Các mạng di động lớn là Viettel và MobiFone đã chính thức gửi tới người dùng thông báo tăng giá cước 3G trong ngày 12/10. Trong tin nhắn gửi đến các thuê bao của mình, Viettel và MobiFone cho hay kể từ ngày 16/10, nhà mạng này sẽ điều chỉnh cước các gói cước 3G dành cho điện thoại di động (Mobile Internet) và USB 3G (Dcom của Viettel, Fast Connect của MobiFone). Ví dụ, khách hàng sử dụng gói MIMAX của Viettel sẽ phải trả 70.000 đồng/tháng thuê bao và được hưởng 600MB truy cập tốc độ cao (trước đó, gói MIMAX được áp dụng với thuê bao 50.000 đồng/tháng, được sử dụng 500MB tốc độ cao). Khi hết dung lượng này người tiêu dùng sẽ được truy cập với lưu lượng thấp hơn. Hoặc, khách hàng sử dụng gói MIU của MobiFone nếu trước kia phải trả 50.000 đồng/tháng để sử dụng 600MB dung lượng tốc độ cao, sau đó sẽ được sử dụng miễn phí tốc độ thấp hơn thì nay thuê bao sẽ phải phải trả 70.000 đồng/tháng để được hưởng 600MB tốc độ cao. Nguồn tin từ hai nhà mạng cho phóng viên Vietnam+ hay, giá các gói cước này được tính toán tăng khoảng gần 20% so với trước đó. Và việc này đã được sự chấp thuận của Cục Viễn thông (Bộ Thông tin và Truyền thông). Chưa công bố mức giá tăng cụ thể, song nguồn tin của VinaPhone cũng cho biết mức tăng 3G cũng tương tự. Thời điểm tăng cũng là ngày 16/10. [Tìm nguyên nhân nhà mạng đề nghị tăng cước 3G]
Sau thời gian chuẩn bị, nhà mạng đã quyết định công bố giá cước 3G mới. (Nguồn: VMS)
Trên thực tế, việc tăng cước 3G không đem lại nhiều bất ngờ, khi mà các nhà mạng đã chuẩn bị kế hoạch này từ lâu và đã có phương án trình lên Bộ Thông tin và Truyền thông. Trong một lần trả lời phóng viên Vietnam+, lãnh đạo một nhà mạng khẳng định: Sở dĩ có giá cước như thời gian qua là do các nhà mạng muốn tạo thói quen cho người sử dụng nên đưa ra giá cước hấp dẫn. Song đến thời điểm hiện tại, họ phải tăng giá để tránh bù chéo từ dịch vụ khác. Thực tế, doanh thu từ dữ liệu 3G ở mức 5-10% doanh thu toàn mạng, trong khi đó, chi phí đầu tư cho mạng 3G rất lớn tới hàng tỷ USD. Đây đang là nghịch lý đối với việc cung cấp dịch vụ 3G. Cước rẻ khiến việc đầu tư vào cơ sở hạ tầng thấp, dẫn đến không thể đem dịch vụ tốt nhất tới khách hàng. Trả lời ICTNews mới đây, đại diện của Cục Viễn thông cũng khẳng định mức cước 3G của Việt Nam đang rất thấp với các nước trong khu vực và thế giới, thấp hơn giá thành. Bởi vậy, Bộ Thông tin và Truyền thông yêu cầu các mạng di động phải điều chỉnh giá cước 3G, không được bán dưới giá thành. Thậm chí, cho dù tăng 20% thì mức cước này vẫn thấp hơn trung bình so với 10 nước trong khu vực ASEAN. Về vấn đề này, anh Nguyễn Hoàng Hải, thuê bao của Viettel (Yết Kiêu, Hà Đông, Hà Nội) nhất trí với việc tăng cước 3G của các nhà mạng. Tuy nhiên, cũng như nhiều khách hàng, anh Hải kỳ vọng sau khi thu tiền từ khách hàng, nhà mạng sẽ nghiêm túc trong việc sử dụng tiền đó để đầu tư hạ tầng, nâng cấp dịch vụ 3G bởi bấy lâu này, tốc độ thực tế của dịch vụ này vẫn là một dấu hỏi lớn so với những gì nhà mạng quảng cáo. “Tôi nghĩ khách hàng không quá quan tâm tới việc tăng cước 3G, bởi ở các nước dịch vụ này cũng đang đắt hơn chúng ta. Song, việc tăng cước đồng nghĩa với việc phải tăng chất lượng dịch vụ, như những gì các nhà mạng quốc tế đối xử với khách hàng của họ,” anh Hải thẳng thắn. Cục Viễn thông cũng đã có văn bản yêu cầu các mạng di động cùng với việc tăng cước 3G thì phải công bố chất lượng dịch vụ 3G mà đã cam kết và phải đảm bảo chất lượng dịch vụ như đã cam kết cho khách hàng./.
Kỳ Dương (Vietnam+)