Hàng loạt các dự án quan trọng quốc gia, trọng điểm ngành giao thông vận tải vẫn đang gặp vướng mắc về giải phóng mặt bằng và nguồn cung vật liệu. Do vậy, các tỉnh, thành và bộ ngành liên quan sớm phối hợp để tháo gỡ những khó khăn hiện hữu này nhằm đẩy tiến độ thi công.
Điệp khúc chậm bàn giao mặt bằng
Báo cáo tình hình triển khai giải phóng mặt bằng phục vụ thi công các dự án quan trọng quốc gia, trọng điểm ngành giao thông vận tải, theo lãnh đạo Bộ Giao thông Vận tải, thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, các địa phương đang huy động cả hệ thống chính trị vào cuộc tích cực triển khai công tác giải phóng mặt bằng, kết quả có nhiều chuyển biến.
Tuy nhiên, phía Bộ Giao thông Vận tải thừa nhận diện tích còn lại phần lớn là đất ở nên việc triển khai còn khó khăn, vướng mắc, chưa đạt được tiến độ đề ra.
Đơn cử như tỉnh Đồng Nai (Dự án thành phần 1 cao tốc Biên Hoà-Vũng Tàu mới bàn giao 24% diện tích mặt bằng; Dự án thành phần 2 mới bàn giao 32%). Thành phố Hồ Chí Minh (tỷ lệ mặt bằng bàn giao cho Dự án thành phần 3 Vành đai 3 mới đạt 40%). Tỉnh Khánh Hoà (Dự án thành phần 1 cao tốc Khánh Hoà-Buôn Ma Thuột mới được bàn giao 76% mặt bằng; Dự án thành phần 2 được bàn giao 77%). Tỉnh Tuyên Quang (tỷ lệ bàn giao mặt bằng thi công Dự án cao tốc Tuyên Quang mới đạt 70%). Thành phố Đà Nẵng (Dự án Hoà Liên-Tuý Loan mới bàn giao mặt bằng 73%).
Tỉnh Hưng Yên mới bàn giao 87% diện tích mặt bằng thi công Dự án Vành đai 4 Hà Nội. Tại tỉnh Kiên Giang, mặt bằng bàn giao cho nhà thầu thi công Dự án đường Hồ Chí Minh đoạn Rạch Sỏi-Bến Nhất, Gò Quao-Vĩnh Thuận mới đạt hơn 18%.
Thủ tướng: Thi đua đạt mục tiêu 3.000km đường bộ cao tốc trước ngày 31/12/2025
Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các đại biểu dự Phiên họp tập trung rà soát tình hình triển khai các dự án, kiểm điểm việc tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện các dự án.
Đối với công tác di dời hạ tầng kỹ thuật, các chủ đầu tư, đơn vị thuộc Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) đã nỗ lực triển khai di dời đường điện cao thế nhưng tiến độ tại một số đoạn còn chậm, có nguy cơ ảnh hưởng đến tiến độ dự án.
Một số địa phương còn chậm di dời đường điện cao thế (110kV/220kV/500kV) tại cao tốc Bắc-Nam phía Đông giai đoạn 2021-2025 như Hà Tĩnh (còn 13/15 vị trí), Phú Yên (còn 66/82 vị trí), Khánh Hoà (còn 19/20 vị trí), Hậu Giang (còn 6/7 vị trí).
Ngoài ra, một số hạ tầng kỹ thuật của nhà máy điện mặt trời mái nhà tại tỉnh Khánh Hoà chưa thực hiện di dời phục vụ giải phóng mặt bằng Dự án cao tốc đoạn Vân Phong-Nha Trang do gặp vướng mắc liên quan đến các quy định của hợp đồng mua bán điện.
Để các dự án có thể đáp ứng đúng kế hoạch đề ra, Bộ Giao thông Vận tải đề nghị các địa phương dồn lực tiếp tục đẩy nhanh tiến độ, hoàn thành dứt điểm công tác giải phóng mặt bằng các dự án trọng điểm, nhất là các địa phương gồm Đồng Nai, Khánh Hoà, Đắk Lắk, Tuyên Quang, Quảng Bình, Quảng Trị, Đà Nẵng, Hưng Yên, Kiên Giang.
Các tỉnh Hà Tĩnh, Quảng Bình, Bình Định, Khánh Hoà cần khẩn trương thực hiện chuyển mục đích sử dụng rừng tại Dự án cao tốc Bắc-Nam phía Đông giai đoạn 2021-2025, bảo đảm bàn giao mặt bằng trước ngày 30/6/2024.
Thiếu vật liệu làm chậm tiến độ thi công
Về tình hình cung ứng vật liệu thi công các công trình, dự án quan trọng quốc gia, trọng điểm ngành giao thông vận tải, lãnh đạo Bộ Giao thông Vận tải cho biết, thời điểm hiện tại, nguồn vật liệu cung cấp cho các dự án khu vực Bắc Bộ và Trung Bộ đã cơ bản đáp ứng nhu cầu thi công.
Tại khu vực phía Nam, khó khăn về nguồn vật liệu đất đắp đang là một trong những nguyên nhân khiến nhiều dự án chưa đạt được tiến độ thi công như kỳ vọng. Điển hình, trong 3 dự án cao tốc trục Đông-Tây và 2 đường vành đai do 14 địa phương làm cơ quan chủ quản, chỉ có các tỉnh, thành: Thành phố Hồ Chí Minh, Hà Nội, Hưng Yên, Long An, Bình Dương, Bà Rịa-Vũng Tàu, An Giang có khối lượng thi công đáp ứng yêu cầu.
“Đặc biệt, khó khăn về nguồn vật liệu đắp cũng khiến Dự án cao tốc Bắc-Nam đoạn Cần Thơ-Cà Mau bị chậm tiến độ so với kế hoạch đề ra như đoạn Cần Thơ-Hậu Giang chậm 9%, đoạn Hậu Giang-Cà Mau chậm 7,6%,” phía Bộ Giao thông Vận tải thông tin thêm.
Còn thiếu 26 triệu m3 cát đắp nền đường cho các dự án cao tốc phía Nam
Hàng loạt các dự án thành phần cao tốc trong khu vực phía Nam vẫn đang thiếu hụt nguồn cung cát đắp nền đường và cần thiết sớm bổ sung để thi công hoàn thành công trình theo đúng tiến độ.
Tháo gỡ khó khăn hiện hữu, Bộ Giao thông Vận tải đề nghị tỉnh Vĩnh Long phối hợp với chủ đầu tư, nhà thầu tiếp tục vận động người dân, có các biện pháp quyết liệt giải quyết dứt điểm tình trạng cản trở việc khai thác đối với 2 mỏ cát trên địa bàn tỉnh trước ngày 20/6. Tỉnh Sóc Trăng cần khẩn trương hoàn thành thủ tục cấp bản xác nhận khai thác cát biển và cát sông để các nhà thầu có thể bắt tay vào khai thác. Tỉnh Đồng Tháp, An Giang đẩy tiến độ phê duyệt nâng công suất khai thác mỏ đối với các trường hợp đã đủ điều kiện, thủ tục.
Bên cạnh đó, Bộ Giao thông Vận tải đề nghị hai địa phương tỉnh Tiền Giang, trữ lượng các mỏ cát còn khoảng gần 42 triệu m3, tỉnh Bến Tre còn khoảng hơn 25 triệu m3, ưu tiên toàn bộ trữ lượng này để cấp cho các dự án trọng điểm.
Bộ Giao thông Vận tải đề nghị hai tỉnh cần nhanh chóng hoàn thiện các thủ tục liên quan để tiếp tục khai thác các mỏ đã dừng nhưng còn trữ lượng; giao mỏ cho các nhà thầu khai thác theo cơ chế đặc thù; hoàn thành toàn bộ các thủ tục để khai thác trong tháng 6/2024.
Các tỉnh, thành phố: Thành phố Hồ Chí Minh, Cần Thơ, Hậu Giang chỉ đạo các chủ đầu tư, nhà thầu khẩn trương làm việc với các sở, ngành, các cấp chính quyền của tỉnh Tiền Giang, Bến Tre triển khai các thủ tục khai thác mỏ vật liệu, bảo đảm cung ứng đủ khối lượng và công suất khai thác.
Địa phương được giao làm cơ quan chủ quản các dự án cần chủ động trong việc tìm kiếm, xác định nguồn vật liệu, phối hợp với cơ quan liên quan có mỏ vật liệu để hoàn thiện các thủ tục cấp mỏ, đảm bảo nguồn vật liệu đắp, đáp ứng tiến độ các dự án./.