Ngăn chặn nguy cơ Việt Nam trở thành bãi thải công nghệ đen

Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư đang dần hiện hữu, nếu không có các giải pháp về môi trường, Việt Nam sẽ đối mặt nguy cơ trở thành bãi thải công nghệ đen, lạc hậu và ô nhiễm của thế giới.
Ngăn chặn nguy cơ Việt Nam trở thành bãi thải công nghệ đen ảnh 1Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chủ trì hội nghị trực tuyến toàn quốc của Chính phủ về công tác bảo vệ môi trường. (Ảnh: Thống Nhất/TTXVN)

Tại Hội nghị trực tuyến toàn quốc về công tác bảo vệ môi trường ngày 24/8, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà đã trình bày báo cáo đánh giá toàn diện về thực trạng và giải pháp khả thi để tăng cường công tác bảo vệ môi trường hiện nay.

Thực trạng môi trường: SOS

Báo cáo do Bộ trưởng Trần Hồng Hà nêu rõ, hàng năm, Việt Nam có hơn 2.000 dự án đầu tư thuộc đối tượng phải lập báo cáo đánh giá tác động môi trường (ĐTM). Nếu không được đánh giá một cách đầy đủ, toàn diện và thực hiện các biện pháp phòng ngừa, kiểm soát hiệu quả thì sẽ là những nguy cơ rất lớn đến môi trường.

Trên cả nước hiện có 283 khu công nghiệp với hơn 550.000m3 nước thải/ngày đêm; 615 cụm công nghiệp trong đó chỉ khoảng hơn 5% có hệ thống xử lý nước thải tập trung; các cụm công nghiệp còn lại, hoặc các cơ sở sản xuất tự xử lý nước thải hoặc xả trực tiếp ra môi trường.

Hơn 500.000 cơ sở sản xuất, trong đó có nhiều loại hình sản xuất ô nhiễm môi trường, công nghệ sản xuất lạc hậu; hơn 13.500 cơ sở y tế hàng ngày phát sinh hơn 47 tấn chất thải nguy hại và 125.000 m3 nước thải y tế.

Có 787 đô thị với 3.000.000m3 nước thải ngày/đêm nhưng hầu hết chưa được xử lý; lưu hành gần 43 triệu môtô và trên 2 triệu ôtô tạo ra nguồn phát thải lớn đến môi trường không khí.

Hàng năm, có 100.000 tấn hóa chất bảo vệ thực vật được sử dụng, trong đó khoảng 80% lượng thuốc bảo vệ thực vật đang được sử dụng không đúng quy định; hiệu suất sử dụng chỉ đạt 25-60%; công tác thu gom, lưu giữ và xử lý bao bì chưa được quan tâm, nhiều nơi thải bỏ ngay tại đồng ruộng gây phát sinh mùi, khí thải.

Hơn 23 triệu tấn rác thải sinh hoạt, 7 triệu tấn chất thải rắn công nghiệp, hơn 630.000 tấn chất thải nguy hại; hiện có 458 bãi chôn lấp rác thải, trong đó có 337 bãi chôn lấp không hợp vệ sinh; có hơn 100 lò đốt rác sinh hoạt công suất nhỏ, có nguy cơ phát sinh khí dioxin, furan. Đó là những nguồn tác động rất to lớn đến môi trường ở Việt Nam.

Tại Việt Nam đã xảy ra sự cố môi trường lớn tác động trên diện rộng, đặc biệt nghiêm trọng là sự cố môi trường biển miền Trung hồi tháng Tư vừa qua diễn ra trên diện rộng, gây ra hậu quả lớn về kinh tế, xã hội, môi trường trước mắt và lâu dài; ảnh hưởng trực tiếp đến các ngành đánh bắt, nuôi trồng, chế biến thủy, hải sản, làm muối, dịch vụ hậu cần nghề cá, du lịch; đồng thời làm xáo trộn, gây mất an ninh trật tự, tâm lý bức xúc, bất an trong nhân dân.

Bên cạnh đó là tình trạng hạn hán, khô hạn và hoang mạc hóa do tác động cực đoan của thời tiết và biến đổi khí hậu đang ngày càng trở nên nghiêm trọng.

Hiện chỉ có 40/786 đô thị trên cả nước có công trình xử lý nước thải đạt tiêu chuẩn với tổng công suất xử lý khoảng 800.000m3/ngày đêm. Tỷ lệ nước thải sinh hoạt được xử lý mới chỉ đạt 10%-11%; còn lại thải trực tiếp ra môi trường.

Nhiều địa phương chưa có bãi chôn lấp chất thải công nghiệp; tình trạng đổ thải, chôn lấp chất thải công nghiệp trái quy định còn xảy ra ở nhiều nơi.

Nguồn nước mặt, nước dưới đất trong các đô thị, khu dân cư ở một số địa phương bị ô nhiễm nặng.

Tại các lưu vực sông, ô nhiễm nghiêm trọng và suy thoái chất lượng nước tập trung ở vùng trung lưu và hạ lưu, như ở lưu vực sông Nhuệ-Đáy, sông Cầu, hệ thống sông Đồng Nai.

Việt Nam trước nguy cơ trở thành bãi thải công nghệ đen

Tình trạng ô nhiễm môi trường ở Việt Nam chủ yếu xuất phát từ những nguyên nhân chủ quan, đó là nhận thức, ý thức trách nhiệm về bảo vệ môi trường của chủ đầu tư, một số ngành, cấp chính quyền, tổ chức kinh tế, cộng đồng dân cư còn hạn chế; tình trạng chú trọng lợi ích kinh tế trước mắt, coi nhẹ công tác bảo vệ môi trường.

Đang xuất hiện ngày càng nhiều dự án đầu tư có quy mô lớn được cấp phép song thiếu tính toán về quy hoạch, chưa được đánh giá đầy đủ các tác động tới môi trường; việc kiểm soát, phòng ngừa, ứng phó với các sự cố môi trường trong các dự án đầu tư chưa được quan tâm thích đáng.

Đầu tư cho bảo vệ môi trường còn rất hạn chế, chỉ đáp ứng một phần nhu cầu; còn thiếu các cơ chế huy động nguồn lực trong xã hội đầu tư cho bảo vệ môi trường; nguồn thu từ môi trường chưa được sử dụng đầu tư trở lại cho bảo vệ môi trường.

Việt Nam hiện còn tồn tại nhiều loại hình sản xuất, công nghệ cũ, lạc hậu, gây ô nhiễm môi trường. Điều đó đặt ra những thách thức trong quá trình thay đổi mô hình, công nghệ sản xuất từ năng lượng đen (ô nhiễm môi trường) sang năng lượng xanh (thân thiện với môi trường), thay đổi thói quen tiêu dùng để hướng tới nền kinh tế xanh, phát thải cácbon thấp.

Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư đang dần hiện hữu, do vậy, nếu chậm trễ, Việt Nam sẽ đứng trước nguy cơ trở thành bãi thải công nghệ đen, lạc hậu và ô nhiễm của thế giới.

Các giải pháp phải thực hiện

Chính phủ nhiệm kỳ 2016-2021 bắt đầu hoạt động của mình với phương châm là một Chính phủ liêm chính, kiến tạo phát triển, trong đó coi tài nguyên, môi trường vừa là đối tượng phải bảo vệ, vừa là nguồn lực để thúc đẩy các hoạt động phát triển.

Để thực hiện được mục tiêu đó, cần tập trung thực hiện tốt các nhóm nhiệm vụ, giải pháp quan trọng, trước hết cần khẩn trương xây dựng Quy hoạch bảo vệ môi trường quốc gia làm căn cứ thẩm định, phê duyệt các dự án đầu tư của từng vùng phù hợp yêu cầu bảo vệ môi trường, định hướng ưu tiên lĩnh vực, công nghệ đầu tư phù hợp với quy hoạch môi trường.

Ban hành hệ thống các tiêu chí đánh giá, sàng lọc, lựa chọn ưu tiên các dự án công nghệ cao, công nghệ thân thiện với môi trường, bảo đảm theo đúng định hướng tăng trưởng xanh, phát triển bền vững; các quy định về phòng ngừa, ứng phó và khắc phục sự cố môi trường, trong đó có các quy định về cơ chế chỉ đạo, điều hành, phối hợp giữa các cơ quan Trung ương và địa phương trong công tác phòng ngừa, ứng phó và khắc phục sự cố môi trường.

Rà soát quy hoạch, xây dựng các khu xử lý, chôn lấp rác thải sinh hoạt, rác thải công nghiệp, chất thải nguy hại đáp ứng nhu cầu theo quy mô phát sinh các loại chất thải này tại các địa phương, các khu vực kinh tế trọng điểm, nơi có các dự án lớn.

Kiểm soát, giám sát chặt chẽ hoạt động phát sinh, thu gom, vận chuyển, xử lý, thải bỏ, chôn lấp các loại chất thải, nhất là chất thải nguy hại.

Các giải pháp lâu dài là tiếp tục nghiên cứu bổ sung, hoàn thiện hệ thống chủ trương, chính sách, pháp luật về bảo vệ môi trường, đảm bảo tính đồng bộ, thống nhất với hệ thống pháp luật nói chung, bám sát thực tế và theo kịp tiến trình phát triển và hội nhập quốc tế của đất nước, diễn biến nhanh và mức độ phức tạp của các vấn đề môi trường.

Đẩy mạnh hợp tác quốc tế, phát triển khoa học công nghệ về bảo vệ môi trường. Tiếp tục quan tâm xây dựng các dự án ưu tiên về bảo vệ môi trường nhằm kêu gọi hỗ trợ từ nguồn vốn ODA.

Để thực hiện tốt các nhiệm vụ, giải pháp nêu trên, Bộ trưởng Trần Hồng Hà Bộ kiến nghị Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và các địa phương xem xét, ban hành Chỉ thị về một số nhiệm vụ, giải pháp tăng cường công tác bảo vệ môi trường, trong đó giao nhiệm vụ cụ thể cho các Bộ, ngành và địa phương đến năm 2020, có tiến độ hoàn thành và định kỳ kiểm tra, đánh giá kết quả thực hiện.

Kiến nghị Quốc hội chỉ đạo rà soát, điều chỉnh và bổ sung các quy định của pháp luật về đầu tư, xây dựng, môi trường, bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ của hệ thống pháp luật và cam kết của Việt Nam trong việc thực hiện các thỏa thuận thương mại tự do thế hệ mới; trong đó, chú trọng xây dựng các tiêu chí sàng lọc, tiếp nhận các dự án đầu tư theo hướng tăng trưởng xanh và phát triển bền vững.

Đối với các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, phải đảo đảm bố trí không dưới 1% ngân sách của địa phương chi cho sự nghiệp bảo vệ môi trường; tăng cường theo dõi, giám sát việc quản lý, sử dụng nguồn chi này một cách hiệu quả, có trọng tâm, trọng điểm, đảm bảo chi đúng mục tiêu và đủ kinh phí theo quy định nhằm nâng cao hiệu quả nguồn ngân sách nhà nước.

Rà soát, khoanh vùng các đối tượng có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường, rủi ro xảy ra sự cố môi trường và có các biện pháp kiểm soát chặt chẽ hoạt động xả thải, phòng ngừa các sự cố môi trường bằng các biện pháp kỹ thuật-công nghệ phù hợp, kết hợp tăng cường thanh tra, kiểm tra đối với các đối tượng này.

Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra về bảo vệ môi trường đối với các cơ sở sản xuất kinh doanh thuộc thẩm quyền của địa phương; tập trung xử lý dứt điểm các cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng; xây dựng năng lực ứng phó với sự cố môi trường, các vụ việc gây ô nhiễm môi trường./. 

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục