Nền điện ảnh hài hòa

Mục tiêu là một nền điện ảnh VN hài hòa, cân đối

Theo Cục trưởng Cục Điện ảnh, mục tiêu điện ảnh Việt Nam là định hướng và quy hoạch nền điện ảnh hài hòa, cân đối các dòng phim.
Nếu chỉ tính đơn thuần khả năng hút khán giả đến rạp hay đưa những bộ phim “made in Viet Nam” ra trường quốc tế thì có thể nói điện ảnh Việt thập kỷ qua đã thành công về mặt số lượng. Nhưng xét về chất lượng, khán giả đến rạp xem gì, nội dung tư tưởng phim ra sao và các nhà sản xuất mang “chuông” gì đi đánh xứ người lại là câu chuyện khác.

Một thập kỷ qua công chúng đã phải chứng kiến cả giai đoạn loay hoay, lúng túng của những người làm nghề giữa tham vọng làm nghệ thuật với nhu cầu tất yếu phải thu hồi vốn.

Không thể mãi "ăn mày dĩ vãng"


Chặng đường 60 năm của Điện ảnh cách mạng Việt Nam (1953-2013) đã trải qua đủ cả những hỉ, nộ, ái, ố ... nhưng dường như cả người làm nghề và khán giả đều hoài niệm về một quá khứ vàng son với những bộ phim đỉnh cao.

Nhiều khán giả lớn tuổi vẫn hoài niệm một thời với những cái tên như Nguyễn Văn Thông, Nguyễn Hải Ninh, Bạch Diệp, Vũ Sơn, Hồng Sến, Phạm Văn Khoa, Mai Lộc, Trần Vũ… Dẫu người còn người mất thì những bộ phim để đời của họ vẫn còn đó và giá trị chuẩn mực của chúng làm nên niềm tự hào cho nền điện ảnh nước nhà.

Những thước phim của họ chính là bằng chứng thuyết phục nhất để minh chứng thế hệ hậu sinh rằng đã từng có một thời chất lượng phim Việt tỷ lệ nghịch với tuổi đời và số tiền được đầu tư sản xuất.

Nhưng ngịch lý trớ trêu là  “anh cả đỏ” của điện ảnh quốc doanh phía Bắc (Hãng phim Truyện Việt Nam) nằm ngay sát Hồ Tây những năm gần đây lại chỉ ầm ĩ trong các vụ tranh chấp đất đai. Có lẽ sẽ chẳng ai tin nổi nếu nhìn khu nhà xập xệ bị thả nổi và tự bươn chải suốt thời gian dài ấy lại là cái nôi từng sản sinh ra những tác phẩm kinh điển "Chung một dòng sông," "Vĩ tuyến 17 ngày và đêm," "Chị Tư Hậu," "Con chim vành khuyên," "Bao giờ cho đến tháng Mười"...
"
Ánh sáng le lói

Giữa bối cảnh đó, không phải phim Việt không có những điểm sáng. Chúng ta vẫn có "Đừng đốt” (đạo diễn Đặng Nhật Minh), “Trăng nơi đáy giếng” (đạo diễn Nguyễn Vinh Sơn), hay “Mùa len trâu” (đạo diễn Việt kiều Nguyễn Võ Nghiêm Minh).... Ngoài "ẵm" những giải thưởng trong nước và cả quốc tế, những bộ phim này cũng có những với con số kỷ lục về lượng khán giả, góp phần níu kéo sự lạc quan của không ít người làm nghề.

Bên cạnh đó, sự bùng nổ của các hãng phim tư nhân lớn như BHD, Thiên Ngân Galaxy, Phước Sang hay “lính” mới như Saiga films, Thanh niên films... dù chỉ là đi vào các xu hướng phim mang tính giải trí thuần túy, không có tính nghệ thuật cao nhưng lại được "đánh bóng" bằng các chiêu PR, quảng cáo rầm rộ và bài bản đã hút lượng khách khá ấn tượng, chủ yếu là thanh thiếu niên.

Không thể phủ nhận dòng phim Việt mới này đã kéo khán giả lại với màn ảnh nội  sau  một thời gian dài  ngập trong phim Hàn Quốc, Mỹ, Hongkong.... Ngay cả khi các siêu phẩm này được nhập về cùng lúc với thời điểm đoạt giải Oscar thậm chí sớm hơn thời điểm ra mắt tại nhiều nơi trên thế giới thì phim Việt vẫn có một lượng khán giả nhất định dù là phim tư nhân, phim có sự tham gia của Việt kiều hay dòng phim độc lập.

Rõ ràng, những tác phẩm điện ảnh ngoài quốc doanh đang có xu thế áp đảo dù không ít những bộ phim do sự dễ dãi của cả nhà sản xuất, đạo diễn và diễn viên… đã tạo nên những tác phẩm nghệ thuật tồi trên mọi phương diện.

“Chúng tôi chấp nhận sự thiệt thòi, có thể trong chừng mực nào đó của nền kinh tế thị trường cũng như chúng ta có thể gọi là nền điện ảnh ngoài quốc doanh họ sẽ theo quy luật thị trường và sẽ phát triển. Tôi nghĩ đó là một phần tất yếu của điện ảnh mà bản thân nó cũng là điện ảnh,” nghệ sỹ ưu tú Lý Thái Dũng, Phó Giám đốc Hãng phim truyện Việt Nam chia sẻ.

Cần phát triển một nền điện ảnh hài hòa

Cái tất yếu mà ông Dũng nói là điều không thể tránh khỏi, nó đã và đang làm thay đổi bộ mặt của nền điện ảnh Việt Nam trong một thập kỷ qua.

Vấn đề đặt ra ở đây, khi chặng đường lịch sử 60 năm của nền điện ảnh đã qua đi, chúng ta định hướng chung thế nào để khi mỗi bộ phim ra mắt công chúng không còn cơ hội nói nhiều về “thảm họa” như hiện nay, để khán giả không phải chỉ chăm chăm hoài niệm về “Bao giờ cho đến tháng Mười” của đạo diễn Đặng Nhật Minh, một tác phẩm điện ảnh đã ra đời cách đây hơn ba thập kỷ nhưng lại được CNN đánh giá là một trong 18 phim châu Á xuất sắc nhất mọi thời đại?

Đã lâu rồi nền điện ảnh của chúng ta chưa thể có lại một niềm tự hào như thế, một tác phẩm đỉnh cao! Thời hoàng kim ấy liệu có quay trở lại?

Chúng ta cần xác định mục tiêu là phát triển một nền điện ảnh hài hòa, Tiến sỹ Ngô Phương Lan, Cục trưởng Cục Điện ảnh, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch nhận định.

Bên cạnh dòng phim truyền thống cách mạng, phim về lịch sử văn hóa, phim về những nhân vật tích cực, xây dựng cuộc sống mới sẽ phát triển dòng phim nghệ thuật đi vào tìm tòi, sáng tạo trong ngôn ngữ thể hiện cũng như những bộ phim giải trí lành mạnh....

Việc định hướng và có quy hoạch cho một nền điện ảnh hài hòa, cân đối giữa các dòng phim này là điều cần thiết và phải được tiến hành ngay, Tiến sỹ Lan nói thêm./.

ChiLê (Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục