Nga nâng cấp đồng loạt hệ thống vệ tinh chiến lược Glonass

Nga sẽ phóng vệ tinh Glonass-M vào ngày 10/12/2019 và trong năm tiếp theo sẽ phóng hai vệ tinh Glonass-M, hai vệ tinh Glonass-K và một vệ tinh Glonass-K2, đây là các vệ tinh thế hệ mới nhất hiện nay.
Nga nâng cấp đồng loạt hệ thống vệ tinh chiến lược Glonass ảnh 1(Nguồn: gpsworld.com)

Nga đã xây dựng kế hoạch bắt đầu từ năm 2020 sẽ nâng cấp toàn bộ hệ thống vệ tinh quỹ đạo Glonass.

Theo kế hoạch, 20 vệ tinh thế hệ mới Glonass-K2 sẽ được phóng trong giai đoạn 2020-2031 từ sân bay vũ trụ Plesetsk.

Hãng Ria Novosti dẫn lời nguồn tin trong ngành vũ trụ-tên lửa đưa tin, việc phóng vệ tinh được bắt đầu vào cuối năm nay. Nga sẽ phóng vệ tinh Glonass-M từ sân bay Plesetsk vào ngày 10/12/2019.

Trong năm tiếp theo, Nga sẽ phóng hai vệ tinh Glonass-M, hai vệ tinh Glonass-K và một vệ tinh Glonass-K2. Đây là các vệ tinh thế hệ mới nhất hiện nay.

Các vụ phóng này được thực hiện tại sân bay vũ trụ Plesetsk bằng tên lửa Soyuz-2 (Liên hợp-2). Thế hệ vệ tinh này có số lượng tín hiệu định vị phát đi lớn hơn (từ 5 đến 9), thời gian sử dụng cũng dài hơn (từ 7 đến 10 năm).

Trong các năm sau đó, các vụ phóng sẽ do tên lửa Angara-A5 thực hiện, mỗi tên lửa mang được hai vệ tinh.

Hiện tại hệ thống vệ tinh định vị toàn cầu của Nga bao gồm 27 vệ tinh vũ trụ: 25 Glonass-M và 2 vệ tinh Glonass-K, trong đó 23 vệ tinh hoạt động theo nhiệm vụ mục tiêu, 1 vệ tinh dự trữ, 1 vệ tinh đang trong giai đoạn thử nghiệm bay, hai vệ tinh hỗ trợ kỹ thuật.

Hệ thống Glonass của Nga cùng với hệ thống GPS của Mỹ tạo nên toàn bộ mạng lưới định vị toàn cầu.

[Nga phóng thành công tên lửa đẩy mang theo vệ tinh viễn thông]

Glonass cung cấp tín hiệu quân sự bí mật cho quân đội Nga, phục vụ cho việc định hướng cho các lực lượng cũng như dẫn đường cho vũ khí chiến lược và chính xác cao tới mục tiêu, còn tín hiệu dân sự được cung cấp mở và miễn phí cho tất cả người sử dụng trên thế giới.

Hiện Trung Quốc và châu Âu đều phát triển hệ thống định vị của riêng mình (BeiDou và Galileo). Hệ thống định vị Galileo được Liên minh châu Âu (EU) phát triển từ thập niên đầu của thế kỷ 21.

Hệ thống này được thiết kế gồm 30 vệ tinh, trong đó 27 vệ tinh hoạt động liên tục bao phủ toàn bộ tín hiệu trên Trái Đất. Đến tháng 12/2018, Ủy ban châu Âu cuối cùng đã đưa vào sử dụng các dịch vụ đầu tiên của hệ thống này sau nhiều năm xây dựng và thử nghiệm.

Dự án này liên tục vấp phải nhiều chỉ trích, nhất là vấn đề chi phí tăng cao và bị trì hoãn trong nhiều năm. Đầu năm 2017, hệ thống này cũng đã gặp phải sự cố lớn khi xuất hiện lỗi kỹ thuật trên nhiều vệ tinh của hệ thống.

Sau một năm chính thức vận hành, hệ thống đã có khoảng 100 triệu người sử dụng, chủ yếu là sử dụng điện thoại thông minh để định vị./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục