World Cup 2014 đã mang đến vô số bàn thắng đẹp mắt, những trận cầu nghẹt thở lẫn các kết quả đầy kinh ngạc. Trong bầu không khí đó, một chút gia vị của các vụ bê bối sân cỏ càng làm "đậm đà thêm" bữa tiệc bóng đá trên đất Brazil.
Vụ "cắn đối thủ" của tiền đạo Luis Suarez ở trận Uruguay gặp Italy là trường hợp mới nhất trong hàng loạt bê bối liên quan tới cầu thủ cũng như trọng tài trong lịch sử giải bóng đá lớn nhất hành tinh. Dưới đây là một số khoảnh khắc "điên rồ nhất" của World Cup trong 80 năm qua:
* Trận chiến Berne
Đội tuyển Brazil là tâm điểm của một vụ tranh cãi tai tiếng ở Thụy Sĩ năm 1954, khi trận tứ kết của họ với tuyển Hungary đã được lưu danh muôn thuở với cái tên “Trận chiến Berne”. Kết quả chiến thắng 4-2 cho đội bóng của châu Âu được ghi nhận là một trong những trận đấu “bẩn” nhất mọi thời đại. Cuộc đọ sức này bị xé nát bởi 3 chiếc thẻ đỏ cùng hàng loạt vụ xô xát, đồng thời bị gián đoạn vài lần vì các quan chức và truyền thông Brazil tràn vào trong sân.
* Đêm đáng quên của Schumacher
Thủ thành Harald “Toni” Schumacher của Tây Đức đã kịp ghi tên mình vào bản danh sách bạo lực World Cup trong trận đấu với Pháp ở giải năm 1982. Trong trận đó, “người gác đền” tóc xoăn của các nhà cựu vô địch đã trở thành nhân vật đáng ghét nhất với người Pháp. Phút 58 của trận bán kết, khi tỷ số là 1-1, tuyển thủ Patrick Battiston của Pháp có cơ hội sút bóng, thì ngay lập tức chỉ kịp nhận ra rằng Schumacher đã lao đến và nện vào đầu anh một cú cùi chỏ sấm sét. Battiston bất tỉnh, gãy răng và tổn thương cột sống, còn Schumacher còn không phải dính chiếc thẻ phạt nào. Đáng ngạc nhiên hơn, trọng tài còn không cho Pháp hưởng một quả đá phạt.
* “Bàn tay của Chúa”
Tất cả những gì tinh túy nhất của World Cup 1986 đều thuộc về Diego Maradona. Nhưng mặt trái của con người ông cũng bộc lộ rõ nét trong trận tứ kết mà Argentina giáp mặt với đội tuyển Anh. “Cú đấm bóng” vào lưới đội tuyển Anh của Maradona mở tỷ số cho các “vũ công Tango” trước nỗi uất hận của người Anh. Thiên tài này còn đổ thêm dầu vào lửa khi nói rằng bàn thắng là hợp lệ và nó được ghi “một phần bởi cái đầu của Maradona và một phần bởi bàn tay của Chúa”. Cách nói đó sau này đã trở thành huyền thoại.
* Cú "Thiết đầu công" của Zidane
Zinedine Zidane luôn được coi là hình mẫu lý tưởng của người Pháp. World Cup 2006 dường như là một dịp tuyệt vời để hình mẫu đó tỏa sáng lần cuối cùng trước khi giã từ trái bóng tròn. Nhưng sự nghiệp của anh lại kết thúc với một vết nhơ khó rửa. Thể hiện phong độ cao khi sút tung lưới Italy ngay đầu trận chung kết, nhưng tới cuối trận, “Zizou” đã tung một cú “thiết đầu công” vào ngực hậu vệ Marco Materazzi và phải nhận thẻ đỏ trực tiếp. Sau này, đội trưởng tuyển Pháp tiết lộ rằng hành vi đó xuất phát từ những lời lẽ xúc phạm của Materazzi dành cho chị gái anh.
* Rijkaard nhổ nước bọt vào Voller
Những cuộc thư hùng trên sân bóng giữa Hà Lan và Đức luôn mang đầy kịch tính. Trận đấu ở vòng 1/8 World Cup 1990 cũng không phải ngoại lệ. Ngôi sao xuất chúng Frank Rijkaard của Hà Lan bỗng đánh mất sự bình tĩnh khi nhận thẻ vàng sau pha phạm lỗi với Rudi Voller. Không những thế, anh còn phản ứng bằng một tràng nước bọt vào sau đầu tiền đạo người Đức.
* Sự thiên vị trắng trợn cho Hàn Quốc
Màn thể hiện của trọng tài người Ecuador Byron Moreno trong trận đấu Italy-Hàn Quốc ở giải năm 2002 chính là chủ đề của hàng nghìn thuyết âm mưu. Ngày hôm đó, ông đã ra một loạt quyết định thiên vị có lợi cho đội đồng chủ nhà Hàn Quốc. Ban đầu, ông trao cho các “Những Chiến binh Taeguk” một quả penalty gây tranh cãi, đồng thời đuổi Francesco Totti của Italy ra khỏi sân. Sau đó ông lại phủi tay từ chối “bàn thắng vàng” trong hiệp phụ của Damiano Tommasi. Cuối cùng, Italy thua 1-2 và bị loại trong tâm trạng tức tưởi.
* Bàn thắng “ma”
Từ lâu trước khi công nghệ vạch cầu môn và quay chậm ra đời, người ta đã chứng kiến tranh cãi về một bàn thắng không rõ ràng. Trận chung kết lịch sử năm 1966 giữa Anh và Đức chính là trường hợp đó. Trong hiệp phụ, Geoff Hurst của đội tuyển Anh đã tung một cú sút đưa bóng dội xà ngang rồi chạm đất ở bên ngoài khung thành. Nhưng trọng tài biên người Liên Xô cũ lại không nghĩ vậy và công nhận bàn thắng cho đội chủ nhà. Người Anh sau cùng giành chiến thắng chung cuộc 4-2 và lên ngôi vô địch, còn người Đức thì không bao giờ tha thứ cho vị trọng tài đó.
* Maradona và vụ bê bối doping
Sau khi đã chịu án cấm thi đấu vì sử dụng cocain tại World Cup 1990, Maradona vẫn “chứng nào tật nấy”. Ở Mỹ năm 1994, ông không vượt qua được bài kiểm tra doping cho 5 chất cấm khác nhau và bị đuổi khỏi giải. Ông được cho là đã nói với truyền hình Argentina rằng người ta đã buộc ông phải giải nghệ.
* Nghi án dàn xếp tỷ số
Đã từng có nhiều nghi ngờ về cách thi đấu không trung thực của các cầu thủ, nhưng chưa bao giờ người ta lại thấy một trận đấu “có mùi” đến thế như khi Tây Đức gặp Áo ở Espana 1982. Biết rằng “Cáo sa mạc” Algeria đã thi đấu với Chile ngày hôm trước, Đức chỉ cần thắng 1-0 hoặc 2-0 là hai đội sẽ dắt tay nhau đi tiếp vào vòng trong, còn Algeria sẽ bị loại. Và trận đấu diễn ra như một kịch bản đã soạn sẵn.
Chỉ sau 10 phút, người Đức vươn lên dẫn trước. 80 phút sau đó, hai người láng giềng chuyền ban qua lại chỉ để chờ trọng tài nổi còi kết thúc trận. Các cổ động viên Algeria tức giận đến nỗi đã ném tiền về phía cầu thủ hai đội bóng châu Âu. Chính vì bê bối này, từ năm 1986 FIFA đã sắp xếp các trận đấu cuối vòng bảng thi đấu cùng giờ./.