ tướng Anh sẽ yêu cầu kéo dài thời hạn đến khi nào.

Khi Chủ tịch Hội đồng châu Âu (EC) Donald Tusk nhận được bức thư của Thủ tướng May thì chỉ còn một ngày rưỡi nữa là tới hội nghị thượng đỉnh của EU (diễn ra vào ngày 21/3), khi đó các nguyên thủ quốc gia của EU sẽ quyết định liệu họ có đồng ý hoãn thời hạn Brexit hay không.

Trong hoàn cảnh thông thường, việc gửi yêu cầu tới muộn được xem là bất lịch sự. Còn trong trường hợp này, nó phản ảnh tính bất thường của chính phủ Anh.

Ông Tusk cho rằng Anh sẽ được gia hạn thêm một thời gian ngắn nếu Hạ viện nước này cho thông qua dự thảo thỏa thuận Brexit.

Cá nhân ông cho rằng sẽ cần những thay đổi lớn, ví dụ như một cuộc bỏ phiếu hay một cuộc trưng cầu ý dân mới, nếu Anh muốn được gia hạn lâu hơn. Việc gia hạn Brexit dài hơn còn gặp một khó khăn nữa, đó là châu Âu sẽ phải tổ chức các cuộc bỏ phiếu để bầu ra Nghị viện EU mới vào cuối tháng 5.

Anh sẽ phải thực hiện nghĩa vụ pháp lý của mình là đề cử các ứng cử viên nếu nước này muốn ở lại EU cho tới tận đầu tháng 7 - khi Nghị viện châu Âu mới bắt đầu hoạt động.

Ông Tusk có thể nêu quan điểm và đưa ra lời khuyên của mình, nhưng cuối cùng những người đứng đầu chính phủ của 27 quốc gia thành viên EU sẽ là những người đưa ra quyết định liệu họ có muốn gia hạn thêm một thời gian ngắn cho bà May hay không.

Không ai ở châu Âu muốn chứng kiến một Brexit không thỏa thuận bởi điều này cũng gây ra những tác động về kinh tế đối với EU.

Anh là đối tác thương mại lớn nhất của châu Âu, và rất nhiều các ngành công nghiệp cũng như các chuỗi cung ứng của Anh và EU có mối quan hệ mật thiết với nhau.

Trong lĩnh vực tài chính, Frankfurt, Paris, Luxemburg và Dublin - những nơi có khả năng thu hút rất nhiều các thể chế quốc tế - đều muốn tránh sự bất ổn mà Brexit gây ra.

Thành phố London được cho là đã mất khoảng một nghìn tỷ USD, và cùng với đó là rất nhiều việc làm. Điều này để nói rằng toàn bộ châu Âu đều có lợi ích rất lớn ở London - một trung tâm tài chính của thế giới.

Nếu London mất đi vị thế này, Frankfurt và những nơi tương tự có thể sẽ tiếp quản một phần nào đó. Tuy nhiên, những người chiến thắng thực sự sẽ là New York, Tokyo, Hong Kong và Thượng Hải. Còn kẻ thất bại thực sự sẽ là toàn bộ châu Âu.

Tất cả các điều kể trên có thể là đúng, song các chính trị gia EU đã quá mệt mỏi với Brexit - vấn đề chi phối phần lớn các hội nghị thượng đỉnh.

Sự kiên nhẫn đối với Anh đang ngày càng mai một và sắp cạn kiệt. Sự thật là cũng có những thời khắc khó khăn khi châu Âu đối mặt với cuộc khủng hoảng Hy Lạp.

Tuy nhiên, Hy Lạp vẫn là một thành viên của EU, và nền kinh tế của nước này có quy mô khá nhỏ.

Các nhà lãnh đạo EU hoàn toàn đúng khi cảm thấy rằng chính phủ Anh - một trong những nền dân chủ lâu đời nhất trên thế giới và có nền kinh tế lớn thứ 5 trên toàn cầu - không nên hành xử một bất bất thường như vậy.

Brexit hoàn toàn đã vượt ra khỏi tầm kiểm soát và Anh chỉ có thể đứng nhìn Brexit không thỏa thuận xảy ra trước mắt mình, cùng với tất cả những tác động kinh tế mà nó gây ra. Người dân Anh đã quá thất vọng với giới chính trị gia của mình./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục