Theo Văn phòng thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai, tính đến 17 giờ ngày 18/10, mưa lũ đã làm 4 người chết, 5 người bị thương, 1.487,1ha hoa màu vẫn đang bị ngập; 5 nhà bị sập, đổ; 2.022,3ha ao, hồ nuôi trồng thủy sản bị ngập, thiệt hại; 23.192 con gia cầm, gia súc bị chết.
5 vị trí thuộc tuyến đường ĐT.539B bị sạt lở taluy; 22,45km đường nông thôn và 4,0km đường quốc phòng ven biển bị sạt lở, hư hỏng; 0,6km kè biển, 6,0km kênh, 2 tràn bị sạt lở hư hỏng.
Ngay sau khi thiên tai xảy ra, chính quyền địa phương đã huy động các lực lượng tại chỗ giúp đỡ người dân khắc phục hậu quả.
[Mưa lũ tại Nghệ An và Hà Tĩnh, hàng chục nghìn học sinh phải nghỉ học]
Để tiếp tục ứng phó và khắc phục hậu quả mưa lũ, Văn phòng thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai đề nghị các tỉnh, thành phố từ Thanh Hóa đến Khánh Hòa tiếp tục thực hiên tốt Công văn số 496 ngày 16/10 của Văn phòng thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai, chủ động ứng phó với mưa lớn diện rộng.
Bộ Giao thông vận tài đã có công điện số 40/CĐ-BGTVT ngày 17/10 gửi cơ quan, đơn vị trực thuộc và Sở Giao thông vận tải các tỉnh từ Nghệ An đến Phú Yên đề nghị chủ động triển khai các biện pháp ứng phó với mưa, lũ.
Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh từ Nghệ An đến Khánh Hòa tổ chức trực ban nghiêm túc, theo dõi chặt chẽ diễn biến của mưa, lũ để chủ động triển khai các biện pháp ứng phó mưa, lũ./.