Những kẻ phá rừng gỗ nghiến chưa bị xử lý

Sau khi Thông tấn xã Việt Nam (TTXVN), báo Vietnam+ và báo Tin Tức của TTXVN có một loạt tin, bài, ảnh về vụ phá rừng gỗ nghiến Hảo Nghĩa, huyện Na Rì, tỉnh Bắc Kạn, vụ việc được dư luận xã hội rất quan tâm.

Sau khi Thông tấn xã Việt Nam (TTXVN), báo Vietnam+ và báo Tin Tức của TTXVN có một loạt tin, bài, ảnh về vụ phá rừng  gỗ nghiến Hảo Nghĩa, huyện Na Rì, tỉnh Bắc Kạn, vụ việc được dư luận xã hội rất quan tâm.

Dư luận đang đặt câu hỏi, chưa biết đến bao giờ, các cơ quan chức năng tỉnh Bắc Kạn mới thực sự vào cuộc điều tra để đưa những kẻ phá rừng ra ánh sáng và xử lý nghiêm theo pháp luật.

Ông Nông Văn Tuyên, Bí thư Đảng ủy xã Hảo Nghĩa, bức xúc nói để xảy ra tình trạng phá rừng, có một phần trách nhiệm của địa phương. Tuy nhiên, đây là vụ phá rừng đặc biệt nghiêm trọng, hơn nữa, Hảo Nghĩa là xã đầu tiên thực hiện thí điểm khai thác tận thu gỗ nghiến, do vậy, xã mong muốn các cơ quan chức năng điều tra làm rõ đối tượng đã chặt hạ những cây nghiến hàng trăm năm tuổi để có hình thức xử lý nghiêm minh theo pháp luật. Riêng về phía địa phương, sai đến đâu xã sẽ chịu trách nhiệm đến đó.

Bà Nông Thị Bích, Bí thư Chi bộ thôn Khuổi A, xã Hảo Nghĩa bất bình nói trong quá trình đi tuần rừng theo dự án 661, ngày 25/12/2008, tại khu vực rừng nghiến Phja Khao, thôn Khuổi A, tổ tuần tra rừng của thôn đã phát hiện 20 cây nghiến bị chặt hạ trái phép. Tiếp đó, ngày 3/2, tại khu vực Phja Cải (giáp khu Phja Khao), tổ tuần tra lại tiếp tục phát hiện thêm 9 cây nghiến mới bị chặt hạ. Sau đó, tổ tuần tra đã lập biên bản báo cáo ủy ban nhân dân xã và các cơ quan chức năng, song vụ việc đã bị "chìm xuồng" một cách khó hiểu.

Để ngăn chặn nạn phá rừng, bà Bích mong các cơ quan chức năng sớm vào cuộc điều tra làm rõ, xử lý nghiêm những kẻ phá rừng và những người đã tiếp tay cho lâm tặc. Có như vậy, rừng nghiến Hảo Nghĩa mới được bình yên.

Cũng theo bà Bích, nạn phá rừng nghiến Hảo Nghĩa diễn ra âm ỉ từ lâu, nhưng chỉ bùng phát mạnh sau khi Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Bắc Kạn cấp giấy phép tận thu thí điểm số gỗ nằm cho Công ty trách nhiệm hữu hạn đầu tư phát triển lâm nông nghiệp Việt Nam thuộc Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam.

Ông Nông Công Học, 70 tuổi, dân tộc Nùng, Chủ tịch Hội người cao tuổi xã Hảo Nghĩa bày tỏ rừng do dân giữ, vậy mà khi tận thu tỉnh Bắc Kạn lại để cho Hiệp hội gỗ ở tận Hà Nội về tận thu. Trong khi đó, dân muốn xin tận thu ít gỗ nghiến đổ nằm trên rừng về để dựng nhà, lãnh đạo xã trả lời, phải được sự đồng ý của Chính phủ. Việc này khác nào đánh đố người dân, nay rừng bị chặt phá tan hoang, dân đâu được hưởng lợi?

Còn anh Nông Văn Mạnh, thôn Khuổi A, xã Hảo Nghĩa, kể dân ở xã nhiều khi vào rừng chặt mấy cành cây về làm củi đun cũng bị cán bộ từ xã đến huyện dọa lập biên bản để xử lý, nhưng hiện nay, rừng bị phá tan hoang, vẫn chưa thấy ai bị xử lý./.

(Tin tức/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục