Nước canh tác gây ô nhiễm môi trường ĐBSCL

Các nguồn nước tiêu thoát từ ruộng lúa, kênh mương mới đào và nước thải từ nuôi trồng thủy sản đang là tác nhân chính gây ô nhiễm nguồn nước tại Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL).

Các nguồn nước tiêu thoát từ ruộng lúa, kênh mương mới đào và nước thải từ nuôi trồng thủy sản đang là tác nhân chính gây ô nhiễm nguồn nước tại Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL).

Kết quả khảo sát nước các sông, kênh, rạch tại nhiều tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long của Viện nghiên cứu hệ thống canh tác, Trường đại học Cần Thơ cho thấy chất lượng nước tiêu thoát từ nước canh tác vừa nêu rất thấp, ảnh hưởng không tốt với môi trường, sử dụng lâu dài có hại cho sức khỏe và gia súc, gia cầm.

Trong mẫu nước tồn lưu các chất gồm những ion gây chua như nhôm (Al), sắt (Fe), sulphate, phần thừa của phân hóa học, thuốc trừ sâu và thuốc diệt cỏ.

Điều này phù hợp với đánh giá của nhiều nhà khoa học thuộc Viện lúa Đồng bằng sông Cửu Long rằng 90% nông dân trong vùng sử dụng phân hóa học, thuốc bảo vệ thực vật tùy tiện, thường xuyên vượt mức cho phép.

Ngoài ra, nông dân thường đổ thuốc thừa xuống ruộng, ao hồ, sông rạch làm chất lượng nước thấp thêm.

Hậu quả dễ thấy nhất là lượng thủy sản trên đồng ruộng, sông rạch trong khu vực đã giảm mạnh. Nguồn tôm cá đồng tại nhiều vùng như Tứ giác Long Xuyên, bán đảo Cà Mau và Đồng Tháp Mười, đã cạn kiệt.

Sự phát triển mạnh mẽ của ngành nuôi thủy sản tại khu vực này, với gần 1 triệu ha mặt nước, cũng gây ô nhiễm môi trường nước với qui mô ngày càng lớn. Trong quá trình nuôi, người nuôi đã xả thẳng ra sông ngòi các loại nước thải, rác thải chứa phân của các loại thủy sản, thức ăn dư thừa bị thối rữa, chất tồn dư hóa chất, vôi, khoáng và khí thải.

Lượng cá tôm càng lớn và nuôi trồng với kỹ thuật càng cao, mật độ càng lớn (như nuôi theo hình thức thâm canh, công nghiệp) thì chất thải càng nhiều, nước thải, bùn chứa phân từ nơi nuôi xả ra sông rạch càng gây ô nhiễm cao.

Theo kết quả kiểm tra mẫu nước sông rạch ở nhiều tỉnh của Chi cục bảo vệ môi trường Tây Nam bộ, hầu hết các ao nuôi trồng thủy sản đều có tỷ lệ chất ô nhiễm hữu cơ và vô cơ vượt quá tiêu chuẩn cho phép, tác động bất lợi đến hệ sinh thái./.

(TTXVN)

Tin cùng chuyên mục