'Nâng hạn mức cho vay nông nghiệp nông thôn để hạn chế tín dụng đen'

Ông Nguyễn Quốc Hùng cho rằng khi cần thiết, người nông dân được đáp ứng đủ vốn sản xuất kinh doanh trên chính mảnh ruộng của mình thì họ sẽ không phải tìm tới tín dụng đen.
'Nâng hạn mức cho vay nông nghiệp nông thôn để hạn chế tín dụng đen' ảnh 1Trồng hoa công nghệ cao. (Nguồn: TTXVN)

Có lẽ chưa bao giờ các chính sách tín dụng ưu đãi dành cho khu vực nông nghiệp nông thôn lại nhiều như thời điểm này. Ngoài được cho vay với lãi suất ưu tiên của các ngân hàng, thời gian qua, có rất nhiều chính sách lớn được ban hành và liên tục sửa đổi để có thể tạo bước đột phá trong sản xuất nông nghiệp đóng góp tích cực sự phát triển của nền kinh tế.

Điển hình là mới đây Chính phủ ban hành Nghị định số 116 sửa đổi, bổ sung một số nội dung của Nghị định số 55 đã nâng mức vốn cho vay đối với cá nhân, hộ gia đình, tổ hợp tác, đây điều kiện tốt nhất cho người dân vùng sâu, vùng xa không có tài sản đảm bảo nhưng vẫn có thể tiếp cận được nguồn vốn phục vụ sản xuất kinh doanh.

Để có thông tin đầy đủ hơn về những chính sách mới tại Nghị định 116, phóng viên VietnamPlus đã có cuộc trao đổi với tiến sỹ Nguyễn Quốc Hùng, Vụ trưởng Vụ Tín dụng các ngành Kinh tế Ngân hàng Nhà nước.

- Xin ông cho biết những điểm mới trong Nghị định 116 đối với chính sách tín dụng phục vụ cho nông nghiệp nông thôn?

Ông Nguyễn Quốc Hùng: Đầu tiên phải kể đến là cá nhân, hộ gia đình, tổ hợp tác, hộ kinh doanh, hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã và chủ trang trại khi không có tài sản bảo đảm đối với một số trường hợp được tăng hạn mức cho vay lên gấp đôi so với quy định tại Nghị định 55.

[Khách hàng vay phục vụ nông nghiệp sẽ được tăng gấp đôi hạn mức]

Cụ thể, cá nhân, hộ gia đình, tổ hợp tác, hộ kinh doanh, hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã và chủ trang trại không có tài sản bảo đảm sẽ được tổ chức tín dụng cho vay tối đa 100 triệu đồng đối với cá nhân, hộ gia đình cư trú ngoài khu vực nông thôn có hoạt động sản xuất kinh doanh trong lĩnh vực nông nghiệp thay vì chỉ được vay tối đa 50 triệu đồng.

Đối với cá nhân, hộ gia đình cư trú tại địa bàn nông thôn còn được vay tối đa 200 triệu đồng gấp đôi quy định 100 triệu đồng trước đây.

Bên cạnh đó, trong nghị định mới có đưa ra hướng dẫn hình thức cho vay mới đó là cho vay theo chuỗi giá trị. Tôi đánh giá đây là xu hướng quan trọng trong ngành nông nghiệp của Việt Nam và được nhiều quốc gia trên thế giới áp dụng. Vòng tròn sản xuất theo chuỗi liên kết sẽ tạo điều kiện cho các định chế tài chính yên tâm hơn khi mở hầu bao cho vay đối với tam nông khi các định chế tài chính có khả năng kiểm soát dòng tiền tốt hơn thông qua hình thức này.

Căn cứ vào hợp đồng liên kết theo chuỗi giá trị giữa tổ chức đầu mối và tổ chức, cá nhân tham gia liên kết, tổ chức tín dụng ký thỏa thuận cho vay đối với tổ chức đầu mối và/hoặc bên liên kết và quản lý dòng tiền cho vay chuỗi liên kết theo nguyên tắc: Tổ chức đầu mối và bên liên kết mở tài khoản tại tổ chức tín dụng cho vay và cam kết thực hiện tất cả các giao dịch tiền tệ liên quan đến chuỗi giá trị thông qua các tài khoản này. Với quy định trên tạo vòng quay khép kín vừa tạo điều kiện cho nông dân vay vốn thuận lợi kể cả không có tài sản đảm bảo cũng vay được vốn vừa giúp ngân hàng quản lý dòng tiền tốt hơn, hạn chế rủi ro tín dụng.

Một điểm mới nữa là chính sách cho vay tái canh cà phê cũng đã được đưa vào đối tượng điều chỉnh tại Nghị định 116. Trong quá trình triển khai cho vay tái canh cà phê có nảy sinh những khó khăn như để đáp ứng điều kiện khó khăn, trong khi chế độ ưu đãi lại không có sự khác biệt lớn nên thời gian qua, những người nông dân tái canh càphê chủ yếu vay theo Nghị định 55.

Đó là lý do mà chương trình này triển khai không như kỳ vọng và nay được đưa vào Nghị định 116 và bỏ chương trình tái canh càphê. Hơn thế, tại Nghị định 116, không chỉ đối với càphê mà tất cả cây công nghiệp lâu năm muốn tái canh đều được vận dụng theo quy định mới tại Nghị định 116 với cơ chế ưu đã thời gian ân hạn, lãi suất phù hợp với giai đoạn kiến thiết của cây trồng lâu năm.

'Nâng hạn mức cho vay nông nghiệp nông thôn để hạn chế tín dụng đen' ảnh 2Sản xuất trứng gà sạch tại công ty ĐTK. (Ảnh: Thanh Tâm/Vietnam+)

- Đâu là lý do ban soạn thảo quyết định nâng gấp đôi mức vốn cho vay không có tài sản đảm bảo đối với cá nhân, hộ gia đình, tổ hợp tác, hộ kinh doanh lên gấp đôi mà không có tài sản đảm bảo, điều này có mạo hiểm lắm không thưa ông?

Ông Nguyễn Quốc Hùng: Lý do nâng hạn mức là do khảo sát từ thực tế với số vốn vay 50 triệu đồng hay 100 triệu đồng vẫn chưa đáp ứng nhu cầu của nhiều nông dân trong quá trình sản xuất dẫn đến thiếu vốn kinh doanh, không mở rộng hoạt động. Vì thế, cần thiết phải nâng hạn mức cho vay để tạo điều kiện cho người nông dân đủ vốn sản xuất kinh doanh trong lĩnh vực nông nghiệp nông thôn.

Ban soạn thảo đã cân nhắc rất nhiều để có được quyết định mức cho vay bởi mong muốn tạo điều kiện tốt nhất cho người dân vùng sâu, vùng xa không có tài sản đảm bảo nhưng vẫn có thể tiếp cận được nguồn vốn phục vụ sản xuất kinh doanh. Mức vốn này được kỳ vọng hạn chế tối đa việc người nông dân phải đi vay nặng lãi khi có nhu cầu đột xuất.

- Các dự án trong nông nghiệp công nghệ cao được cho là lĩnh vực đầu tư khá mạo hiểm và có số vốn lớn, vậy việc nâng mức cho vay đối với lĩnh vực này mà không có tài sản đảm bảo có gây áp lực cho các tổ chức tín dụng hay không thưa ông?

Ông Nguyễn Quốc Hùng: Nghị định 116 lần này mở rộng đối tượng sản xuất nông nghiệp công nghệ cao được hưởng chính sách. Cụ thể, khách hàng có dự án, phương án sản xuất kinh doanh trong khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, vùng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao được tổ chức tín dụng xem xét cho vay không có tài sản bảo đảm tối đa bằng 70% giá trị của dự án, phương án.

Nghị định cũng đã bổ sung doanh nghiệp chưa được cấp giấy chứng nhận doanh nghiệp nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao nhưng có dự án, phương án sản xuất kinh doanh ứng dụng công nghệ cao trong nông nghiệp không thuộc khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, vùng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao được tổ chức tín dụng xem xét cho vay tối đa 70% nhu cầu vốn thực hiện dự án.

Việc nâng mức cho vay không có tài sản bảo đảm đương nhiên sẽ tạo áp lực trong quản lý rủi ro cho các tổ chức tín dụng vì trên thực tế hiện nay nhiều doanh nghiệp chưa có nguồn lực tài chính tốt, chưa thực sự sẵn sàng tham gia sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao một cách bài bản

Ngoài ra, nhiều doanh nghiệp chưa có phương án sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao hiệu quả và phương án trả nợ vay chưa khả thi, thị trường tiêu thụ không ổn định.

Tuy nhiên, Ngân hàng Nhà nước xét thấy việc Chính phủ đã cho phép mở rộng đối tượng được vay không có tài sản bảo đảm trong lĩnh vực này là cần thiết, nhằm hỗ trợ khách hàng tháo gỡ khó khăn về tài sản bảo đảm nhưng có phương án sản xuất kinh doanh khả thi, nhất là khách hàng có ứng dụng công nghệ cao trong nông nghiệp.

Yêu cầu đặt ra cho các tổ chức tín dụng cần nâng cao năng lực thẩm định, trau dồi kiến thức về cho vay lĩnh vực nông nghiệp, nhất là nông nghiệp công nghệ cao; tăng cường công tác quản ký rủi ro khi cho vay.

- Với việc cả khách hàng cá nhân và doanh nghiệp có cơ hội được vay vốn ở mức cao như vậy, ông có lo sợ bị lợi dụng để làm việc khác hay không?

Ông Nguyễn Quốc Hùng: Theo tôi đây là bước đột phá, lo sợ cũng chỉ một phần. Vấn đề là cả người vay và người đi vay đều phải nâng cao trách nhiệm và đây là điều kiện để thúc đẩy địa bàn nông thôn phát triển.

Vấn đề thứ hai là trước nay vẫn kêu bà con vùng sâu vùng xa thiếu vốn vì không có tài sản đảm bảo không vay được vốn. Chính vì vậy, trong quá trình soạn dự thảo chúng tôi cũng rất đau đầu và cân nhắc rất nhiều để có được quyết định mức cho vay như vậy.

Đây là tạo điều kiện cho người dân tiếp cận được nguồn vốn để sản xuất kinh doanh, nhu cầu vốn của hộ sẽ được  đáp ứng đến mức tối đa để phục vụ cho sản xuất tạo ra sản phẩm cho xã hội. Mức vốn này cũng kỳ vọng hạn chế được vốn dở dang mà phải  đi vay ngoài. Đây là những mặt tích cực của Nghị định.

Rõ ràng khi người nông dân đáp ứng đủ vốn sản xuất kinh doanh trên chính mảnh ruộng của mình khi cần thiết sẽ không phải tìm tới tín dụng đen. Tất nhiên ở đây là hạn mức cho vay tối đa đối với khách hàng chứ không phải tất cả các đối tượng đều được vay tối đa là 100 triệu đồng hay 200 triệu đồng mà tùy thuộc vào nhu cầu và khả năng trả nợ.

Nhưng bên cạnh đó cũng có rủi ro là vì khi một hộ gia đình vay đến 200 triệu mà không có tài sản bảo đảm nếu như có rủi ro xảy ra thì ngân hàng rất khó thu hồi nợ chính vì vậy ngân hàng phải tính toán kỹ lưỡng, phải kiểm soát được dòng tiền. Nếu dự án thấy không khả thi thì có quyền từ chối.

Tuy nhiên, theo thống kê thì cho vay nông nghiệp, nông thôn nợ xấu lại thấp nhất vì đa phần người dân đều có ý thức trả, những đối tượng không trả được chủ yếu do lũ lụt hoặc dịch bệnh.

- Xin cảm ơn ông!

Liên kết các hợp tác xã để đảm bảo đầu ra cho nông sản. (Nguồn: Vnews)
(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục