Mỹ hối thúc EU chi tiêu nhiều hơn thay vì 'thắt lưng buộc bụng'

Mỹ hối thúc các nước thành viên Liên minh châu Âu (EU) thực hiện các biện pháp kích thích hơn nữa để thúc đẩy nền kinh tế của liên minh.
Mỹ hối thúc EU chi tiêu nhiều hơn thay vì 'thắt lưng buộc bụng' ảnh 1Bộ trưởng Tài chính Mỹ Janet Yellen. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Ngày 12/7, Bộ trưởng Tài chính Mỹ Janet Yellen đã hối thúc các nước thành viên Liên minh châu Âu (EU) thực hiện các biện pháp kích thích hơn nữa để thúc đẩy nền kinh tế của liên minh, trong bối cảnh các nước chia rẽ về các giải pháp thúc đẩy kinh tế, cũng như hỗ trợ phục hồi hậu đại dịch COVID-19.

Trong bài phát biểu chuẩn bị cho cuộc họp của các Bộ trưởng tài chính EU tại Brussels (Bỉ), bà Yellen nhấn mạnh: "Trong tương lai, điều quan trọng là các quốc gia thành viên phải nghiêm túc xem xét các biện pháp tài khóa bổ sung để đảm bảo sự phục hồi mạnh mẽ nội khối và toàn cầu."

Mặc dù đánh giá cao các giải pháp kinh tế của EU trong bối cảnh đại dịch COVID-19, bà Yellen vẫn lưu ý rằng: "Tình trạng bất ổn vẫn ở phía trước và chi tiêu công của châu Âu và Mỹ sẽ vẫn cần được hỗ trợ cho đến năm 2022."

[Lạm phát tăng và nền kinh tế phục hồi - 'phép thử' chính sách của ECB]

Bà Yellen cũng đề xuất thiết kế lại các quy tắc ngân sách của EU, kêu gọi các quốc gia cần nâng cao năng lực phản ứng nhanh chóng với khủng hoảng, ngay cả khi điều này làm gia tăng thâm hụt và nợ.

Theo bà Yellen, một phần quan trọng của sự phục hồi lâu dài là tạo ra khuôn khổ tài chính của EU với sự linh hoạt đủ để có thể cho phép các quốc gia phản ứng mạnh mẽ với các cuộc khủng hoảng.

Lời khuyên trên đi ngược lại "lối mòn" mà châu Âu đã lựa chọn trong xử lý cuộc khủng hoảng nợ tại Khu vực đồng tiền chung (Eurozone) năm 2009, thời điểm EU, dưới sự dẫn dắt của Đức, áp đặt cắt giảm chi tiêu nghiêm ngặt đối với các nước bị ảnh hưởng nặng nề của cuộc khủng hoảng nợ như Hy Lạp, Bồ Đào Nha và Ireland.

Trong cuộc khủng hoảng đại dịch COVID-19 hiện nay, EU đã chọn một con đường khác, với 27 các quốc gia thành viên đã thông qua kế hoạch phục hồi lớn nhất trong lịch sử trị giá 750 tỷ euro (885 tỷ USD), được huy động từ các khoản vay mới trên thị trường.

Kế hoạch trên được đưa ra bất chấp sự phản đối của một số quốc gia được coi là tiết kiệm như như Hà Lan từng mong muốn các nước EU mắc nợ nhiều phải bắt tay vào cải cách để đổi lại hỗ trợ tài chính./.

(TTXVN/ Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục