Mỹ đã giúp huy động hơn 3,1 tỷ USD ứng phó với đại dịch COVID-19

Trước thềm Hội nghị thượng đỉnh COVID-19 toàn cầu lần thứ hai diễn ra theo hình thức trực tuyến, một quan chức cấp cao của Nhà Trắng cho biết Mỹ đã giúp huy động hơn 3,1 tỷ USD nhằm phó với đại dịch.
Mỹ đã giúp huy động hơn 3,1 tỷ USD ứng phó với đại dịch COVID-19 ảnh 1Nhân viên y tế chăm sóc bệnh nhân nhiễm COVID-19 tại Hartford, Connecticut, Mỹ. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Ngày 12/5, một quan chức cấp cao của Nhà Trắng cho biết Mỹ đã giúp huy động hơn 3,1 tỷ USD nhằm phó với đại dịch trên thế giới trước thềm Hội nghị thượng đỉnh COVID-19 toàn cầu lần thứ hai sẽ diễn ra theo hình thức trực tuyến vào ngày 12/5 (theo giờ Mỹ).

Hội nghị do Mỹ đồng tổ chức với Đức, Belize, Indonesia và Senegal.

Trả lời phỏng vấn báo giới qua điện thoại, quan chức trên nêu rõ cho đến nay, hội nghị thượng đỉnh đã huy động được các khoản đóng góp mới, nâng tổng số tiền ủng hộ cho các cam kết ứng phó với đại dịch lên 3,1 tỷ USD.

Những khoản tiền này đã bổ sung vào nguồn quỹ huy động được tại nhiều thời điểm khác trong năm 2022 và vượt mức so với các cam kết đóng góp tài chính hiện tại.

Việc đạt được kết quả này là nhờ vào vai trò của Mỹ.

Cũng theo nguồn tin trên, Mỹ sẽ đóng góp thêm 200 triệu USD cho quỹ y tế toàn cầu do World Bank quản lý nhằm sẵn sàng ứng phó với đại dịch trong tương lai, qua đó nâng mức đóng góp của Washington lên 450 triệu USD.

[Sắp diễn ra hội nghị thượng đỉnh COVID-19 toàn cầu lần thứ 2]

Tính đến nay, Mỹ đã bàn giao hơn 500 triệu liều vaccine ngừa COVID-19 cho hơn 100 quốc gia trên thế giới.

Đây là một phần trong cam kết hỗ trợ 1,2 tỷ liều cho các nước mà nước này đưa ra tại Hội nghị thượng đỉnh COVID-19 lần thứ nhất vào tháng Chín năm ngoái.

Bên cạnh đó, Washington cũng đã cam kết ủng hộ hơn 19 tỷ USD để hỗ trợ việc mua vaccine, dụng cụ xét nghiệm, chi trả cho các biện pháp điều trị và nhiều hình thức hỗ trợ khác.

Quan chức trên cho biết thêm rằng Hội nghị thượng đỉnh COVID-19 lần thứ hai hướng tới 2 mục tiêu bao trùm: một là tăng gấp đôi các nỗ lực của các bên nhằm kiểm soát dịch COVID-19; hai là đảm bảo giúp thế giới sẵn sàng chuẩn bị cho các mối đe dọa về y tế khác trong tương lai.

Hội nghị này được triển khai dựa trên những nỗ lực và cam kết đưa ra tại Hội nghị thượng đỉnh toàn cầu lần thứ nhất vào tháng 9 năm ngoái, trong đó có việc thu hút thêm nhiều người tiêm vaccine ngừa COVID-19, triển khai hoạt động xét nghiệm và điều trị cho những nhóm dân số có nguy cơ cao mắc COVID-19, tăng cường bảo vệ đội ngũ nhân viên y tế và tạo nguồn tài chính nhằm sẵn sàng ứng phó với đại dịch.

Trước đó, Tổng thống Joe Biden đã yêu cầu Quốc hội nước này bổ sung hơn 22,5 tỷ USD kinh phí ứng phó với COVID-19, trong đó chi 5 tỷ USD viện trợ quốc tế.

Tuy nhiên, các nhà lập pháp đã không thông qua bất kỳ dự thảo gây quỹ nào và các bên thương lượng về gói kinh phí trên cũng không thể thống nhất được cách thức giải ngân cho việc ứng phó dịch bệnh toàn cầu./. 

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục