Năng lực quốc phòng thật sự của Ấn Độ

Trang thiết bị lạc hậu và nguồn ngân sách ít ỏi dành cho quốc phòng đang nhanh chóng trở thành chủ đề bàn luận tại Ấn Độ và tạo ra cảm giác bất an cho giới chức tại quốc gia này.
Năng lực quốc phòng thật sự của Ấn Độ ảnh 1Máy bay chiến đấu MiG-21 bay trong lễ kỷ niệm ngày của Lực lượng Không quân Ấn Độ (IAF) ở New Delhi, ngày 8/10/2018. (Nguồn: AFP/TTXVN)

Theo Tạp chí Newsweek japan, trang thiết bị lạc hậu và nguồn ngân sách ít ỏi dành cho quốc phòng đang nhanh chóng trở thành chủ đề bàn luận tại Ấn Độ và tạo ra cảm giác bất an cho giới chức tại quốc gia này bởi nếu chiến sự nổ ra, Ấn Độ có thể sẽ rơi vào tình trạng không thể chống đỡ.

Theo tờ New York Times, chính phủ Ấn Độ cho biết số đạn dược mà quân đội nước này sở hữu chỉ đủ dùng trong vỏn vẹn có 10 ngày.

Hơn thế nữa, khoảng 70% trong số đó đều đã lỗi thời, thậm chí quân đội Ấn Độ cũng lên tiếng thừa nhận số đạn dược mà họ sở hữu đều là “đồ cổ.”

Tờ báo này cũng trích dẫn nội dung từ báo Economic Time của Ấn độ đăng tải vào tháng 7/2018 cho biết, Cơ quan kiểm toán Ấn Độ (CAG) đã công bố một kết quả điều tra rất đáng quan ngại về trang thiết bị quân sự của nước này.

Trong đó, CAG kịch liệt lên án Cơ quan phòng vệ Ấn Độ đã bỏ qua hoàn toàn đề xuất của chính phủ nước này về việc trang bị đầy đủ số đạn dược để quân đội có thể duy trì cuộc chiến tranh lớn trong 40 ngày liên tục.

Báo cáo của CAG cũng nhấn mạnh hơn 50% số đạn dược các loại mà Ấn Độ sở hữu vào thời điểm tháng 3/2013 không đủ để đảm bảo cuộc chiến kéo dài quá 10 ngày.

Ngày 27/2, máy bay chiến đấu của không quân Ấn Độ đã bị bắn rơi sau khi đụng độ với máy bay của không quân Pakistan.

Mặc dù phi công Ấn Độ được cứu giúp nhưng chiếc máy bay chiến đấu cũ MIG 21 được trang bị từ thời Liên Xô cũ của Ấn Độ bị phá hủy hoàn toàn.

[Ấn Độ xây các hầm chứa máy bay chiến đấu gần Trung Quốc, Pakistan]

Năng lực quốc phòng yếu kém của Ấn Độ được bộc lộ qua sự kiện lần này khi quy mô quân đội Pakistan chỉ bằng 50%, thậm chí ngân sách mà Pakistan dành cho quốc phòng chỉ bằng 25% Ấn Độ.

Khi hai quốc gia sở hữu vũ khí hạt nhân thường xuyên xung đột và trả đũa lẫn nhau, tình hình trở nên hết sức căng thẳng và không có dấu hiệu giảm nhiệt.

Đỉnh điểm của sự xung đột giữa hai nước chính là vụ khủng bố xảy ra vào tháng 2 vừa qua tại Kashmir- khu vực hai nước vẫn đang tranh chấp chủ quyền và hiện do Ấn Độ kiểm soát.

Vụ khủng bố đã khiến hơn 40 binh sỹ Ấn Độ thiệt mạng. Nhóm Hồi giáo cực đoan Jaish-e-Mohammad đóng ở Pakistan đã thừa nhận tiến hành vụ khủng bố này.

Ngày 26/2, không quân Ấn Độ đã tấn công vào lãnh thổ Pakistan nhằm đập tan cứ điểm của nhóm khủng bố. Pakistan đã ngay lập tức trả đũa khiến máy bay chiến đấu của không quân Ấn Độ bị bắn hạ.

Cũng có nghi vấn đặt ra rằng Pakistan đã sử dụng máy bay chiến đấu F16 do Mỹ sản xuất để bắn hạ máy bay chiến đấu của lực lượng không quân Ấn Độ. Thực tế Mỹ chỉ bán thế hệ máy bay chiến đấu F16 cho nước khác với mục đích chống khủng bố.

Nếu Pakistan sử dụng loai máy bay này, đồng nghĩa với việc đã vi phạm thỏa thuận với chính phủ Mỹ. Hiện tại, chính phủ Pakistan bác bỏ nghi vấn này nhưng có thể chính phủ Mỹ sẽ tiến hành điều tra vụ việc.

Trả lời phỏng vấn tờ New York Times, ông Gaurav Gogoi, Ủy viên Ủy ban thường trực quốc phòng thuộc Quốc hội Ấn Độ, nói: “Mặc dù quân đội Ấn Độ không sở hữu những vũ khí hiện đại nhưng họ phải hoàn thành những nhiệm vụ tác chiến trong thế kỷ 21.”

Để đối phó với sức ảnh hưởng ngày càng tăng của Trung Quốc tại khu vực châu Á, Mỹ luôn coi Ấn Độ là đồng minh tiềm năng và đã cung cấp số vũ khí trị giá 15 tỷ USD cho Ấn Độ trong thời gian 10 năm.

Tháng 5/2018, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Mỹ Jim Mattis đã thông báo về việc đổi tên Bộ Tư lệnh Thái Bình Dương thành Đồng minh Hoa Kỳ - Thái Bình Dương.

Theo dữ liệu tổng hợp từ Viện nghiên cứu chiến lược quốc tế Think Tank (Anh), quân đội Ấn Độ sở hữu 3.565 xe tăng, 3.100 xe chiến đấu bọc thép (IFV), 336 xe bọc thép vận chuyển quân (APC), 9.719 khẩu pháo.

Báo cáo của Viện nghiên cứu Vai trò của đội ngũ cố vấn (Australia) về chỉ số năng lực quốc phòng của các nước châu Á năm 2018 cho biết ngân sách dành cho quốc phòng của Ấn Độ năm 2018 đứng thứ 4 thế giới với 45 tỷ USD và cao hơn hẳn so với Pakistan, chỉ ở mức 9,7 tỉ USD.

Tuy nhiên, hơn 50% ngân sách dành cho quốc phòng của Ấn Độ được sử dụng để chi trả lương cho 1,2 triệu binh sỹ, số tiền dành cho đầu tư trang thiết bị chỉ là 14 tỷ USD.

Ông Gaurav Gogoi nhấn mạnh các lực lượng quân sự chính quy hiện đại ngày nay đang dành nguồn tiền lớn để nâng cao năng lực tình báo và kỹ thuật quân sự.

Chính vì thế, Chính phủ Ấn Độ cần phải nỗ lực hơn nữa để có thể thay đổi năng lực quốc phòng của đất nước mình./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục