Ngành dịch vụ tăng trưởng mạnh tạo đà cho thị trường lao động khởi sắc

Sự tăng trưởng mạnh mẽ của ngành dịch vụ là điểm nổi bật của thị trường lao động 6 tháng đầu năm. Bên cạnh đó, số người có việc làm chính thức tăng cao cho thấy đà phục hồi bền vững của thị trường.
Các doanh nghiệp đang tiếp tục gia tăng nhu cầu tuyển dụng vào 6 tháng cuối năm. (Ảnh minh hoạ: TTXVN)
Các doanh nghiệp đang tiếp tục gia tăng nhu cầu tuyển dụng vào 6 tháng cuối năm. (Ảnh minh hoạ: TTXVN)

Bức tranh thị trường lao động Việt Nam quý 2 đã có nhiều khởi sắc khi số lao động bị ảnh hưởng tiêu cực bởi đại dịch COVID-19 giảm, số lượng lao động có việc làm tăng mạnh...

Ngành dịch vụ tăng trưởng mạnh

Số liệu của Tổng cục Thống kê cho hay trong 6 tháng đầu năm 2022, lực lượng lao động từ 15 tuổi trở lên có việc làm đạt 50,3 triệu người, tăng 417.000 người so với cùng kỳ năm trước. Tỷ lệ lao động có việc làm tại các ngành cũng có sự thay đổi và có xu hướng tăng lên ở các ngành công nghiệp và dịch vụ.

Đặc biệt, nhờ kiểm soát tốt dịch COVID-19, lao động có việc làm ngành dịch vụ trong quý 2/2022 là 19,8 triệu người, tăng 429.800 người so với quý trước. Đây là quý thứ 3 liên tiếp kể từ sau mức giảm chạm đáy vào quý 3/2021, thị trường lao động Việt Nam ghi nhận mức tăng mạnh mẽ về số người tham gia làm việc trong khu vực dịch vụ.

Ông Phạm Hoài Nam, Vụ trưởng Vụ Dân số và Lao động (Tổng cục Thống kê) cho biết trong 3 quý gần đây nhất, bình quân mỗi quý, khu vực dịch vụ đón nhận thêm gần 900.000 lao động, cao hơn rất nhiều so với mức tăng của 2 khu vực còn lại nông, lâm nghiệp, thủy sản bình quân giảm hơn 100.000 người và công nghiệp, xây dựng bình quân tăng gần 400.000 người.

Theo ông Phạm Hoài Nam, chính sách mở cửa hoàn toàn du lịch từ ngày 15/03/2022 là cú hích quan trọng giúp lao động trong khu vực dịch vụ dần lấy lại được trạng thái ban đầu khi chưa xuất hiện đại dịch, tạo cơ sở cho đà tăng trưởng và phát triển. Hoạt động du lịch mở cửa trở lại đã tạo công ăn việc làm cho người lao động. Số lao động đăng ký của doanh nghiệp thành lập mới trong lĩnh vực dịch vụ tăng 15,9% so với cùng kỳ năm trước, trong đó: Dịch vụ lưu trú và ăn uống tăng 19,7%; dịch vụ việc làm, du lịch tăng 20,7%.

Lao động của một số ngành thuộc khu vực dịch vụ tăng cao như: Ngành bán buôn và bán lẻ; sửa chữa ô tô, mô tô, xe máy (tăng 201.300 người so với quý trước và tăng 341.500 người so với cùng kỳ năm trước); hoạt động dịch vụ khác tăng 94.800 người so với quý trước và tăng 47.800 người so với cùng kỳ năm trước; dịch vụ lưu trú và ăn uống tăng 91.400 người so với quý trước và tăng 24.100 người so với cùng kỳ năm trước.

Ông Vũ Quang Thành, Phó Giám đốc Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội cho biết, tính chung 6 tháng đầu năm nay, Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội đã tổ chức thành công 124 phiên giao dịch việc làm với hơn 3.000 đơn vị, doanh nghiệp tham gia, tổng số nhu cầu tuyển dụng là 55.100 lao động, số người được phỏng vấn là 22.300 người, có 7.800 người được tuyển dụng sau khi kết thúc phiên giao dịch.

Ngành dịch vụ tăng trưởng mạnh tạo đà cho thị trường lao động khởi sắc ảnh 1Ngành dịch vụ, du lịch phục hồi mạnh mẽ nhờ kiểm soát tốt dịch bênh. (Ảnh minh họa: TTXVN)

“Hiện tại trung tâm tiếp nhận nhiều đơn hàng của các doanh  nghiệp có nhu cầu tuyển dụng lớn, với đa dạng lĩnh vực, ngành nghề. Tuy nhiên, tập trung ở một số lĩnh vực đang có nhu cầu tuyển dụng số lượng lớn như nhóm dịch vụ (du lịch, lưu trú, bán hàng, kinh doanh…). Các doanh nghiệp, nhà máy cũng đang có nhu cầu tuyển dụng nhiều công nhân lao động sản xuất không đòi hỏi nhiều về trình độ,” ông Vũ Quang Thành nói.

Thu nhập cao vẫn khó thu hút lao động

Quý 2/2022 còn ghi nhận những tín hiệu tích cực cho thấy thị trường lao động đã phục hồi và có tính chất bền vững khi số người có việc làm trong khu vực chính thức tăng cao hơn nhiều so với số người có việc làm trong khu vực phi chính thức. Số người có việc làm phi chính thức là 21,4 triệu người, tăng 54.500 người so với quý trước và tăng 499.000 người so với cùng kỳ năm trước. Số người có việc làm chính thức trong quý này là 17,1 triệu người, tăng 449.300 người so với quý trước và tăng 1,6 triệu người so với cùng kỳ năm trước.

[Thu nhập bình quân của lao động đã tăng lên 6,5 triệu đồng/tháng]

Không chỉ các chỉ tiêu về việc làm chính thức trưởng tích cực, thu nhập bình quân của lao động tăng ở cả ba khu vực kinh tế đều tăng trưởng khá. Mức thu nhập bình quân của người lao động tại vùng Đông Nam Bộ và Đồng bằng sông Hồng vẫn duy trì mức cao so với các vùng còn lại. So với cùng kỳ năm trước, mức thu nhập bình quân tháng của lao động vùng Đông Nam Bộ là 8,5 triệu đồng, tăng 8,5%, tương ứng tăng khoảng 480.000 đồng.

Trong quý 2/2022, thu nhập của lao động tại Thành phố Hồ Chí Minh, Bình Dương luôn dẫn đầu cả nước, với mức thu nhập tương ứng là 9,1 triệu đồng/người/tháng và 8,9 triệu đồng/người/tháng, tiếp theo là Hà Nội, Đồng Nai và Bắc Ninh. Lý giải cho sự tăng tiền lương ở mức cao này, các chuyên gia cho rằng do các doanh nghiệp đang nỗ lực thu hút lao động để đáp ứng yêu cầu tăng trưởng các hoạt động sản xuất, kinh doanh.

Mặc dù thu nhập tăng nhưng việc tuyển dụng lao động tại các khu đô thị, khu công nghiệp có nguy cơ sẽ vẫn khó khăn, thiếu hụt. Tình hình giá cả sinh hoạt tại các thành phố lớn tăng cao đang khiến người lao động khó khăn hơn trong trang trải cuộc sống, nhiều lao động e ngại khi di cư để tìm việc.

Ông Trịnh Thanh Long, Giám đốc Công ty Trách nhiệm hữu hạn Sản xuất và Xuất nhập khẩu Thực phẩm Xanh cho biết ngoài tuyển dụng lao động phổ thông, công ty cũng cần tuyển nhân viên có trình độ, kinh nghiệm và kỹ năng.

Công ty đưa ra mức thu nhập nhân viên kinh doanh xuất nhập khẩu và nhân viên marketing từ 15-30 triệu đồng/thán, mức này đang cao hơn so với thị trường để tạo sự hấp dẫn, thu hút ứng viên. Ngoài lương, công ty còn đóng đầy đủ các chế độ bảo hiểm, thưởng theo năng suất… cho người lao động. Tuy nhiên, theo ông Long dù đăng tải thông tin tuyển dụng ở rất nhiều kênh như website của công ty, trên mạng xã hội Facebook, các chuyên trang tuyển dụng nhưng đến nay vẫn chưa tìm được lao động như kỳ vọng.

Từ tình hình thực tế đó, mặc dù dự báo thị trường lao động 6 tháng cuối năm vẫn sẽ tiếp tục khởi sắc tuy nhiên ông Nguyễn Trung Tiến, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê cũng cho rằng Chính phủ cần chú trọng kiểm soát lạm phát, hạ nhiệt giá xăng dầu để ổn định an sinh xã hội, góp phần ổn định cuộc sống của người lao động, đặc biệt những người chịu nhiều tác động tiêu cực của đại dịch COVID-19. Đây là giải pháp quan trọng để thị trường lao động trong thời gian tới tăng trưởng bền vững./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục