Hơn 80% dân Syria sống dưới ngưỡng nghèo khổ vì nội chiến

Nội chiến khiến hơn 80% dân số Syria sống dưới ngưỡng nghèo khổ

Theo kết quả một nghiên cứu chung của Liên hợp quốc và Đại học Tổng hợp Saint Andrews, có tới 83,4% người dân Syria hiện sống dưới ngưỡng nghèo khổ so với chỉ 28% trước chiến tranh.
Nội chiến khiến hơn 80% dân số Syria sống dưới ngưỡng nghèo khổ ảnh 1Chuyển một em bé khỏi đống đổ nát sau vụ không kích ở thành phố Aleppo ngày 28/4. (Nguồn: AFP/TTXVN)

 Theo kết quả một nghiên cứu chung của Liên hợp quốc và Đại học Tổng hợp Saint Andrews vừa được công bố, hơn 80% dân số sống dưới ngưỡng nghèo khổ tại Syria, đất nước đã bị tàn phá bởi nội chiến từ 5 năm qua.

Theo kết quả trên, tình trạng đói nghèo đã bùng nổ bởi cuộc chiến đẫm máu làm hơn 270.000 người thiệt mạng. Có tới 83,4% người dân hiện sống dưới ngưỡng nghèo khổ so với chỉ 28% trước chiến tranh.

Đến cuối năm 2015, 13,5 triệu người trong đó có 6 triệu trẻ em cần viện trợ lương thực so với con số 1 triệu hồi tháng 6/2012. Trong số đó, có hơn 4 triệu người sống tại thủ đô Damascus và tại Aleppo, thành phố lớn thứ hai của Syria.

Ngoài ra, số người được đi học cũng giảm từ 95% xuống còn 75% do trường học bị phá hủy và thiếu giáo viên. Tổng số giáo viên cho cấp 1 cũng giảm 98,2% xuống còn 61,5% năm 2015.

Về y tế, bảng tổng kết còn thảm họa hơn. Trong số 493 bệnh viện còn tồn tại năm 2010, thì có 170 bệnh viện (34%) không còn hoạt động và 69 bệnh viện khác (14%) chỉ hoạt động một phần.

Mặt khác, các cuộc tấn công nhằm vào bác sỹ và dược sỹ đã buộc họ sống lưu vong ở nước ngoài. Trước đây, 661 người dân có 1 bác sỹ nay 1.442 người dân mới có 1 bác sỹ.

Tỷ lệ tử vong đã tăng từ 3,7% trong số 1.000 người năm 2010 lên 10% năm 2015 tại những tỉnh bị ảnh hưởng nặng nề của cuộc chiến như Aleppo, Deraa, Deir Ezzor, Idleb hay Damascus. Lượng nước sạch giảm từ 72m3/người năm 2010 xuống còn 48m/người năm 2015.

Kết quả nghiên cứu cũng cho thấy nền kinh tế Syria đã suy giảm 55% trong giai đoạn 2010-2015. Nhà ở và hạ tầng cơ sở bị phá hủy nặng nề, ước tính lên tới con số 90 tỷ USD (79 tỷ euro).

Đối với ngành nông nghiệp, kết quả còn khủng khiếp hơn. Trong giai đoạn 2010-2015, GDP nông nghiệp đã giảm 2/3 (60%) và diện tích đất trồng giảm 6 triệu ha xuống còn 3,6 triệu ha, dẫn tới giá hàng nông sản tăng mạnh. Giá bột mỳ và lúa mỳ đã tăng lần lượt là 388% và 723% so với thời điểm năm 2011./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục