Mỹ: Tăng trưởng chi tiêu tiêu dùng "hạ nhiệt” do biến thể Delta

Sự gia tăng số ca mắc COVID-19 mới do biến thể Delta đã có tác động đến chi tiêu của người tiêu dùng, vốn là một động lực của nền kinh tế Mỹ.
Mỹ: Tăng trưởng chi tiêu tiêu dùng "hạ nhiệt” do biến thể Delta ảnh 1Người dân đi mua sắm tại cửa hàng của hãng Macy ở New York, Mỹ. (Ảnh: THX/TTXVN)

Tăng trưởng trong chi tiêu tiêu dùng của Mỹ đã chậm lại trong tháng 7/2021 với mức tăng khiêm tốn 0,3% theo tháng, khi dịch COVID-19 diễn biến phức tạp do biến thể Delta lan rộng.

Dù vậy, lạm phát của nền kinh tế này so với cùng kỳ năm trước đã đạt tốc độ tăng nhanh nhất trong ba thập kỷ.

Báo cáo mới nhất của Bộ Thương mại Mỹ cho biết mức tăng chi tiêu của tháng trước thậm chí không bằng 1/3 so với mức tăng 1,1% ghi nhận hồi tháng Sáu.

Đó là tín hiệu rõ ràng nhất cho thấy sự gia tăng số ca mắc COVID-19 mới do biến thể Delta đã có tác động đến chi tiêu của người tiêu dùng, vốn là một động lực của nền kinh tế Mỹ.

Tuy nhiên, giá tiêu dùng tháng Bảy đã tăng 4,2% so với cùng kỳ năm 2020, đánh dấu mức tăng theo năm lớn nhất kể từ con số 4,5% của tháng 1/1991.

Chỉ số giá này gắn với chỉ số giá chi tiêu tiêu dùng cá nhân (PCE) - thước đo lạm phát ưa thích của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed).

[Fed sẽ thắt chặt dần tiền tệ nếu việc làm tiếp tục cải thiện]

Mức tăng 4,2% nêu trên cao hơn nhiều so với mục tiêu lạm phát hàng năm của Fed là 2%. Nhưng cho đến nay, các quan chức Fed xem việc lạm phát leo thang chỉ mang tính nhất thời.

Điều này sẽ không làm Fed thay đổi chính sách tiền tệ nới lỏng của họ với niềm tin rằng số ca mắc COVID-19 mới gia tăng có thể trở thành một mối nguy đối với tăng trưởng kinh tế trong tương lai.

Trong khi đó, lạm phát gia tăng và diễn biến phức tạp của dịch COVID-19 đang ảnh hưởng đến niềm tin của người tiêu dùng.

Chỉ số tâm lý người tiêu dùng do Đại học Michigan tổng hợp đã giảm mạnh từ 81,2 (điểm) vào tháng Bảy xuống mức 70,3 (điểm) trong tháng Tám.

Tuy nhiên, các nhà kinh tế nhận định niềm tin tiêu dùng sẽ phục hồi khi đà tăng lạm phát cùng số ca mắc COVID-19 bắt đầu giảm.

Dù nền kinh tế Mỹ nhìn chung vẫn đang trên đà phục hồi, nhưng triển vọng quay trở lại trạng thái bình thường vẫn còn rất phức tạp do tình trạng tắc nghẽn nguồn cung và thiếu hụt lao động./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục