Nhật Bản ứng dụng robot vào quy trình kiểm tra chất lượng sản phẩm

Việc robot kiểm tra chất lượng sản phẩm chỉ mất khoảng 2 giây, tương đương thời gian kiểm tra của một nhân viên có trình độ chuyên môn cao và có khả năng kiểm tra khoảng 1.000 chiếc/ca.
Nhật Bản ứng dụng robot vào quy trình kiểm tra chất lượng sản phẩm ảnh 1Robot tham gia vào quy trình kiểm tra chất lượng sản phẩm. (Nguồn: Reuters)

Bên trong nhà máy chế tạo ôtô của công ty công nghiệp Musashi Seimitsu, phía Nam thành phố Toyota của Nhật Bản, một cánh tay robot đang gắp và quay một bánh răng, quét các chân răng dưới đèn để tìm lỗi bề mặt.

Việc kiểm tra chất lượng sản phẩm này chỉ mất khoảng 2 giây, tương đương thời gian kiểm tra của một nhân viên có trình độ chuyên môn cao và có khả năng kiểm tra khoảng 1.000 chiếc/ca.

Thực tế cho thấy đại dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19 đang buộc các nhà sản xuất “chuyển mình” để ứng dụng công nghệ vào cả những khâu sản xuất đòi hỏi kỹ thuật cao.

[Hàn Quốc ra mắt robot phục vụ đa chức năng đầu tiên trên thế giới]

Trên thế giới, nhiều nhà sản xuất lâu nay đã ứng dụng robot vào hoạt động sản xuất, chế tạo trong khi việc phát hiện những lỗi kỹ thuật chủ yếu vẫn do con người thực hiện.

Tuy nhiên, các nhà sản xuất đã buộc phải xem xét lại quy trình truyền thống này sau khi các biện pháp giãn cách xã hội được triển khai nhằm ngăn dịch bệnh COVID-19 lây lan.

Chính điều này đã thúc đẩy việc ứng dụng các robot cũng như nhiều công nghệ khác vào quy trình kiểm tra chất lượng sản phẩm.

Tại Nhật Bản, nhu cầu sử dụng robot trong lĩnh vực này giờ đây trở nên cấp thiết khi hàng thập kỷ qua, hãng sản xuất ôtô Toyota cũng như nhiều doanh nghiệp chế tạo áp dụng phương pháp “genchi genbutsu” (Đến tận nơi, xem tận mắt) - một trong những nguyên tắc cốt lõi trong Hệ thống sản xuất Toyota.

Quy trình này đòi hỏi các nhân viên liên tục giám sát mọi khía cạnh của dây chuyền sản xuất nhằm phát hiện những điều bất thường và việc kiểm tra chất lượng là một trong những nhiệm vụ cuối mà con người đảm nhiệm tại các nhà máy tự động.

Tập đoàn Toyota cũng khẳng định luôn tìm cách thức cải tiến quy trình sản xuất, bao gồm cả quy trình tự động hóa ở những khâu phù hợp.

Hãng sản xuất máy in Ricoh (Nhật Bản) cho biết các robot vốn đã đảm nhận phần lớn quy trình sản xuất trống và hộp mực tại một trong những nhà máy của hãng, nhưng kể từ tháng 4, các kỹ thuật viên có thể ngồi ở nhà mà vẫn giám sát được các thiết bị đang hoạt động tại nhà máy.

Công ty có kế hoạch đến tháng 3/2023 sẽ tự động hóa toàn bộ quy trình sản xuất tại nhà máy.

Tại Israel, doanh nhân Ran Poliakine đã ứng dụng các công nghệ quang học và trí tuệ nhân tạo (AI) mà ông từng dùng trong chẩn đoán y khoa vào dây chuyền sản xuất.

Ý tưởng của ông là “đào tạo” máy móc phát hiện sản phẩm chất lượng tốt, chứ không phải chất lượng kém.

Sau thành tựu phát triển này, công ty khởi nghiệp SixAI của ông Poliakine và công ty Musashi Seimitsu (Nhật Bản) đã thành lập một liên doanh phát triển và cho thuê các robot kiểm tra chất lượng. Đây là công ty đầu tiên được thành lập trong lĩnh vực này.

Theo ông Poliakine, nhu cầu tìm hiểu về lĩnh vực này của các hãng sản xuất ô tô, hãng cung cấp phụ tùng và nhiều doanh nghiệp khác tại Nhật Bản, Ấn Độ, Mỹ và châu Âu đã tăng gấp 4 lần kể từ tháng 3 khi dịch bệnh COVID-19 lây lan ra toàn cầu.

Từ trước năm 2020, nhà chế tạo phụ tùng ôtô Marelli (Italy), trước đây có tên là Calsonic Kansei, cũng đã bắt đầu sử dụng robot trang bị công nghệ AI để kiểm tra chất lượng tại một nhà máy ở Nhật Bản.

Tháng 7 vừa qua, đại diện Marelli cho biết công ty muốn AI đóng vai trò lớn hơn trong quy trình kiểm tra chất lượng vào những năm tới.

Dù vẫn cần đến trực tiếp nhà máy để đánh giá và khắc phục những vấn đề phát sinh, nhưng con người giờ đây có thể xác định cũng như xác nhận lỗi sản phẩm khi làm việc tại nhà.

Giới chuyên gia cho rằng AI có vai trò bổ sung và hỗ trợ, chứ không phải đe dọa đến hệ thống “genchi genbutsu.”

Các nhà sản xuất hy vọng trong thời gian tới, AI được nâng cấp để hiểu được lỗi kỹ thuật xảy ra như thế nào và vì sao, từ đó giúp con người liên tục cải tiến sản xuất - đây cũng chính là một mục tiêu của phương pháp "genchi genbutsu"./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục