Mỹ-Trung Quốc nối lại đàm phán giải quyết tranh chấp thương mại

Mỹ-Trung đã trở lại bàn đàm phán tại Washington để thảo luận về phương hướng hợp tác nhằm tránh đẩy tranh chấp thương mại giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới tiếp tục leo thang.
Mỹ-Trung Quốc nối lại đàm phán giải quyết tranh chấp thương mại ảnh 1Quan chức Mỹ và Trung Quốc đàm phán. (Nguồn: New Straits Times)

Các quan chức thương mại hàng đầu của hai nước Mỹ và Trung Quốc ngày 30/1 đã trở lại bàn đàm phán tại Washington để thảo luận về phương hướng hợp tác nhằm tránh đẩy tranh chấp thương mại giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới tiếp tục leo thang.

Đại diện thương mại Mỹ Robert Lighthizer, trưởng đoàn đàm phán Mỹ đã chào mừng đoàn đàm phán Trung Quốc do Phó Thủ tướng nước này Lưu Hạc dẫn đầu.

Trong tuyên bố mới nhất, ông Lighthizer cho rằng hai nền kinh tế lớn nhất thế giới hoàn toàn đang cạnh tranh để giành ưu thế trong tương lai ở các ngành công nghệ cao quan trọng.

Trong khi đó, Bộ trưởng Tài chính Mỹ Steven Mnuchin - một trong những quan chức Mỹ tham dự cuộc đàm phán này, trong cuộc phỏng vấn Fox Bussiness ngày 29/1 cho biết trong thời gian qua, đoàn đàm phán hai nước vẫn đang thảo luận về vấn đề gai góc như tiếp cận thị trường, đảm bảo không có việc ép buộc chuyển giao công nghệ hay các dự án liên doanh, cũng như đảm bảo giữa Washington và Bắc Kinh có một cơ chế để từ đó đạt được một thỏa thuận và giám sát thỏa thuận đó.

Ông bày tỏ hy vọng cả hai bên sẽ đạt được tiến bộ thực chất về những vấn đề nêu trên trong cuộc đàm phán mới nhất này.

Nhà Trắng cho biết mục đích của cuộc đàm phán thương mại này là "đạt được sự thay đổi về cấu trúc cần thiết tại Trung Quốc," yếu tố mà Washington cho rằng ảnh hưởng đến thương mại song phương.

[Cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung: Không có người chiến thắng]

Cũng trong cuộc đàm phán này, hai bên tập trung thảo luận về cam kết trước đó của Bắc Kinh liên quan việc mua một khối lượng đáng kể hàng hóa và dịch vụ của Mỹ như một giải pháp nhằm giảm thâm hụt thương mại của Mỹ với nền kinh tế số 2 thế giới.

Lâu nay, Washington muốn Bắc Kinh chấm dứt chính sách buộc các công ty Mỹ chuyển giao công nghệ cho các đối tác Trung Quốc, cho phép doanh nghiệp Mỹ dễ dàng tiếp cận thị trường và giảm các hàng rào phi thuế quan khác đối với sản phẩm của Mỹ.

Trong khi đó, Trung Quốc đã nhiều lần bác bỏ các khiếu nại về lạm dụng sở hữu trí tuệ và bác bỏ cáo buộc các công ty nước ngoài phải đối mặt với việc chuyển giao công nghệ cho nước này.

Cuộc chiến tranh thương mại đã bùng phát từ giữa năm 2018, hai nền kinh tế hàng đầu thế giới đã liên tiếp trả đũa nhau bằng các mức thuế mới. Đến nay, tổng lượng hàng hóa bị đánh thuế cao hơn của hai bên đã lên tới hơn 360 tỷ USD.

Lãnh đạo hai nước đã nhất trí "đình chiến thương mại" trong 90 ngày kể từ 1/12/2018, để hai bên thương lượng một thỏa thuận nhằm chấm dứt nhiều tháng leo thang căng thẳng.

Nếu giới chức hai nước không đạt được giải pháp cho cuộc chiến thương mại, Mỹ sẽ tăng mức thuế từ 10% hiện nay lên 25% đối với lượng hàng hóa Trung Quốc trị giá 200 tỷ USD từ ngày 2/3./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục