Pháp có thêm hai năm để giảm thâm hụt ngân sách về mức trần

Pháp sẽ phải trình bày kế hoạch cải cách với Brussels vào tháng 4/2015, để chứng tỏ khả năng thực thi mục tiêu giảm thâm hụt ngân sách xuống dưới 3% GDP.
Pháp có thêm hai năm để giảm thâm hụt ngân sách về mức trần ảnh 1Ảnh minh họa. (Nguồn: distinguishedseries.com)

Liên minh châu Âu (EU) vừa gia hạn thêm hai năm tới năm 2017 để Pháp giảm thâm hụt ngân sách về mức trần quy định của EU. Điều này đồng nghĩa với việc nền kinh tế lớn thứ hai Khu vực sử dụng đồng euro (Eurozone) tránh được án phạt vào thời điểm hiện nay sau khi đã không thể thực hiện được cam kết liên quan vào thời hạn chót.

EU cho biết Pháp sẽ phải trình bày kế hoạch cải cách với EU vào tháng 4 tới, để chứng tỏ khả năng thực thi mục tiêu giảm thâm hụt ngân sách của “đất nước hình lục lăng” xuống dưới 3% GDP theo quy định của EU.

Mặc dù Bộ trưởng Tài chính Pháp, Michel Sapin, đã cam kết Pháp sẽ thực hiện được mục tiêu cắt giảm thâm hụt ngân sách, song Brussels khẳng định sẽ không “dễ dãi” đối với Pháp, bất chấp quy mô của nền kinh tế nước này và án phạt vẫn đang “treo lơ lửng” nếu Paris tiếp tục khiến EU thất vọng.

Trước sức ép từ phía Brussels, hồi tháng 12/2014, Pháp đã điều chỉnh dự báo thâm hụt ngân sách trong năm 2015 từ mức tương đương 4,3% GDP xuống 4,1% GDP và trong năm 2016 là 3,6% GDP.

Hồi tháng 11/2014, EU đã gia hạn cho Pháp , Italy và Bỉ thêm ba tháng để đưa ra kế hoạch điều chỉnh thâm hụt ngân sách về dưới mức trần quy định. Về mặt lý thuyết, ba nước này sẽ chịu án phạt, nếu không thực thi được cam kết đã đề ra. Trong trường hợp một trong ba nước bị phạt, đây sẽ là quốc gia đầu tiên của khối đối mặt với tình thế này.

Tin tức cho hay ngày 25/2, EU cảnh báo nguy cơ mất cân bằng kinh tế vĩ mô ở Đức và vấn đề tài chính của Pháp. Phát biểu tại cuộc họp báo ở Brussels (Bỉ), Ủy viên châu Âu phụ trách kinh tế và các vấn đề tài chính Pierre Moscovici đã kêu gọi tăng cường hành động để đối phó với tình trạng mất cân bằng về tài chính ở một số nước thành viên EU, trong đó có Pháp. Theo ông Moscovici, các biện pháp cải cách do Pháp thực hiện đang đi đúng hướng nhưng chưa đủ để giải quyết các vấn đề hiện tại, đồng thời hy vọng Paris sẽ đề xuất một chương trình cải cách giàu tham vọng hơn vào tháng 4 tới.

Trong khi đó, Đức - nền kinh tế lớn nhất EU với tốc độ tăng trưởng kinh tế mạnh mẽ - cũng cần phải thay đổi cơ cấu kinh tế. Ông Moscovici nhấn mạnh bên cạnh lĩnh vực xuất khẩu đang phát triển mạnh, Berlin cần phải tăng cường hơn nữa trong vấn đề đầu tư công và tư nhân. Theo Uỷ viên châu Âu, Đức đang trong tình trạng mất cân bằng kinh tế vĩ mô, cần có các chính sách quyết liệt hơn.

Bên cạnh đó, EU cũng cảnh báo Bỉ, Hà Lan, Romania, Phần Lan, Thụy Điển và nước Anh cần thực hiện những biện pháp giám sát và có hành động giải quyết các vấn đề tài chính. Theo các quy định về tài chính của EU, mức nợ của quốc gia thành viên phải thấp hơn 60% Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) và thâm hụt ngân sách hàng năm không vượt quá mức 3% GDP./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục