Nguồn thu từ tài nguyên đất trong 5 năm qua đạt gần 850.000 tỷ đồng

Trong đoạn 2016-2020, nguồn thu từ tài nguyên đất đạt gần 850.000 tỷ đồng, chuyển dịch hơn 230.000 hécta đất cho phát triển kết cấu hạ tầng, công nghiệp, dịch vụ, đô thị và nhà ở.
Nguồn thu từ tài nguyên đất trong 5 năm qua đạt gần 850.000 tỷ đồng ảnh 1Ảnh chỉ có tính chất minh họa. (Nguồn: Hùng Võ/Vietnam+)

Đại diện Bộ Tài nguyên và Môi trường cho biết trong đoạn 2016-2020, nguồn lực tài nguyên đã được phát huy hiệu quả cho phát triển đất nước.

Trong đó, riêng lĩnh vực đất đai đã chuyển dịch hơn 230.000 hécta đất cho phát triển kết cấu hạ tầng, công nghiệp, dịch vụ, đô thị và nhà ở; đưa 926.000 hécta đất chưa sử dụng đã được đưa vào sử dụng chủ yếu cho phát triển rừng.

Trong 5 năm qua, ngành tài nguyên và môi trường cũng đã thu hồi, yêu cầu đưa vào sử dụng gần 100.000 hécta đất của các dự án chậm triển khai; thực hiện nghiêm các quy định về điều kiện giao đất, tăng cường đấu giá đất đã ngăn ngừa yếu tố đầu cơ, tăng nguồn thu từ đất cho ngân sách nhà nước.

Nhờ đó, nguồn thu từ tài nguyên đất trong 5 năm qua đạt gần 850.000 tỷ đồng, chiếm trung bình 11% thu ngân sách nội địa hàng năm.

[Phó Thủ tướng ‘chốt’ 7 nhiệm vụ cho ngành tài nguyên môi trường]

Số tiền thu từ đất (tiền sử dụng đất, tiền thuê đất, thuế sử dụng đất nông nghiệp, thuế sử dụng đất phi nông nghiệp) cũng tăng đáng kể cho ngân sách qua các năm.

Cụ thể, năm 2015, số tiền thu từ đất là 84.810 tỷ đồng; năm 2016, số tiền thu từ đất 115.290 tỷ đồng; năm 2017, số tiền thu từ đất 104.400 tỷ đồng; năm 2018, số tiền thu từ đất 121.400 tỷ đồng; năm 2019, số tiền thu từ đất đạt trên 172.000 tỷ đồng.

Trong năm 2021, Tổng cục Quản lý đất đai sẽ tiếp tục hoàn thiện cơ chế và đổi mới mô hình định giá đất theo vùng giá trị, thửa đất chuẩn; đề xuất quy định về kinh tế đất; thực hiện theo dõi, cập nhật biến động giá đất trên thị trường.

Bên cạnh đó, Tổng cục này cũng sẽ xây dựng cơ sở dữ liệu về giá đất tới từng thửa đất gắn với cơ sở dữ liệu đất đai; hướng dẫn, kiểm tra, giám sát việc xây dựng bảng giá đất và xác định giá đất cụ thể tại các địa phương; xây dựng bản đồ giá đất.

Ngoài ra, Tổng cục Quản lý đất đai sẽ chỉ đạo, hướng dẫn các địa phương tổ chức thực hiện việc áp dụng khung giá đất cho giai đoạn 2020-2024.

Tổng cục cũng đề xuất cải cách đồng bộ hệ thống chính sách thuế nói chung và chính sách thu từ đất nói riêng, duy trì một hệ thống chính sách thuế sử dụng đất gắn với hệ thống hồ sơ địa chính, cơ sở dữ liệu địa chính nhằm tăng nguồn thu từ đất./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục