Những tín hiệu tích cực dành cho doanh nghiệp vật liệu xây dựng

Với việc Chính phủ sẽ triển khai các dự án giao thông trọng điểm mới trong nửa sau của năm 2023, nhu cầu vật liệu xây dựng được kỳ vọng sẽ có thể phục hồi nhẹ và được dẫn dắt bởi làn sóng đầu tư công.
Những tín hiệu tích cực dành cho doanh nghiệp vật liệu xây dựng ảnh 1Sản xuất vật liệu xây dựng. (Nguồn: TTXVN)

Doanh nghiệp vật liệu xây dựng đã và đang phải vật lộn với bộn bề khó khăn khi sức cầu vật liệu xây dựng giảm do chịu ảnh hưởng mạnh từ việc thị trường bất động sản suy yếu.

Nửa năm còn lại của năm 2023, giới phân tích kỳ vọng doanh nghiệp vật liệu xây dựng sẽ hồi phục nhờ việc đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công.

Chuyên gia phân tích Huỳnh Anh Huy, đến từ Công ty Trách nhiệm hữu hạn Chứng khoán ACB (ACBS), cho biết theo kế hoạch của Bộ Giao thông Vận tải, một số dự án đường cao tốc trọng điểm cũng như dự án đường Vành đai 3 sẽ được dự kiến đẩy mạnh triển khai trong cuối tháng Sáu, bên cạnh dự án đường cao tốc Bắc-Nam đang được gấp rút tiến hành.

Có tới 4 trong tổng số 5 dự án trọng điểm sẽ được triển khai trong khu vực phía Nam và kỳ vọng sẽ hỗ trợ cải thiện mạng lưới giao thông giữa các khu kinh tế lớn tại khu vực miền Nam.

Các dự án giao thông trọng điểm nửa sau 2023 gồm: đường Vành đai 3 Thành phố Hồ Chí Minh, kinh phí là 73.300 tỷ đồng; tuyến cao tốc Châu Đốc-Cần Thơ-Sóc Trăng (44.700 tỷ đồng); tuyến cao tốc Khánh Hòa-Buôn Ma Thuột (22.000 tỷ đồng); tuyến cao tốc Biên Hòa-Vũng Tàu (17.830 tỷ đồng); đường Vành đai 4 Hà Nội (85.800 tỷ đồng). Tổng mức đầu tư cho 5 dự án trên là hơn 240.000 tỷ đồng và sẽ được giải ngân dần đến năm 2025.

Thực tế, trong nửa đầu năm 2023, thị trường ngành vật liệu xây dựng đã chịu ảnh hưởng mạnh từ việc thị trường bất động sản suy yếu dẫn đến việc đình trệ trong thi công các dự án xây dựng nhà ở. Điều này đã khiến cho nhu cầu tiêu thụ vật liệu xây dựng giảm sút rõ rệt.

Tuy nhiên, với việc Chính phủ sẽ triển khai các dự án giao thông trọng điểm mới trong nửa sau của năm 2023, nhu cầu vật liệu xây dựng được kỳ vọng sẽ có thể phục hồi nhẹ và được dẫn dắt bởi làn sóng đầu tư công trong bối cảnh ngành bất động sản chưa có nhiều dấu hiệu hồi phục mạnh.

Với kỳ vọng tích cực về đầu tư công trong nửa sau của năm 2023, ACBS cũng đặt kỳ vọng vào sự hồi phục trong hoạt động kinh doanh của các doanh nghiệp vật liệu xây dựng.

Với việc cấu phần tiêu thụ vật liệu của các dự án cơ sở hạ tầng có khác biệt so với các dự án nhà ở, trong đó đá xây dựng, ximăng, nhựa đường chiếm tỷ trọng cao hơn, ACBS cũng kỳ vọng các doanh nghiệp ngành đá ở khu vực miền Nam như Công ty Cổ phần Khoáng sản và Xây dựng Bình Dương, Công ty Cổ phần Hóa An; doanh nghiệp ngành ximăng như Công ty cổ phần ximăng VICEM Hà Tiên và doanh nghiệp ngành nhựa đường là Tổng Công ty Hóa dầu Petrolimex-Công ty cổ phần sẽ được hưởng lợi từ xu hướng này.

Đồng quan điểm, Công ty Trách nhiệm hữu hạn Chứng khoán Ngân hàng Thương mại cổ phần Ngoại thương Việt Nam (VCBS) nhận định ngành vật liệu xây dựng, trong đó có đá xây dựng được hưởng lợi từ dự án xây dựng cơ sở hạ tầng.

Đối với chi phí xây dựng đường cao tốc, không tính chi phí bồi thường giải phóng mặt bằng thì bình quân chi phí đá chiếm tỷ trọng từ 30-35%/chi phí xây dựng, nhân công xấp xỉ 40% và nhựa đường khoảng 15%, còn lại là đất cát san lấp.

Theo VCBS, hiện nay Việt Nam có 22 cảng hàng không. Theo Luật Quy hoạch mới, Bộ Giao thông Vận tải đã xây dựng dự thảo Quy hoạch tổng thể phát triển cảng hàng không, sân bay toàn quốc đến 2030 tầm nhìn 2050.

Cụ thể, theo quy hoạch tổng thể đến 2030 dự kiến có thêm 6 cảng hàng không và đến 2050 có 31 cảng hàng không. VCBS cho biết 2 sân bay địa phương là Sân bay Biên Hòa (Đồng Nai) và Sân bay Thành Sơn (Ninh Thuận) được Bộ Giao thông Vận tải đề xuất quy hoạch thành cảng hàng không.

Trung bình ước tính 1m2 đường sân bay sẽ sử dụng khoảng 1m3 đá. Nhu cầu đá cho đầu tư công là rất lớn trong khi nguồn cung đá rất hạn chế; có đến 70% nhu cầu đá đến từ xây dựng các công trình hạ tầng.

Theo ước tính của Bộ Giao thông Vận tải, nhu cầu đá 2023-2025 khoảng 21,5 triệu m3, sân bay Long Thành giai đoạn 1 là hơn 2 triệu m3, Vành đai 3 khoảng 5,2 triệu m3...

Đầu tư công có thể là "phao cứu sinh" cho các doanh nghiệp vật liệu xây dựng nhưng thực tế, những khó khăn mà doanh nghiệp ngành này đối diện vẫn không hề nhỏ.

Theo thông tin từ Bộ Tài chính, ước thanh toán vốn đầu tư công từ đầu năm đến hết ngày 31/5/2023 là 157.095,4 tỷ đồng, chỉ đạt 20,8% kế hoạch (đạt 22,22% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao). Tỷ lệ giải ngân kế hoạch vốn 4 tháng và ước 5 tháng đầu năm 2023 thậm chí còn giảm nhẹ so với cùng kỳ năm 2022.

['Xanh hóa' sản xuất ngành xây dựng để giảm phát thải khí nhà kính]

Tại buổi tọa đàm "Thị trường vật liệu xây dựng: Những điểm nghẽn và giải pháp" diễn ra ngày 10/6 tại Hà Nội, lãnh đạo các hội, hiệp hội về vật liệu xây dựng cho rằng để giải quyết khó khăn, cần đẩy mạnh đầu tư công để đạt từ 95-100% của kế hoạch năm 2023.

Đồng thời, chú trọng khơi thông dòng vốn cho bất động sản, nhất là bất động sản công nghiệp, nhà ở và khẩn trương đơn giản thủ tục cho gói 120.000 tỷ đồng.

Lãnh đạo các hội, hiệp hội về vật liệu xây dựng cũng đề nghị sớm giảm thuế VAT 2% đến năm 2024; giảm thuế đất hết năm 2023 và cho nợ thuế đất hết năm 2024 cũng như hoàn thuế xuất nhập khẩu kịp thời.

Các chuyên gia cho rằng thị trường bất động sản đóng băng, doanh nghiệp thiếu vốn, dân thiếu việc làm, lãi suất ngân hàng cao, thuế cao so với điều kiện thực tế khiến thị trường vật liệu xây dựng hầu như ngưng trệ.

Nguyên Thứ trưởng Bộ Xây dựng, Chủ tịch Hiệp hội Bêtông Việt Nam Lê Quang Hùng, cho rằng với loại vật liệu để làm đắp đường (đất đắp, bêtông nhựa), nhu cầu luôn có nhưng không cung ứng kịp. Các sản phẩm bêtông ximăng thép cốt xây dựng, điểm nghẽn chính là tiêu thụ.

Do đó, theo ông Hùng, cần chiến lược mang tính vĩ mô, trong đó cần đẩy mạnh phát triển nhà ở xã hội vì đây là nhu cầu thật, cấp bách, từ đó, thúc đẩy thị trường bất động sản phát triển bền vững và hỗ trợ tiêu thụ vật liệu xây dựng./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục