Những rủi ro từ chính sách 'bên miệng hố chiến tranh' của Iran

Theo chuyên gia, việc Iran tăng cường làm giàu urani là một nỗ lực nhằm “phát triển khả năng mặc cả” mà có thể sau này được sử dụng trong các cuộc đàm phán trực tiếp hoặc gián tiếp với Mỹ.
Những rủi ro từ chính sách 'bên miệng hố chiến tranh' của Iran ảnh 1 Kỹ thuật viên Iran làm việc tại nhà máy làm giàu urani ở Isfahan, tháng 11/2004. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Tuần báo The Arab Weekly số ra ngày 19/5 có đăng bài phân tích về những căng thẳng giữa Iran và Mỹ, trong đó cho rằng Tehran đang theo đuổi chính sách “bên miệng hố chiến tranh” với nhiều rủi ro, có thể dẫn tới một cuộc chiến tranh thực sự.

Theo The Arab Weekly, trong bối cảnh nền kinh tế Iran đang kiệt quệ do phải hứng chịu các lệnh trừng phạt của Mỹ, còn châu Âu đang giảm dần sự ủng hộ đối với Tehran, Iran đã chơi trò "bên miệng hố chiến tranh" ở Vùng Vịnh với rủi ro lớn.

Giới lãnh đạo ở Tehran vừa tuyên bố cứng rắn rằng Tehran sẽ đánh bại Washington, vừa nói rằng không bên nào muốn có chiến tranh ở khu vực. Một quan chức cấp cao Iran tuyên bố rằng Tehran đã sẵn sàng cho tất cả các kịch bản từ “đối đầu cho đến ngoại giao."

Tuy nhiên, những cuộc tấn công như những gì xảy ra nhằm vào 4 tàu chở dầu ở gần Fujairah (Các Tiểu vương quốc Arab Thống nhất - UAE) và các vụ tấn công bằng máy bay không người lái của lực lượng phiến quân Houthi - vốn được Iran hậu thuẫn - nhằm vào Saudi Arabia, có thể kích động một cuộc chiến.

Những mối nghi ngờ đang hướng về phía Iran và các lực lượng được Tehran ủy nhiệm ở khu vực.

Theo một số quan chức Mỹ yêu cầu giấu tên, các nhà điều tra đã được cử tới UAE để tiến hành điều tra những vụ tấn công các tàu ở ngoài khơi nước này, mà họ tin rằng là do các thợ lặn của quân đội Iran tiến hành.

Các cơ quan an ninh Mỹ cho rằng những lực lượng được ủy nhiệm vốn ủng hộ hoặc làm việc cho Iran có thể đứng đằng sau những vụ tấn công nêu trên.

Theo một số nguồn tin từ Chính phủ Mỹ, những thủ phạm gây ra những vụ tấn này có thể là lực lượng phiến quân Houthi ở Yemen và những chiến binh Hồi giáo dòng Shiite ở Iraq vốn được Iran “chống lưng," nhưng Washington cho hay họ chưa có chứng cứ rõ ràng để củng cố cho nhận định này.

Chuyên gia phân tích Ali Fathollah-Nejad nhận định rằng những vụ tấn công tàu chở dầu xảy ra mới đây có thể dính líu tới các nhóm có quan hệ với Các Lực lượng Vệ binh Cách mạng Hồi giáo Iran (IRGC), vốn muốn tình hình leo thang để phục vụ mục đích của riêng họ.

Fathollah-Nejad nêu rõ: “Chúng (những vụ tấn công) có thể là những hành động khiêu khích của những phần tử thân cận với IRGC nhằm gây ra một cuộc chiến với mục đích củng cố quyền lực của IRGC ở Iran đồng thời nhằm đảm bảo có được các phương tiện tài chính trong nhiều năm."

Trong khi đó, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng Saudi Arabia - Hoàng tử Khalid bin Salman - cho rằng vụ tấn công bằng máy bay không người lái nhằm vào hai trạm bơm dầu, thuộc tập đoàn dầu mỏ quốc doanh Aramco của nước này, tới tuyến đường ống Đông-Tây, là “do Chính quyền Tehran ra lệnh và lực lượng phiến quân Houthi thực hiện."

Còn Ali Shihabi, Giám đốc điều hành Quỹ Arab ở Washington, cho hay Riyadh nhiều khả năng sẽ phối hợp hành động với Washington.

Theo tuần báo trên, tờ Asharq al-Awsat của Saudi Arabia số ra mới đây dẫn một số nguồn thạo tin vùng Vịnh cho biết “một số nước ở vùng Vịnh, trong đó có Saudi Arabia, đã thông qua đề nghị của Washington nhằm tái triển khai các lực lượng Mỹ ở Vịnh Arập và các vùng lãnh thổ ở những nước này để ngăn chặn các cuộc tấn công của Iran trong khu vực."

Những biện pháp này được cho là nhằm bảo vệ nguồn cung năng lượng và không để Iran gây rối loạn giao thông hàng hải ở khu vực. Mỹ tiếp tục chuẩn bị cho một cuộc xung đột quân sự ở khu vực cho dù một số đồng minh của Washington bày tỏ nghi ngại về sự quả quyết của Mỹ rằng có một mối đe dọa trực tiếp từ các cuộc tấn công của Iran ở Trung Đông.

Theo truyền thông Mỹ, hiện có “cuộc đấu đá nội bộ” trong chính quyền Washington liên quan tới những phản ứng của Mỹ đối với Iran.

Chính quyền Trump đã ra lệnh cho tất cả các nhân viên không làm những nhiệm vụ khẩn cấp rời khỏi Đại sứ quán Mỹ ở Baghdad và Lãnh sự quán ở Erbil (Iraq) trong một động thái nhằm phản ứng trước việc quân đội Mỹ cho rằng những mối đe dọa sắp xảy ra đối với các lực lượng Mỹ ở Iraq.

Ngoài ra, Đức cũng đã đình chỉ chương trình huấn luyện quân sự ở quốc gia Trung Đông này.

Trong khi đó, một số chuyên gia cho rằng những vụ tấn công xảy ra hôm 12/5 vừa qua nhằm vào hai tàu chở dầu của Saudi Arabia, một của UAE và một của Na Uy ở gần Eo biển Hormuz thuộc Vịnh Arab, có thể do Iran “thiết kế” để thử thách quyết tâm của Mỹ và các đồng minh của Washington thuộc dòng Hồi giáo Sunni ở khu vực.

Chuyên gia Alex Vatanka - thành viên cấp cao của Viện Trung Đông ở Washington - cho rằng Iran có vẻ như đang cố gắng phát đi tín hiệu đến các đối thủ của mình rằng cái giá phải trả cho một cuộc đối đấu lớn là rất cao.

['Mỹ chỉ tìm cách ngăn chặn Iran chứ không khơi mào chiến tranh']

Vatanka nói: “Trong một môi trường mà căng thẳng khu vực đang gia tăng, các hoạt động có giới hạn của Iran nhằm vào UAE và Saudi Arabia có thể được toan tính nhằm phát đi tín hiệu rằng chiến tranh với Iran sẽ không chỉ giới hạn trên lãnh thổ Iran."

Tuy nhiên, theo Vatanka, không có bằng chứng rõ ràng về sự dính líu của Iran trong các vụ tấn công bằng máy bay không người lái ở Saudi Arabia.

Chỉ vài ngày trước khi xảy ra những vụ tấn công nhằm vào các tàu chở dầu trên, Iran đã thông báo rằng Tehran sẽ nối lại hoạt động làm giàu urani vượt quá những giới hạn của thỏa thuận hạt nhân ký năm 2015 nếu các nước châu Âu không đảm bảo những lợi ích cho Tehran, trong đó có việc duy trì hợp tác thương mại với Iran bất chấp các lệnh trừng phạt từ Washington, trong vòng 60 ngày.

Động thái trên của Iran đã vấp phải sự chỉ trích ở châu Âu trong bối cảnh sự ủng hộ của Liên minh châu Âu (EU) có ý nghĩa rất quan trọng đối với Tehran.

Chuyên gia phân tích Fathollah-Nejad chỉ rõ hành động đe dọa của Iran vi phạm những giới hạn của thỏa thuận hạt nhân mà Tehran đã ký kết với các cường quốc thế giới.

Theo Fathollah-Nejad, việc tăng cường làm giàu urani là một nỗ lực nhằm “phát triển khả năng mặc cả” mà có thể sau này được sử dụng trong các cuộc đàm phán trực tiếp hoặc gián tiếp với Mỹ.

Chuyên gia Fathollah-Nejad lưu ý rằng chiến lược đó của Iran là “hành động có nguy cơ gây ra thiệt hại lớn” về chính trị./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục