Năm 2010 khó đạt thỏa thuận cắt giảm khí thải

Theo các quan chức Liên hợp quốc, các nước khó đạt được thỏa thuận mới về cắt giảm khí thải gây hiệu ứng nhà kính trong năm nay.
Các đại biểu tham dự Hội nghị quốc tế về khí hậu tại Bonn (Đức) ngày 11/4 đã nhất trí nối lại những cuộc đàm phán về cắt giảm khí thải gây hiệu ứng nhà kính, sau khi Hội nghị thượng đỉnh Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu tại Copenhagen (Đan Mạch) hồi tháng 12 năm ngoái bị coi là thất bại.

Tuy nhiên, các quan chức Liên hợp quốc cảnh báo các bên khó có thể đạt được một hiệp định đầy đủ về vấn đề này trong năm nay.

Đại biểu từ 175 nước và vùng lãnh thổ trên thế giới họp ở Bonn đã nhất trí sẽ tiến hành hai hội nghị nữa trong nửa cuối năm 2010, mỗi cuộc hội nghị kéo dài ít nhất một tuần, nhằm chuẩn bị cho hội nghị cấp cao của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu, dự kiến diễn ra tại Cancun (Mexico) từ 29/11-10/12 tới.

Tuy nhiên, ông Yvo de Boer, Thư ký điều hành Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (UNFCCC), cho rằng các nước khó có thể đạt được một thỏa thuận mới về vấn đề cắt giảm khí thải gây hiệu ứng nhà kính tại hội nghị Cancun vào cuối năm nay, mà còn phải tiếp tục tiến hành các vòng thương lượng sau đó.

Theo ông, trong năm 2010, các chính phủ cần tập trung vào những bước đi thực tế, như hỗ trợ các nước nghèo đối phó với ảnh hưởng của biến đổi khí hậu hay khuyến khích sử dụng các công nghệ sạch thân thiện với môi trường.

Nhà đàm phán của Liên minh châu Âu (EU) Artur Runge-Metzer cho biết tại hội nghị Bonn lần này, các bên vẫn bất đồng sâu sắc về tiến trình cắt giảm khí thải gây hiệu ứng nhà kính.

Các nước đang phát triển tỏ rõ sự thiếu tin tưởng đối với các nước giàu khi cho rằng các nước thải nhiều khí gây ô nhiễm môi trường đang tìm cách thay thế Nghị định thư Kyoto về cắt giảm khí thải cácbon điôxít (CO2), sẽ hết hạn vào năm 2012, bằng một thỏa thuận không mang tính ràng buộc pháp lý.

Theo giới phân tích, mặc dù mục tiêu của hội nghị tại Bonn lần này (từ 9-11/4) là xây dựng lại lòng tin sau thất bại ở Hội nghị Copenhagen năm ngoái, song những gì diễn ra trong ba ngày qua cho thấy "những vết thương" của Hội nghị Copenhagen, nơi những bất đồng gay gắt đã cản trở các nước đạt được thỏa thuận ràng buộc về pháp lý nhằm giúp Trái Đất đối phó với biến đổi khí hậu, vẫn còn nhức nhối./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục