Lần đầu tiên trong gần 8 năm qua, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) đã tăng lãi suất. Bước đi này đã được dự báo trong bối cảnh nền kinh tế số một thế giới đã đón nhận nhiều tín hiệu khởi sắc trong hầu hết các lĩnh vực chủ chốt từ công nghiệp, nhà đất, chế tạo cho tới dịch vụ...
Tuy nhiên, giới phân tích nhận định đây là quyết định không dễ dàng đối với ngân hàng trung ương Mỹ vì những tác động ngược chiều với bản thân nước Mỹ cũng như những áp lực đối với các nền kinh tế mới nổi.
Theo các chuyên gia, dù đã có thời gian chuẩn bị để “làm quen” với mức lãi suất mới, người dân và các công ty Mỹ cũng sẽ không thể tránh khỏi những tác động. Trước tiên, việc nâng lãi suất liên ngân hàng sẽ khiến khách hàng phải chịu những mức lãi suất cao hơn khi đi vay tiền; đồng USD tăng giá ảnh hưởng đến hoạt động xuất khẩu hàng hóa; tiền có xu hướng rút khỏi thị trường cổ phiếu để đổ vào trái phiếu.
Ngoài ra, lãi suất tăng cũng sẽ ảnh hưởng tới người tiêu dùng theo nhiều cách khác nhau. Việc người dân vay tiền để mua ôtô, thanh toán thẻ tín dụng hay mua nhà có thế chấp sẽ trở nên tốn kém hơn, do đó nhiều khả năng doanh số bán những mặt hàng như ôtô, nhà ở sẽ giảm.
Hệ quả là các công ty giảm bớt hoạt động đầu tư và tuyển dụng lao động, khiến sức ép tăng lương giảm, tỷ lệ thất nghiệp tăng và dẫn đến chi tiêu tiêu dùng sụt giảm. Những ảnh hưởng này có nguy cơ kìm hãm hoạt động của nền kinh tế đầu tàu thế giới.
Việc Fed nâng lãi suất cũng gây áp lực đối với một số quốc gia trên thế giới, đặc biệt là những nền kinh tế đang phát triển và mới nổi.
Chuyên gia Christine Rifflart của Viện Nghiên cứu Pháp OFCE nhận định các nền kinh tế đang nổi đã vận hành rất tốt khi Fed vẫn giữ chính sách tiền tệ “nới lỏng” song với việc thay đổi lãi suất lần này, nhiều trong số các nền kinh tế, hiện đang vật lộn với tốc độ tăng trưởng trì trệ, sẽ có lý do phải lo lắng. Khi lãi suất tại Mỹ tăng thì chi phí vay mượn bằng đồng USD sẽ tăng lên và gây khó khăn cho chính phủ cũng như doanh nghiệp các nước có xu hướng vay mượn nhiều bằng đồng tiền này.
Những nền kinh tế mới nổi cũng sẽ đối mặt với nguy cơ "chảy máu" vốn bởi những nước này có thể sẽ phản ứng bằng cách tăng lãi suất trong nước vốn đã ở mức rất cao. Ngoài ra, các nước khai thác dầu mỏ - một mặt hàng được định giá bằng "đồng bạc xanh," vốn bị tổn hại bởi giá dầu thô sụt giảm xuống mức thấp nhất trong 7 năm qua, cũng phải đối phó với tác động từ việc Mỹ tăng lãi suất khiến đồng USD tăng giá.
Tuy nhiên, vẫn còn những ý kiến lạc quan hơn xung quanh động thái Fed tăng lãi suất. Các nhà phân tích nhận định mức tăng rất nhẹ trước mắt có lẽ sẽ không tác động nhiều đến người dân cũng như nền kinh tế Mỹ và vẫn giúp Mỹ đạt được mục tiêu là duy trì nền kinh tế tăng trưởng ở tốc độ bền vững, không gây lạm phát trên 2%.
Đối với các nền kinh tế mới nổi, tổ chức nghiên cứu Capital Economics cho rằng các thị trường này "được đánh giá cao về khả năng đối phó với việc Fed thắt chặt chính sách tiền tệ” bởi bằng chứng trước đây cho thấy “việc Mỹ chuẩn bị tăng lãi suất không kích động các nhà đầu tư rút vốn khỏi các nước này.”
Động thái điều chỉnh lãi suất lần này của Fed là tín hiệu mở đường cho những lần tăng lãi suất tiếp theo vào năm sau. Mặc dù Fed cam kết rằng việc nâng lãi suất sẽ được thực hiện từng bước nhằm tránh tác động tiêu cực, nhưng điều quan trọng là các nước cần sẵn sàng có những điều chỉnh của riêng mình nhằm thích ứng với những điều chỉnh đó./.