Ngừng viện trợ WHO có đem lại lợi ích cho chính quyền của ông Trump?

Chủ tịch Hiệp hội Y khoa Mỹ Patrice Harris gọi động thái ngừng viện trợ cho WHO trong bối cảnh dịch COVID-19 diễn biến phức tạp của Tổng thống Trump là "một bước đi nguy hiểm sai hướng."
Ngừng viện trợ WHO có đem lại lợi ích cho chính quyền của ông Trump? ảnh 1Tổng thống Mỹ Donald Trump tại cuộc họp báo ở Washington, DC, Mỹ. (Nguồn: AFP/TTXVN)

Cuộc vận động công khai chống Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) của Tổng thống Mỹ Donald Trump và quyết định mới đây của ông ngừng viện trợ cho tổ chức của Liên hợp quốc này đúng vào lúc cả thế giới đang vật lộn với đại dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19 có thể nói là “giọt nước tràn ly.”

Trước đó, nhiều lần các cố vấn Nhà Trắng, các nghị sỹ Đảng Cộng hòa và cả giới truyền thông của Đảng này đã bày tỏ sự giận dữ khi WHO liên tục khen ngợi cách mà Trung Quốc ứng phó với đại dịch.

Quyết định được nhà lãnh đạo Mỹ đưa ra vào ngày 14/4 kèm với đánh giá rằng cách thức giải quyết đại dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19 của WHO chưa phù hợp.

Báo New York Times cho rằng ông Trump quyết định giáng cho WHO một đòn sau khi chính ông bị chỉ trích vì đã không ứng phó hiệu quả với đại dịch ngay từ đầu để giờ đây nước Mỹ có tới hơn 600.000 ca nhiễm bệnh ở 50 bang với hơn 25.000 ca tử vong.

Người đứng đầu WHO, tiến sỹ Tedros Adhanom Ghebreyesus, ngày 15/4 cho biết ông "lấy làm tiếc" về việc Mỹ quyết định ngừng viện trợ cho cơ quan của ông trong khi tổ chức này đang phải vật lộn với hàng loạt các loại bệnh tật trên thế giới chứ không chỉ có COVID-19.

Chính ông Robert Redfield, Giám đốc Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh của Mỹ (CDC) ngày 15/4 cũng đánh giá cao WHO và phát biểu trên đài CBS của Mỹ rằng việc đánh giá công tác ứng phó đại dịch của WHO nên được tiến hành sau khi dịch kết thúc.

[WHO nỗ lực đảm bảo các hoạt động không bị gián đoạn]

Chủ tịch Hạ viện Mỹ Nancy Pelosi cũng kịch liệt phản đối quyết định này của Tổng thống Trump và cho biết bà sẽ yêu cầu cần làm rõ quyết định mà bà cho là “nguy hiểm” và “bất hợp pháp” này.

Trong một thông cáo vừa được đưa ra, bà nhấn mạnh rằng Tổng thống Trump đã phớt lờ các chuyên gia y tế toàn cầu, không coi trọng khoa học và cản trở những người hùng trên tuyến đầu chống dịch, khiến cuộc sống của người dân Mỹ cũng như nhân dân thế giới bị đặt vào tình thế nguy hiểm.

Bà cho rằng quyết định này của ông Trump một lần nữa cho thấy sự ứng phó không hiệu quả của Tổng thống.

Ngày 15/4, dư luận quốc tế đã phản ứng về việc Tổng thống Mỹ Donald Trump yêu cầu chính phủ tạm ngừng tài trợ cho WHO.

Trong một phát biểu đăng trên tài khoản Twitter, Đại diện cấp cao về chính sách an ninh và đối ngoại của Liên minh châu Âu (EU), Josep Borrell tuyên bố "lấy làm tiếc" về quyết định của Mỹ.

Theo ông, hiện là thời điểm cần tập hợp tối đa nỗ lực của các nước để khống chế và giảm thiểu tác động của dịch bệnh.

Ngoại trưởng Đức Heiko Maas cho rằng sự lây lan virus SARS-CoV-2 là không có biên giới, và một trong những đầu tư tốt nhất hiện nay là các nước hỗ trợ Liên hợp quốc và WHO để tăng cường các xét nghiệm cũng như thúc đẩy nghiên cứu bào chế vắcxin ngừa bệnh.

Cùng ngày, hãng tin TASS dẫn lời Thứ trưởng Ngoại giao Nga Sergei Ryabkov bày tỏ quan ngại về quyết định của Mỹ tạm ngừng đóng góp cho WHO.

Bộ Ngoại giao Trung Quốc cho rằng quyết định này sẽ làm suy yếu khả năng của WHO và ảnh hưởng tới hợp tác quốc tế trong việc phòng, chống dịch COVID-19.

Mỹ hiện là nhà tài trợ lớn nhất của WHO. Trong năm 2019, Mỹ đóng góp 452 triệu USD (chiếm khoảng 15% ngân sách của tổ chức này) trong khi Trung Quốc đóng góp 42 triệu USD.

Đây cũng chính là lý do khiến Mỹ cho rằng Mỹ có nghĩa vụ buộc tổ chức này chịu trách nhiệm về một trong những quyết định nguy hiểm và tốn kém của mình, đó là việc WHO hồi tháng Một đã phản đối các biện pháp giới hạn đi lại của Mỹ áp dụng đối với Trung Quốc và những quốc gia khác.

Ông Trump tiến hành bước đi này trong bối cảnh có nhiều quan ngại nổi lên xung quanh cách tiếp cận của tổ chức WHO với Trung Quốc. Bên trong Nhà Trắng, người ta đã thấy có một sự nhất trí gần như tuyệt đối giữa các cố vấn của ông Trump rằng WHO đang chịu ảnh hưởng quá lớn của Trung Quốc và đã quá chậm chễ đưa ra cảnh báo về virus SARS-CoV-2, bởi tổ chức này quá tin vào những gì Trung Quốc cam kết là có thể kiểm soát được tình hình và rằng virus SARS-CoV-2 sẽ không trở thành mối đe dọa trên toàn cầu.

Sự nghi ngại này lại được củng cố hơn nữa bởi những đồng minh của ông Trump trong nghị viện vốn đã luôn nghi ngại Chính phủ Trung Quốc và chính họ đã rất giận dữ khi các quan chức của WHO nhận định rằng những hành động quyết liệt của Trung Quốc đã đóng vai trò quan trọng khiến virus SARS-CoV-2 chậm lây lan hơn ra các nước.

Chính Steve Bannon, cựu chiến lược gia trưởng của ông Trump và Jason Miller, cựu Giám đốc truyền thông vận động tranh cử của ông đã kêu gọi ngừng viện trợ cho WHO từ cách đây một tuần với lý do Trung Quốc đã chậm trễ cung cấp thông tin thực (đáng tin cậy) về virus SARS-CoV-2 cho thế giới.

Kể từ giữa tháng Hai, kênh Fox News (kênh ủng hộ phe Cộng hòa) đã phát 49 tin về WHO trên website của hãng và liên tục đưa tin các nghị sĩ đảng Cộng hòa chỉ trích WHO quá lệ thuộc vào Trung Quốc.

Khi đưa ra quyết định ngừng viện trợ gần 500 triệu USD cho WHO hôm 14/4, ông Trump cũng viện dẫn lý do này.

Hồi giữa tháng Hai, một quan chức hàng đầu của WHO có phát biểu rằng các biện pháp hạn chế hoạt động của Trung Quốc đã khiến dịch bệnh lây lan chậm hơn tới các nước khác và rằng “cách tiếp cận về mặt chiến lược và chiến thuật của Trung Quốc là đúng đắn.”

Chính ông Trump cũng đã có lần nói với báo giới tại một buổi họp báo tại Nhà Trắng rằng WHO phụ thuộc quá mức vào việc lấy Trung Quốc làm trung tâm. Trong khi đó, nhiều cố vấn của ông Trump, kể cả cố vấn thương mại Peter Navarro và nhiều thành viên chủ chốt trong Hội đồng An ninh Quốc gia, từ lâu đã luôn dè chừng Trung Quốc.

Bản thân ông Trump thì luôn có những thông điệp khá mâu thuẫn về Trung Quốc, liên tục nói tốt đẹp về Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình mặc dù chính ông là người phát động cuộc chiến thương mại với Trung Quốc.

Thậm chí vào ngày 24/1, chưa đầy một tháng sau khi virus SARS-CoV-2 mới được phát hiện, ông Trump tweet rằng “Trung Quốc đã rất nỗ lực kiểm soát virus Corona. Nước Mỹ trân trọng nỗ lực và sự minh bạch của họ.”

Thứ Sáu tuần vừa rồi (10/4) tại buổi họp với nhóm đặc nhiệm chống đại dịch của mình, ông Trump có thăm dò ý kiến các chuyên gia về WHO.

Tiến sỹ Anthony Fauci, chuyên gia hàng đầu của Mỹ về các bệnh truyền nhiễm đã nói rằng vấn đề của WHO là Trung Quốc và các chuyên gia có mặt tại buổi họp đều nhất trí với nhận định này, trong đó có cả giám đốc CDC Redfield.

Thế nhưng, người đứng đầu CDC ngày 15/4 vẫn khen ngợi những nỗ lực của WHO trong việc chống đại dịch Ebola ở châu Phi và cả trong việc hợp tác hạn chế sự lây lan của dịch bệnh và còn khẳng định rằng WHO và Mỹ đã cùng nhau chiến đấu chống lại nhiều cuộc khủng hoảng sức khỏe trên khắp thế giới và sẽ tiếp tục cùng nhau sát cánh trong thời gian tới.

Trong khi đó, Phòng Thương mại Mỹ khẳng định ủng hộ WHO cần phải có những cải cách, nhưng cũng cho rằng ngừng viện trợ cho tổ chức này trong lúc đại dịch COVID-19 đang hoành hành thì không mang lại lợi ích cho nước Mỹ, nhất là khi WHO có vai trò thiết yếu hỗ trợ nhiều nước khác, nhất là các nước đang phát triển, trong công cuộc ứng phó với đại dịch.

Các chuyên gia cho rằng mặc dù WHO có thể đã phạm phải những sai lầm trong đối phó với đại dịch, song cách hành xử của Tổng thống Trump với WHO là quá gay gắt.

Ngân sách 2,5 tỷ USD mà WHO nhận được mỗi năm đã không tăng thêm trong hơn 3 thập kỷ qua và họ thật sự đã nỗ lực rất nhiều khi phải triển khai thực hiện nhiều công việc trên toàn cầu.

Theo các chuyên gia, những gì mà COVID-19 đang diễn ra tại Mỹ là do nước này đã quá chủ quan với dịch bệnh. Khi đại dịch hoành hành ở Trung Quốc và nhiều quốc gia khác, Tổng thống Trump vẫn tự tin tuyên bố với người dân Mỹ rằng COVID-19 sẽ không gây ra mối đe dọa nghiêm trọng nào với nước Mỹ và trấn an người dân rằng: “Chúng ta sẽ có một kết cục tốt đẹp.”

Ông còn so sánh sự giống nhau giữa SARS-CoV-2 và bệnh cúm mùa và dự báo rằng, virus SARS-CoV-2 có thể bị tiêu diệt khi nhiệt độ ấm lên vào tháng Tư, tương tự như dịch cúm mùa vào mùa Xuân.

Hồi đầu tháng Ba, chính Tổng thống Trump đã nói ông không tin vào tỷ lệ tử vong 3,4% do COVID-19 mà WHO đưa ra. Nhà lãnh đạo Mỹ cũng đã không tuân thủ triệt để khuyến nghị của WHO trong việc xác định ca bệnh, cách ly các đối tượng mắc bệnh và theo sát lịch sử đi lại của họ.

Tổng thống Trump còn cho rằng những người bị nhiễm COVID-19 vẫn có thể đi làm và tự hoàn toàn hồi phục, trái ngược với những gì mà Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa dịch bệnh Mỹ (CDC) khuyến cáo.

Thậm chí Tổng thống Trump hiện còn đang lên kế hoạch mở cửa lại nền kinh tế bất chấp những cảnh báo về khả năng bùng phát lại đại dịch, nếu sớm dỡ bỏ các quy định về giãn cách xã hội.

Chủ tịch Hiệp hội Y khoa Mỹ Patrice Harris gọi động thái của Tổng thống Trump là "một bước đi nguy hiểm sai hướng" và việc này sẽ không khiến cuộc chiến nhằm đánh bại dịch COVID-19 trở nên dễ dàng hơn, đồng thời hối thúc nhà lãnh đạo Mỹ nên cân nhắc lại quyết định này./. 

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục