Viện Nghiên cứu Tài chính công (IFS) dự đoán gánh nặng thuế của nước Anh sẽ tăng lên mức cao nhất trong 30 năm vào thời điểm diễn ra cuộc tổng tuyển cử năm 2020, trong bối cảnh chính phủ nước này đang cố cắt giảm các khoản vay mượn khi đất nước sắp ra khỏi Liên minh châu Âu (EU).
Giám đốc IFS Paul Johnson cho biết tài chính công trong vài năm tới có thể được xác định bởi các dự định cắt giảm chi tiêu đã được cựu Bộ trưởng Tài chính George Osborne thông báo trước đó trong lúc gánh nặng về thuế ở Xứ sở sương mù sẽ tiếp tục tăng.
Nước Anh vẫn là một trong số các nền kinh tế giàu có trên thế giới có mức thâm hụt ngân sách lớn nhất, với dự đoán sẽ tương đương 3,5% Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) trong tài khóa này.
Việc hạ thấp thâm hụt ngân sách sẽ khó khăn hơn bởi triển vọng kinh tế tăng trưởng chậm lại, khi nước Anh rời khỏi “mái nhà chung châu Âu.”
IFS đưa ra dự báo trên khi Bộ trưởng Tài chính Philip Hammond chuẩn bị công bố báo cáo thường niên đầy đủ đầu tiên về dự toán ngân sách của ông vào ngày 8/3 tới.
Hồi tháng 11/2016, trong tuyên bố đầu tiên về tài chính công kể từ khi nhậm chức Bộ trưởng Tài chính sau cuộc cuộc trưng cầu ý dân tại nước Anh, ông Hammond đã điều chỉnh và nâng dự báo về lượng tiền vay mượn và chính thức gạt bỏ mục tiêu đạt thặng dư ngân sách vào năm 2020 vốn do người tiền nhiệm Osborne đề ra.
Ông Hammond cũng đã thông báo các kế hoạch tăng đầu tư công mà theo IFS, có thể sẽ tăng lên mức cao lịch sử. Tuy nhiên, báo cáo của IFS chỉ ra rằng chi tiêu thực tế của các bộ, ngành thuộc Chính phủ nước Anh trong thời gian 2019-2020 sẽ thấp hơn 13% so với thời điểm đảng Bảo thủ của ông Hammond lên cầm quyền vào năm 2010./.