NASA: Đợt cháy rừng ở Indonesia còn vượt thảm họa năm 1997

Các nhà khoa học dự báo tình trạng cháy rừng năm nay có thể vượt qua thảm họa cháy rừng năm 1997 khi các đám cháy rừng vượt ngoài khả năng kiểm soát đã gây ô nhiễm không khí nghiêm trọng.
NASA: Đợt cháy rừng ở Indonesia còn vượt thảm họa năm 1997 ảnh 1Binh sĩ Indonesia tham gia dập các đám cháy từng tại Ogan Ilir, tỉnh Nam Sumatra ngày 30/9. (Nguồn: Reuters/TTXVN)

Cơ quan Hàng không và Vũ trụ Mỹ (NASA) ngày 1/10 cảnh báo đợt cháy rừng lần này tại khu vực Đông Nam Á tạo ra những lớp khói mù mịt có thể trở thành thảm họa cháy rừng tồi tệ nhất được ghi nhận, đồng thời mùa khô kéo dài sẽ cản trở những nỗ lực chấm dứt thảm họa kéo dài gần hai thập kỷ qua.

Malaysia, Singapore và Indonesia đã phải chịu đựng những làn khói bụi mù mịt trong nhiều tuần gần đây từ các đám cháy tại các đồn điền và các bãi than bùn do nông dân Indonesia đốt rừng trái phép để phục vụ sản xuất nông nghiệp.

Các nhà khoa học dự báo tình trạng cháy rừng năm nay có thể vượt qua thảm họa cháy rừng năm 1997 khi các đám cháy rừng vượt ngoài khả năng kiểm soát đã gây ô nhiễm không khí nghiêm trọng với các chỉ số được ghi nhận ở mức cao. Nếu điều kiện thời tiết khô hạn kéo dài, khu vực này có thể được bao bọc trong một lớp khói dày đặc hơn khiến các chuyến bay phải hủy bỏ vì hạn chế tầm nhìn, các trường học phải đóng cửa và hàng chục nghìn người phải đến các trung tâm y tế để điều trị do mắc phải các vấn đề hô hấp.

Robert Fiel, một chuyên gia thuộc Viện Nghiên cứu Vũ trụ Goddard của NASA nhận định: "Tình trạng tại Singapore và khu vực đông Nam Sumatra của Indonesia đang gần giống với thảm họa cháy rừng năm 1997. Nếu những dự báo về một mùa khô kéo dài vẫn được đưa ra thì nạn cháy rừng năm 2015 sẽ trở thành một trong những sự kiện kinh khủng nhất được ghi nhận."

Áp lực từ các nước láng giềng đối với Indonesia ngày càng gia tăng trong bối cảnh nạn cháy rừng vẫn tiếp tục hoành hành và lan rộng. Jakarta đã phải huy động hơn 20.000 nhân lực, trong khi lực lượng địa phương triển khai nhiều biện pháp dập lửa như ném bom nước từ máy bay, làm mưa nhân tạo hay dùng sức người… nhằm sớm khống chế các đám cháy, cũng như kiểm soát khói bụi.

Tuy nhiên, thời tiết hanh khô, thiếu nước, cơ sở hạ tầng thấp kém, mức độ cháy khác nhau của các khu vực đang gây khó khăn lớn cho các lực lượng chữa cháy và nguy cơ cháy trở lại là rất cao. Là quốc gia láng giềng bị ảnh hưởng nặng nề bởi khói mù từ các đám cháy, Singapore đã đề nghị trợ giúp, nhưng Indonesia vẫn chưa chấp nhận./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục