Giấy phép xây dựng nhà ở tăng mạnh nhất trong hơn 5 năm qua, chỉ số chứng khoán tiếp tục tăng với mức giá cao kỷ lục là những dấu hiệu chứng tỏ đà phục hồi của nền kinh tế lớn nhất thế giới đang bước vào giai đoạn sáng sủa hơn.
Báo cáo điều tra công bố ngày 26/11 của Bộ Thương mại Mỹ cho biết trong tháng 10 vừa qua, số lượng giấy phép cấp cho các dự án xây dựng nhà ở mới tại nước này đã tăng tới 6,2%, đạt mức 1,03 triệu căn/năm.
Đây là số lượng giấy phép xây dựng nhà ở mới tăng mạnh nhất ở Mỹ kể từ tháng 6/2008, cao hơn cả mức dự báo 930.000 căn/năm của các chuyên gia. Mức tăng này cao hơn cả mức tăng 5,2% trong tháng Chín và tăng 13,3% so với cùng kỳ năm trước.
Giá nhà trong tháng 10 tại 20 thành phố lớn của Mỹ tăng 13,3%, mức tăng cao nhất kể từ tháng 2/2006.
Chuyên gia kinh tế thuộc công ty Action Economics, ông Mike Englund cho biết giá nhà ở nói riêng, giá bất động sản nói chung, tăng là bằng chứng mới nhất phản ánh chiều hướng phục hồi nhanh và ổn định hơn của nền kinh tế Mỹ. Sự sụp đổ của lĩnh vực nhà đất từng là căn nguyên gây ra cuộc Đại suy thoái 2007-2009 tại Mỹ.
Quyết định của Ngân hàng Dự trữ Liên bang (Fed) tiếp tục duy trì gói cứu trợ thứ ba (QE-3), theo đó mỗi tháng tung ra 85 tỷ USD mua lại các trái phiếu liên quan tới thế chấp là một lý do làm tăng nhu cầu mua nhà của người dân Mỹ.
Các chỉ số chứng khoán chủ lực tại thị trường New York trong ngày 26/11 tiếp tục tăng nhẹ và duy trì ở mức giá cao nhất trong hàng chục năm qua. Chỉ số tổng hợp Nasdaq Composite trong ngày tăng thêm 0,58%, lên mức 4.017,75 điểm. Đây là lần đầu tiên trong 13 năm qua, chỉ số này giữ được mức giá vượt ngưỡng 4.000 điểm. Chỉ số Dow Jones và Standard & Poor 500 kết thúc giao dịch ngày 26/11 vẫn duy trì được ở mức giá cao 1.802,75 điểm và 16.072,8 điểm.
Tính từ đầu năm 2013 tới nay, chỉ số Dow Jones đã tăng tổng cộng hơn 22% trong khi chỉ số Standard & Poor 500 tăng hơn 10%.
Tuy nhiên, bức tranh của nền kinh tế lớn nhất thế giới vẫn còn chút màu xám với báo cáo điều tra của công ty Conference Board, công bố ngày 26/11, cho biết chỉ số niềm tin của người tiêu dùng Mỹ trong tháng 11 này chỉ còn ở mức 70,4 điểm so với 72,4 điểm trong tháng 10.
Đây được coi là hậu quả rõ nét nhất từ việc một bộ phận công sở chính phủ bị đóng cửa 16 ngày hồi đầu tháng 10 và có nguy cơ tiếp tục bị đóng cửa khi tới hạn chót 15/1/2014 mà Nhà Trắng và Quốc hội vẫn chưa thỏa thuận được với nhau về kế hoạch chi tiêu ngân sách tài khóa 2014, bắt đầu thực hiện từ ngày 1/10/2013./.