Phiên họp thứ hai, Đoàn giám sát về phát triển năng lượng 2016-2021

Các thành viên đã thảo luận về kế hoạch, tiến độ triển khai các hoạt động của Đoàn giám sát; nội dung và kế hoạch giám sát tại các địa phương, bộ, ngành, các cơ quan trung ương; kiện toàn bộ máy.
Phiên họp thứ hai, Đoàn giám sát về phát triển năng lượng 2016-2021 ảnh 1Toàn cảnh Phiên họp thứ hai. (Nguồn: Cổng thông tin điện tử Quốc hội)

Ngày 14/3, tại Nhà Quốc hội, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải, Trưởng Đoàn giám sát "Việc thực hiện chính sách, pháp luật về phát triển năng lượng giai đoạn 2016-2021," đã chủ trì phiên họp thứ hai của Đoàn giám sát.

Báo cáo tại phiên họp, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội, Tổ trưởng Tổ giúp việc Đoàn giám sát Tạ Đình Thi cho biết từ sau phiên họp thứ nhất, Tổ giúp việc đã tham mưu, phục vụ Đoàn giám sát triển khai xây dựng, trình ban hành các văn bản; tổ chức hội thảo, lấy ý kiến chuyên gia trong quá trình hoàn thiện các đề cương báo cáo; tổ chức làm việc với các bộ, ngành có liên quan…

Trên cơ sở báo cáo của các địa phương, thông tin từ các hội thảo, tọa đàm, tài liệu liên quan khác, Tổ giúp việc đã chủ động phối hợp với các chuyên gia nghiên cứu xây dựng dự thảo sơ bộ Báo cáo về kết quả giám sát.

Dự kiến, trong thời gian tới, Tổ giúp việc sẽ xây dựng kế hoạch, nội dung làm việc giữa các đoàn công tác của Đoàn giám sát với các bộ, ngành, địa phương; xây dựng báo cáo kết quả của Đoàn giám sát, báo cáo tổng hợp các bộ, ngành, địa phương; bảo đảm các kế hoạch tổ chức một số hội nghị, hội thảo, các phiên họp của Đoàn giám sát…

[Đoàn giám sát của Quốc hội họp về 3 Chương trình mục tiêu quốc gia]

Tại phiên họp, các thành viên đã thảo luận, đóng góp ý kiến về kế hoạch, tiến độ triển khai các hoạt động của Đoàn giám sát; nội dung và kế hoạch giám sát tại các địa phương, bộ, ngành, các cơ quan trung ương; việc kiện toàn Tổ giúp việc...

Phát biểu chỉ đạo, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải cho biết để đạt được các mục tiêu về phát triển kinh tế xanh, bền vững, thích ứng với biến đổi khí hậu, Đảng, Nhà nước đã ban hành nhiều chủ trương, chính sách, pháp luật về phát triển năng lượng.

Ngành năng lượng đã có những bước phát triển vượt bậc trên nhiều mặt, góp phần quan trọng vào quá trình phát triển kinh tế-xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh, đời sống, sinh hoạt của người dân. Quy mô của các ngành điện, than, dầu khí đều được mở rộng, khả năng tự chủ của các ngành từng bước được nâng lên.

Tuy nhiên, Việt Nam đã và đang phải đối mặt không ít những khó khăn, thách thức trong lĩnh vực năng lượng. Đáng chú ý, hạn chế về nguồn cung năng lượng sơ cấp trong nước dẫn đến sự phụ thuộc ngày càng tăng vào nguồn nhiên liệu nhập khẩu, nhất là nhiên liệu cho phát điện, sẽ tác động lớn đến an ninh năng lượng quốc gia.

Tại Hội nghị lần thứ 26 các bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (COP 26), Việt Nam đã đưa ra cam kết chính trị mạnh mẽ, thể hiện quyết tâm ứng phó với biến đổi khí hậu, giảm phát thải, chuyển đổi sang nền kinh tế xanh, tuần hoàn; đồng thời, thể hiện sự tích cực, có trách nhiệm của Việt Nam trong những nỗ lực chung của cộng đồng quốc tế để giữ gìn, bảo vệ môi trường sống, bảo vệ trái đất.

Phiên họp thứ hai, Đoàn giám sát về phát triển năng lượng 2016-2021 ảnh 2Các thành viên Đoàn giám sát tham dự Phiên họp thứ 2. (Nguồn: Cổng thông tin điện tử Quốc hội)

Điều này đặt ra những thách thức mới, đòi hỏi cần có những nỗ lực, cố gắng vượt bậc và cách làm mới, giải pháp đột phá để vượt qua thách thức, thực hiện thành công các mục tiêu mà Bộ Chính trị đã đề ra. Đây cũng là mục tiêu của Đoàn giám sát chuyên đề về “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về phát triển năng lượng giai đoạn 2016-2021.”

Khẳng định hoạt động giám sát tối cao của Quốc hội đã có nhiều đổi mới mạnh mẽ và đạt được nhiều kết quả tích cực, tạo chuyển biến thực chất sau giám sát, Phó Chủ tịch Quốc hội yêu cầu Đoàn giám sát cần kế thừa, phát huy những bài học kinh nghiệm thành công quý báu của các Đoàn giám sát trước đó.

Theo đó, phương thức làm việc cần tiếp tục cải tiến, phạm vi giám sát không dàn trải, tập trung vào việc thực hiện chính sách, pháp luật về phát triển năng lượng giai đoạn 2016-2021; tăng cường kỷ luật, kỷ cương, vai trò của người đứng đầu... Bên cạnh đó, công tác truyền thông cần theo sát và gắn liền với cả quá trình giám sát.

Ghi nhận các ý kiến góp ý tâm huyết, thẳng thắn của thành viên Đoàn giám sát, Phó Chủ tịch Quốc hội đề nghị Tổ giúp việc khẩn trương nghiên cứu, hoàn thiện các nội dung, kế hoạch, đề cương phục vụ các hoạt động giám sát. Các tổ công tác cần chuẩn bị chu đáo, kỹ lưỡng các nội dung liên quan để Đoàn công tác làm việc hiệu quả, thực chất với các địa phương, bộ, ngành, tránh hình thức, lãng phí.

Nhấn mạnh từ nay cho tới khi trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội báo cáo giám sát, dự thảo Nghị quyết giám sát (tháng 9/2023), còn rất nhiều công việc quan trọng cần triển khai, Phó Chủ tịch Quốc hội đề nghị các thành viên dành thời gian cho các hoạt động của Đoàn giám sát, chủ động nghiên cứu thông tin, tài liệu, báo cáo và phát hiện, đề xuất những vấn đề cụ thể, trước hết là những nội dung theo phân công; sử dụng, phát huy tối đa bộ máy giúp việc của cơ quan, đơn vị mình nhằm góp phần đạt được mục đích, yêu cầu đề ra./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục