Nguy cơ "cạn kiệt sự sống" của Trái Đất do biến đổi khí hậu

Các nhà khoa học hàng đầu thế giới đã cảnh báo về việc "sự sống" của hành tinh đang ngày càng suy yếu do bị nền kinh tế toàn cầu khai thác quá mức.
Nguy cơ "cạn kiệt sự sống" của Trái Đất do biến đổi khí hậu ảnh 1Khói lửa bốc lên từ đám cháy tại khu vực rừng Amazon ở bang Para State, Brazil ngày 16/8/2020. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Cảnh báo về những nguy cơ mà thế giới phải đổi mặt khi biến đổi khí hậu ngày càng gia tăng và để đối phó với những hiện tượng thời tiết ngày càng cực đoan, một nhóm các nhà khoa học hàng đầu thế giới đang kêu gọi phải thực hiện các biện pháp cấp bách và triệt để, chẳng hạn như chấm dứt việc sử dụng nhiên liệu hóa thạch và chuyển đôi mô hình kinh tế theo chiều hướng thân thiện với môi trường.

Các nhà khoa học hàng đầu thế giới đã cảnh báo về việc "sự sống" của hành tinh đang ngày càng suy yếu do bị nền kinh tế toàn cầu khai thác quá mức.

Nhóm tác giả này đã công bố một nghiên cứu toàn cầu trên tạp chí BioScience số ra ngày 28/7 và bày tỏ sự lo ngại về nguy cơ xảy ra các hiện tượng cực đoan của khí hậu mà họ gọi là "điểm tới hạn."

Các nhà nghiên cứu này thuộc nhóm hơn 14.000 nhà khoa học ủng hộ việc ban bố tình trạng khẩn cấp về khí hậu toàn cầu. Họ cho rằng chính phủ các nước, về cơ bản, đã thất bại trong việc giải quyết nguyên nhân gây ra biến đổi khí hậu, đó chính là "sự khai thác Trái Đất một cách quá mức."

Kể từ lần đánh giá trước đó vào năm 2019, họ đã nhấn mạnh về "sự gia tăng chưa từng có" của các thảm họa khí hậu, từ lũ lụt đến sóng nhiệt, từ lốc xoáy đến hỏa hoạn.

18 sự biến đổi lên mức báo động đỏ

Cũng theo bài báo đăng trên tạp chí BioScience, trong số 31 dấu hiệu biến đổi khí hậu ảnh hưởng đến "sự sống" của hành tinh, bao gồm cả phát thải khí nhà kính, sự tan chảy của các sông băng hay nạn phá rừng, có đến 18 biểu hiện đang đạt mức kỷ lục.

Đặc biệt là từ 2 năm trở lại đây, mặc dù lượng khí thải nhà kính giảm do đại dịch COVID-19 khiến các hoạt động kinh tế xã hội trên toàn cầu sụt giảm, nhưng nồng độ CO2 và khí mêtan quan sát được trong khí quyển chưa bao giờ cao đến thế.

Trong khi đó, các sông băng tan chảy nhanh hơn 31% so với 15 năm trước. Còn nạn phá rừng ở Amazon của Brazil cũng đạt mức cao kỷ lục vào năm 2020, khiến “bể chứa” carbon quan trọng này thành nơi chỉ toàn thải ra khí CO2.

Theo nghiên cứu, số lượng gia súc chăn nuôi trên toàn thế giới đã lên đến 4 tỷ con, trong đó phần lớn là bò và cừu, gần bằng một nửa dân số thế giới và động vật hoang dã cộng lại.

[Hơn 10.000 loài động thực vật tại Amazon có nguy cơ tuyệt chủng]

Giáo sư Tim Lenton, thuộc Đại học Exeter (Vương quốc Anh), đã kêu gọi : “Trước những bằng chứng cho thấy thế giới đang sắp chạm tới những điểm phá vỡ cân bằng về khí hậu, chúng ta cần phải hành động và hành động khẩn cấp để phát triển một nền kinh tế ít carbon hơn, bắt đầu phục hồi lại thiên nhiên, thay vì phá hủy nó.”

Những mối đe dọa không thể đảo ngược

Các tác giả tin rằng "ngày càng có nhiều bằng chứng cho thấy chúng ta đang tiếp cận rất gần, thậm chí vượt ngưỡng cho phép." Điều này có thể khiến khí hậu thay đổi mạnh mẽ mà không thể khắc phục được, ví dụ như sự tan chảy của các núi băng ở Greenland và Nam Cực.

Trong vài thế kỷ tới, hiện tượng này cũng sẽ vẫn tiếp diễn, ngay cả khi lượng khí thải CO2 có giảm. Sự nóng lên toàn cầu cũng sẽ tiếp tục tàn phá các rạn san hô, ảnh hưởng đến đời sống của hơn nửa tỷ người phụ thuộc vào hệ sinh thái này. Đây cũng là xu hướng tất yếu khó có thể cưỡng lại nếu chúng ta không có giải pháp gìn giữ ngay từ bây giờ.

Để hạn chế những xu hướng tiêu cực này, các tác giả kêu gọi hành động nhanh chóng và triệt để trong một số lĩnh vực, như loại bỏ nhiên liệu hóa thạch, giảm thiểu ô nhiễm môi trường, phục hồi hệ sinh thái, thay đổi thói quen ăn uống theo hướng hạn chế thịt và tăng cường chế độ ăn dựa trên thực vật, tránh xa mô hình tăng trưởng nóng và ổn định dân số thế giới.

Giáo sư William Ripple thuộc Đại học bang Oregon (Mỹ) khẳng định: "Không nên coi tình trạng khẩn cấp về khí hậu như một vấn đề độc lập và sự ấm lên của Trái Đất không phải là yếu tố duy nhất ảnh hưởng đến cuộc sống của chúng ta.”

Theo ông, cần có sự phối hợp toàn cầu để xây dựng các chính sách và việc chống lại cuộc khủng hoảng khí hậu cần phải giải quyết tận gốc, đó là sự khai thác quá mức của con người đối với Trái Đất.

Trên cơ sở những số liệu phân tích đa dạng chứng tỏ sự suy yếu của hành tinh, các nhà khoa học đã tái khẳng định tuyên bố khẩn cấp về khí hậu và một lần nữa kêu gọi sự thay đổi mạnh mẽ, đặc biệt là về thái độ và nhận thức của các quốc gia, điều cần thiết hơn bao giờ hết để bảo vệ sự sống trên Trái Đất và duy trì các giới hạn ở mức cho phép.

"Nhanh chóng thay đổi là điều cần thiết và các chính sách khí hậu mới nên nằm trong kế hoạch khôi phục COVID-19. Hơn bao giờ hết, chúng ta phải cùng nhau tham gia trong một cộng đồng toàn cầu, cùng có ý thức chung về tính cấp thiết, hợp tác và bình đẳng." Đó là thông điệp mà các nhà khoa học đưa ra trong kết luận của bài báo./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục