Ngành Thuế rà soát, xác định chính xác những nguồn thu tiềm năng

Ngành Thuế rà soát tất cả các khoản có thể thu để đảm bảo dự toán 2023

Thu ngân sách do ngành thuế quản lý dự kiến sẽ khó khăn hơn trong các tháng tới, khi các chính sách giảm, giãn thuế, phí và giảm 2% thuế giá trị gia tăng, giảm thuế trước bạ ôtô... được thực hiện.
Ngành Thuế rà soát tất cả các khoản có thể thu để đảm bảo dự toán 2023 ảnh 1Ông Mai Xuân Thành, Quyền Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế.  (Ảnh: CVT/Vietnam+)

Thu ngân sách Nhà nước đến thời điểm hiện tại về cơ bản đã đảm bảo dự toán, tuy nhiên số thu đang có xu hướng giảm trong các tháng liên tiếp. Thêm vào đó, công tác thu dự kiến sẽ khó khăn hơn trong những tháng tới, khi các chính sách giảm, giãn thuế, phí, nhất là giảm 2% thuế giá trị gia tăng, giảm thuế trước bạ ôtô... được thực hiện.

Trao đổi với báo chí, Quyền Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế Mai Xuân Thành cho biết để thực hiện tốt nhiệm vụ thu ngân sách năm 2023, ngành Thuế đã phân tích, đánh giá và tìm giải pháp cụ thể cần tập trung triển khai trước tình hình khó khăn chung của nền kinh tế.

Thu ngân sách trên đà giảm

- Diễn biến thu ngân sách vẫn trên đà giảm trong các tháng qua đồng thời dự báo chưa có dấu hiệu khởi sắc trong các tháng tiếp theo. Xin ông cho biết những giải pháp triển triển khai để có thể đảm bảo dự toán giao?

Ông Mai Xuân Thành: Tổng thu ngân sách Nhà nước do cơ quan Thuế quản lý ước thực hiện tháng Năm là 85.200 tỷ đồng, bằng 6% so với dự toán pháp lệnh và chỉ bằng 76% so với cùng kỳ. Lũy kế 5 tháng đầu, số thu đạt trên 663.800 tỷ đồng và bằng 48% so với dự toán tương đương, 97% so với cùng kỳ.

Đánh giá tình hình kinh tế trong nước đứng trước nhiều khó khăn, thách thức, do đó để thực hiện tốt nhiệm vụ thu ngân sách năm 2023, ngành Thuế sẽ tập trung rà soát, xác định chính xác những nguồn thu còn tiềm năng và nguồn thu chưa khai thác hết, còn dư địa. Trên cơ sở đó, cơ quan Thuế sẽ tổ chức giao nhiệm vụ đến từng cán bộ, đến từng đơn vị, từng địa bàn để thực hiện, khai thác tăng thu, bù đắp các khoản hụt thu. Bên cạnh đó, các đơn vị chức năng tiếp tục tăng cường thanh tra, kiểm tra chống thất thu ngân sách, thu hồi nợ thuế.

[Năm tháng, thu ngân sách do cơ quan thuế quản lý đạt 663.843 tỷ đồng]

Từ diễn biến số thu như hiện nay, ngành Thuế đã tổ chức các hội nghị bàn về giải pháp tăng thu ngân sách, trên tinh thần rà soát tất cả các khoản có thể thu, các khoản tiềm năng. Cùng với đó, Tổng cục Thuế tổ chức công tác thu bằng cách khoán thu đến từng đơn vị..., hướng tới mục tiêu hoàn thành tốt nhiệm vụ thu ngân sách mặc dù còn nhiều khó khăn.

Kết quả số thu đến thời điểm này đã phần nào phản ánh nỗ lực, cố gắng của cơ quan Thuế. Dựa trên những con số đạt được, cơ quan thuế sẽ theo sát tình hình để cố gắng thu đạt dự toán được giao.

- Thủ tướng Chính phủ ra Công điện số 470/CĐ-TTg (ngày 26/5), trong đó chỉ đạo thực hiện ngay, không chậm trễ công tác hoàn thuế giá trị gia tăng. Ông cho biết ngành Thuế đã triển khai đến thời điểm này ra sao?

Hoàn thuế trong 6 ngày làm việc

Ông Mai Xuân Thành: Về công tác giải quyết hoàn thuế giá trị gia tăng, Tổng cục Thuế đã ban hành công văn số 2099/TCT-KK, chỉ đạo và quán triệt Cục trưởng các Cục Thuế địa phương thực hiện nghiêm về giải quyết hoàn thuế, đảm bảo giải quyết kịp thời, chặt chẽ, đúng quy định đồng thời phải công khai, minh bạch, không gây bức xúc trong dư luận.

Trên thực tế, ngành Thuế đã triển khai hoàn thuế điện tử đạt 99% với gần 80% số hồ sơ hoàn thuế giá trị gia tăng thuộc diện hoàn thuế trước, kiểm tra sau. Các cơ quan thuế đảm bảo giải quyết hoàn thuế nhanh chóng trong vòng 6 ngày làm việc, kể từ khi nhận được đẩy đủ hồ sơ đề nghị hoàn từ người nộp thuế.

Ngành Thuế rà soát tất cả các khoản có thể thu để đảm bảo dự toán 2023 ảnh 2Ảnh minh họa. (Nguồn: Vietnam+)

Riêng công tác hoàn thuế đối với mặt hàng gỗ và sản phẩm từ gỗ, từ ngày 1/1/2022 đến ngày 17/5, cơ quan Thuế đã giải quyết 61 hồ sơ, tương ứng số tiền hoàn thuế 163 tỷ đồng.

Bên cạnh đó, doanh nghiệp cũng xin hủy 13 hồ sơ đề nghị hoàn thuế với giá trị gần 68 tỷ đồng. Do, các doanh nghiệp tự rà soát đối chiếu với quy định về hoàn thuế nhận thấy bị thiếu, kê khai sai, cần điều chỉnh số liệu... và cần thời gian để xem xét lại hồ sơ, sổ sách chứng từ. Ngành thuế cũng từ chối đề nghị hoàn thuế với 3 hồ sơ, tương ứng số tiền 2,7 tỷ đồng. Nguyên nhân, doanh nghiệp nộp hồ sơ thiếu, sai mẫu hồ sơ hoặc không đủ thủ tục...

Ngoài ra, cơ quan Thuế chưa giải quyết hoàn thuế đối với 28 hồ sơ, tương ứng trên 110 tỷ đồng (tính đến ngày 17/5). Tỷ lệ này là 45,9 % so với tổng số hồ sơ cơ quan thuế đã giải quyết hoàn (28/61 hồ sơ). Nguyên nhân chủ yếu do các hồ sơ này đang trong thời gian giải quyết theo quy định, hoặc chuyển sang cơ quan công an để điều tra, xác minh, hay doanh nghiệp xin tạm dừng, hoãn thời gian kiểm tra; chưa cung cấp đủ hồ sơ tài liệu số liệu và đang chờ kết quả xác minh...

Trong quá trình giải quyết hồ sơ hoàn thuế, cơ quan Thuế nhận thấy các hồ sơ cần thực hiện xác minh chủ yếu tại doanh nghiệp trung gian bán hàng trực tiếp cho doanh nghiệp hoàn thuế (gọi là F1). Cụ thể, trong 58 hồ sơ cơ quan thuế thực hiện xác minh các doanh nghiệp trung gian, có 50 hồ sơ xác minh đến doanh nghiệp trung gian F1 (chiếm tỷ lệ 86% trên tổng số hồ sơ thực hiện xác minh), 8 hồ sơ xác minh đến doanh nghiệp trung gian F2 (chiếm tỷ lệ 14% trên tổng số hồ sơ thực hiện xác minh).

Đối với mặt hàng cao su, những hồ sơ hoàn thuế giá trị gia tăng chưa được giải quyết tập trung vào một số doanh nghiệp có hồ sơ hoàn thuế đang trong quá trình kiểm tra, xác minh (thông tin nước ngoài và chi phí mua vào).

Trong năm 2022 và 5 tháng đầu năm 2023, Cục Thuế Thành phố Hồ Chí Minh chuyển hồ sơ của 3 doanh nghiệp trực tiếp đề nghị hoàn thuế sang cơ quan công an để phối hợp điều tra, xác minh trong đó có 2 hồ sơ của doanh nghiệp hoàn thuế xuất khẩu đối với mặt hàng hàng cao su, nguyên nhân do mua hàng của doanh nghiệp có rủi ro cao về thuế.

Thời gian tới, Tổng cục Thuế sẽ tiếp tục chỉ đạo cơ quan thuế các cấp khẩn trương có hướng dẫn, xử lý hoàn thuế giá trị gia tăng đối với các hồ sơ hoàn thuế đủ điều kiện hoàn thuế theo quy định của pháp luật. Đối với trường hợp không đủ điều kiện hoàn thuế hoặc có sai phạm cần xử lý theo đúng quy định và thông báo cho người nộp thuế.

Ngăn chặn xuất khống hóa đơn điện tử

Nhằm đảm bảo công tác quản lý thuế đối với khu vực bán lẻ đạt hiệu quả, công tác triển khai hóa đơn điện tử khởi tạo từ máy tính tiền đã được triển khai và đạt tiến độ như thế nào, thưa ông?

Ông Mai Xuân Thành: Tính đến ngày 18/5, toàn ngành ghi nhận có 16.421 doanh nghiệp, cá nhân kinh doanh đăng ký sử dụng hóa đơn điện tử có mã của cơ quan thuế khởi tạo từ máy tính tiền với số lượng hóa đơn điện tử từ máy tính tiền đã tiếp nhận trên 5 triệu hóa đơn.

Ngành Thuế rà soát tất cả các khoản có thể thu để đảm bảo dự toán 2023 ảnh 3Ngành Thuế đã có nhiều biện pháp để thu thuế thương mại điện tử. (Ảnh minh họa. Nguồn: Vietnam+)

Thời gian qua, Tổng cục Thuế đã đẩy mạnh triển khai Hệ thống phân tích cơ sở dữ liệu và quản lý hóa đơn điện tử. Trong tháng Năm, Tổng cục cũng thực hiện triển khai khai bàn giao và hướng dẫn các Cục Thuế vận hành Hệ thống để các đơn vị chủ động triển khai.

Ngoài ra, Tổng cục Thuế đã xây dựng và vận hành kiểm thử ứng dụng cảnh báo và ngăn chặn việc xuất khống hóa đơn của doanh nghiệp để chính thức đưa vào vận hành trong tháng tới. Bên cạnh đó, cơ quan Thuế sẽ tiếp tục nâng cấp nhằm tự động hóa việc chặn xuất khống hóa đơn điện tử đối với những trường hợp có rủi ro cao ngay từ khâu đầu.

Mặt khác, ngành cũng đang tích cực phối hợp với các chuyên gia tư vấn để triển khai việc áp dụng công nghệ trí tuệ nhân tạo vào phân tích trên dữ liệu hóa đơn điện tử đối với các bài toán hoặc theo các mặt hàng rủi ro, để phát hiện hóa đơn có giá bất thường đồng thời phân tích, chỉ ra chuỗi mua bán hóa đơn./.

- Xin cảm ơn ông!

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục