Năm 2015: Chính sách tiền tệ tạo sự ổn định cho kinh tế vĩ mô

Ngân hàng Nhà nước đã quán triệt điều hành chính sách tiền tệ luôn hướng tới nâng cao vị thế của VND, không chủ quan với lạm phát.
Năm 2015: Chính sách tiền tệ tạo sự ổn định cho kinh tế vĩ mô ảnh 1Ảnh minh họa. (Nguồn: TTXVN)

"Nhìn lại chính sách tiền tệ 5 năm qua, chưa bao giờ Việt Nam đạt được sự đồng thuận đến như vậy, từ Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước, các bộ ban ngành, các doanh nghiệp đều hưởng ứng chính sách tiền tệ giúp kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, hỗ trợ tăng trưởng kinh tế, đồng thời bảo đảm an toàn hệ thống các tổ chức tín dụng."

Đó là nhận định của tiến sỹ Lê Xuân Nghĩa, Viện trưởng Viện nghiên cứu phát triển kinh doanh (BDI) tại hội thảo “Hoạt động quản lý, điều hành chính sách tiền tệ giai đoạn 2011-2015 và những tác động đối với nền kinh tế” do báo Lao Động phối hợp với Trường Đại học Kinh tế Quốc dân tổ chức ngày 17/12 tại Hà Nội.

Lãi suất đã giảm một nửa

Phát biểu tại hội thảo, Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng phân tích, nếu như năm 2011, GDP tăng 6,2%, lạm phát 18,13% thì năm 2015, GDP ước đạt trên 6,5% và lạm phát ở mức thấp trong khi nhu cầu trong nước về tiêu dùng và đầu tư tăng lên. Đó là bức tranh sáng sủa về chính sách vĩ mô.

Cũng theo bà Hồng, với những nỗ lực của Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước trong công tác điều hành lãi suất, chỉ trong thời gian ngắn, lãi suất cho vay đã giảm hơn một nửa, giảm từ 20%/năm (thậm chí 24%/năm ở một số thời điểm) xuống chỉ còn 9-11% và còn khoảng 6,5%/năm đối với các lĩnh vực ưu tiên. Về tăng trưởng tín dụng, trước đây tín dụng tăng trưởng 30%/năm là nguyên nhân tích tụ nợ xấu nhưng vài năm trở lại đây, tín dụng đã được kiểm soát, phù hợp với yêu cầu tăng trưởng kinh tế.

Phó Thống đốc cũng nhận định, cuối năm 2011 căng thẳng thanh khoản và có nguy cơ đổ vỡ hệ thống, nhưng giờ đây nguy cơ đổ vỡ đã bị đẩy lùi. Nếu như thời điểm này những năm trước, Ngân hàng Nhà nước vô cùng vất vả trong hỗ trợ thanh khoản cho các ngân hàng thương mại thì mấy năm gần đây Ngân hàng Nhà nước không cần tái cấp vốn để hỗ trợ thanh khoản, thị trường và tính cạnh tranh, quản trị tại các ngân hàng tốt hơn.

Cùng nhìn về lãi suất, phó giáo sư, tiến sỹ Đặng Ngọc Đức, Viện trưởng Viện tài chính Ngân hàng đánh giá, khi mặt bằng lãi suất cho vay nền kinh tế ở mức rất cao, có thời điểm đã vượt 20%/năm, là kết quả của tình trạng căng thẳng thanh khoản. Việc chạy đua lãi suất huy động và cho vay giữa các tổ chức tín dụng diễn biến phức tạp, thị trường ngoại hối bất ổn... Ngân hàng Nhà nước đã quyết định phải ổn định lại mặt bằng lãi suất thông qua áp dụng cơ chế kiểm soát lãi suất trực tiếp (quy định trần lãi suất huy động và trần lãi suất cho vay).

Việc áp dụng trần lãi suất huy động đã giúp giảm động cơ cạnh tranh không lành mạnh giữa các tổ chức tín dụng, hỗ trợ siết chặt kỷ luật thị trường, trong khi đó việc quy định trần lãi suất cho vay, đặc biệt đối với lĩnh vực ưu tiên sẽ làm gia tăng cơ hội tiếp cận vốn cho các doanh nghiệp.

Có cùng quan điểm này, tiến sỹ Trương Văn Phước, Phó Chủ tịch Ủy ban Giám sát tài chính Quốc gia cho rằng, trong giai đoạn 2011-2015, Ủy ban đã tập trung triển khai “Đề án tái cơ cấu hệ thống tổ chức tín dụng”, xử lý thành công vấn đề thanh khoản của hệ thống. Khắc phục gần như hoàn toàn trạng thái thiếu thanh khoản, các ngân hàng phải vay mượn lẫn nhau với lãi suất rất cao trên thị trường liên ngân hàng.

Ngoài ra, Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước đã rất quyết liệt tái cấu trúc ngân hàng. Công cuộc tái cấu trúc này đã tạo tiền đề quan trọng cho giai đoạn tiếp theo là hiện đại hóa hệ thống ngân hàng. Cho đến nay, không chỉ các ngân hàng yếu kém, một số ngân hàng lớn, hoạt động lành mạnh cũng đã tiến hành tái cấu trúc và hiện đại hóa.

Bên cạnh đó, ổn định thị trường vàng, chống được vàng hóa và ổn định thị trường ngoại tệ được nhiều đại biểu đánh giá là những thành công quan trọng của ngành ngân hàng trong thời gian qua.

Vẫn còn nhiều thách thức

Mặc dù đạt được nhiều thành tựu đáng kể, nhưng các đại biểu cho rằng vẫn còn nhiều thách thức đối với ngành ngân hàng.

Dự đoán thị trường năm 2016, tiến sỹ Cấn Văn Lực cho rằng câu chuyện tỷ giá và lãi suất sẽ tiếp tục nóng. Bối cảnh 2016 sẽ rất phức tạp, dòng vốn dịch chuyển đa dạng và phức tạp. Do đó, chính sách tỷ giá cần được điều chỉnh theo hướng linh hoạt hơn nữa.

Theo ông Lực, nếu thị trường vẫn cần tín hiệu của Ngân hàng Nhà nước thì có thể công bố nhưng có điều kiện là trong bối cảnh bình thường, còn nếu thị trường biến đổi thì có thể linh hoạt. Tỷ giá liên ngân hàng có thể được công bố hàng ngày nhưng tỷ giá là hàng giờ, vì vậy Ngân hàng Trung ương cần công bố tần suất nhiều hơn.

Các đại biểu cũng đưa ra kiến nghị như Ngân hàng Nhà nước tiếp tục điều hành linh hoạt các công cụ chính sách tiền tệ, trong đó cung tiền nên được kiểm soát tăng trưởng như hiện nay ở mức 16-18%/năm để đảm bảo kiểm soát lạm phát và việc mở rộng cung tiền hơn nữa sẽ ít có tác động mạnh thúc đẩy tăng trưởng tín dụng.

Bên cạnh đó, phối hợp giữa chính sách tiền tệ và chính sách tài khóa cũng như các chính sách khác cần được phối hợp đồng bộ và nhịp nhàng hơn cũng là để quản lý giám sát các tập đoàn tài chính.

Về phần mình, Phó Thống đốc cũng nêu rõ phương châm của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước đã quán triệt là điều hành luôn hướng tới nâng cao vị thế của VND, không chủ quan với lạm phát. Điều hành công cụ kết hợp giữa tỷ giá và lãi suất theo hướng nắm giữ VND.

Bà Hồng cũng đề cập sẽ tiếp tục phát triển trong thời gian tới, việc nâng cao lợi tức của VND luôn được Ngân hàng Nhà nước ủng hộ và việc giải pháp điều hành tốt cần đi đôi với thanh tra giám sát. Điều này giúp cho thị trường kỷ luật hơn và mới phát huy được hiệu quả./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục