Sáng 15/2, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã đi thăm, chúc Tết cán bộ, công chức, viên chức Ngân hàng Nhà nước Việt Nam và Ngân hàng Chính sách xã hội.
Thăm, chúc Tết cán bộ lãnh đạo, công chức viên chức Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc biểu dương những thành tựu ngành ngân hàng đạt được trong năm 2015.
Phó Thủ tướng nhấn mạnh, đạt được những thành tích về kinh tế, xã hội trong năm 2015 có sự phấn đấu của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân, trong đó có sự đóng góp trực tiếp, to lớn của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, của các ngân hàng thương mại, cán bộ, công chức hệ thống ngân hàng. Chính sách tiền tệ đã phản ứng kịp thời, linh hoạt, góp phần quan trọng ổn định kinh tế vĩ mô.
Phó Thủ tướng cho rằng, tăng trưởng của Việt Nam 5 năm tới phải đạt tỷ lệ cao liên tục, bình quân từ 6,5-7% trong khi bối cảnh quốc tế có nhiều biến đổi, nhiều hiệp định thương mại được ký kết, đặt ra cho Việt Nam nhiều thời cơ lớn nhưng cũng đầy thách thức, đòi hỏi toàn ngành ngân hàng tiếp tục đóng góp vào sự ổn định kinh tế vĩ mô, tỷ giá, lãi suất, dự trữ ngoại hối phải tiếp tục được giữ vững, phản ứng chính sách kịp thời hơn.
Toàn ngành cần tiếp tục phát huy bài học quý báu trong chính sách quản lý tiền tệ năm qua, quản lý tốt hơn các ngân hàng thương mại, nhất là ngân hàng thương mại cổ phần, đóng góp vào sự ổn định của hệ thống, có giải pháp tăng dự trữ ngoại hối, tiếp tục giữ vững giá trị đồng Việt Nam.
Phó Thủ tướng đề nghị ngành tiếp tục chỉ đạo thực hiện tốt hơn nữa Đề án tái cơ cấu hệ thống ngân hàng, đặc biệt là ngân hàng thương mại, để hệ thống đó phát triển ổn định, bền vững, đóng góp vào sự ổn định của đất nước; tham mưu, đề xuất cho Đảng, Nhà nước các chính sách vĩ mô, chính sách tài khóa, tiền tệ để kinh tế vĩ mô ổn định, phát triển, trong đó nghiên cứu vấn đề lãi suất ở Việt Nam, tạo mọi điều kiện cho đất nước phát triển về nông nghiệp, xuất nhập khẩu, kinh tế tư nhân, đầu tư nước ngoài với những nguồn tín dụng lãi suất tốt.
Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Nguyễn Văn Bình khẳng định ngành ngân hàng sẽ tiếp tục nỗ lực hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ Đảng, Nhà nước giao phó, góp phần xứng đáng vào sự nghiệp phát triển kinh tế, xã hội của đất nước.
Thăm, chúc Tết Ngân hàng Chính sách xã hội, chúc sức khỏe, bình an tới cán bộ lãnh đạo và công chức, viên chức toàn hệ thống nhân dịp năm mới, Phó Thủ tướng ghi nhận những thành quả toàn diện, to lớn nhiều mặt của Ngân hàng Chính sách xã hội thời gian qua, với tốc độ tăng trưởng nhanh, nợ xấu, nợ quá hạn thấp, góp phần quan trọng trong sự nghiệp xóa đói, giảm nghèo.
Phó Thủ tướng nêu rõ, Ngân hàng Chính sách xã hội có vai trò quan trọng trong đời sống xã hội, góp phần bảo đảm an sinh xã hội của đất nước, nơi nào khó khăn, gian khổ đều có sự chung tay của Ngân hàng.
Trong đợt rét kỷ lục đầu năm 2016, chia sẻ thiệt hại với các hộ dân có trâu, bò bị chết rét, Ngân hàng Chính sách xã hội đã giãn nợ, giảm lãi suất cho vay, hỗ trợ các hộ vượt qua khó khăn.
Ngân hàng Chính sách xã hội có phương thức, cách làm tốt, dựa vào hệ thống chính trị từ Trung ương đến cơ sở để thực hiện nhiệm vụ, công khai, dân chủ, minh bạch, cải cách thủ tục thông thoáng, thuận lợi, gần dân, sát dân, do đó tín dụng người nghèo, tín dụng chính sách đã đi đến tận người dân, không để xảy ra thất thoát.
Phó Thủ tướng đề nghị Ngân hàng Chính sách xã hội tiếp tục đổi mới phương thức, cách làm, rà soát lại quy trình cho vay vốn, các hộ khó khăn do thiếu vốn làm ăn để có giải pháp cho vay kịp thời, hỗ trợ các hộ phát triển sản xuất với phương châm “trao cần câu chứ không cho con cá.”
Phó Thủ tướng đặc biệt nhấn mạnh, Ngân hàng Chính sách xã hội cần tăng cường kiểm tra, giám sát để tránh thất thoát, giảm nợ xấu, nợ quá hạn; tin tưởng ngân hàng sẽ tiếp tục đóng góp tích cực cho sự nghiệp xóa đói giảm nghèo, an sinh xã hội của đất nước.
Sau 13 năm hoạt động, Ngân hàng Chính sách xã hội đã cho vay trên 27,9 triệu lượt hộ nghèo và đối tượng chính sách, giúp gần 4 triệu hộ vượt qua ngưỡng nghèo; thu hút, tạo việc làm cho hơn 3 triệu lao động, hơn 3,4 triệu lượt học sinh, sinh viên có hoàn cảnh khó khăn được vay vốn học tập; xây dựng trên 7,6 triệu công trình nước sạch và vệ sinh môi trường ở nông thôn, gần 105 nghìn căn nhà cho hộ gia đình vượt lũ vùng Đồng bằng sông Cửu Long, gần 490 nghìn căn nhà cho hộ nghèo và các hộ gia đình chính sách; gần 107 nghìn lao động thuộc gia đình chính sách được vay vốn đi xuất khẩu lao động có thời hạn ở nước ngoài. Tín dụng chính sách đã góp phần đưa tỷ lệ hộ nghèo của cả nước từ 17% (năm 2001) xuống còn 4,5% vào cuối năm 2015.
Với mạng lưới hoạt động trải rộng toàn quốc và tổ chức giao dịch trực tiếp tại gần 11.000 điểm giao dịch xã, Ngân hàng Chính sách xã hội đã huy động được trên 146 nghìn tỷ đồng để cho vay với tổng dư nợ đến hết năm 2015 đạt gần 143 nghìn tỷ đồng, gần 7 triệu hộ nghèo, hộ cận nghèo và các đối tượng chính sách còn dư nợ. Chất lượng tín dụng không ngừng được cải thiện, nợ quá hạn, nợ khoanh chiếm 0,78%.
Ngân hàng Chính sách xã hội đã thiết lập được mô hình quản trị và điều hành tác nghiệp gọn nhẹ, hiệu lực, hiệu quả, phù hợp với điều kiện thực tiễn; đồng thời xây dựng, tổ chức thực hiện thành công phương thức quản lý vốn tín dụng chính sách thông qua hoạt động ủy thác cho Hội Phụ nữ, Hội Nông dân, Hội Cựu chiến binh và Đoàn thanh niên.
Việc ủy thác thông qua các tổ chức chính trị xã hội, dưới sự quản lý của cấp ủy, chính quyền các địa phương giúp cho vốn tín dụng chính sách đến đúng đối tượng thụ hưởng, chất lượng và hiệu quả tín dụng không ngừng được cải thiện, nâng cao.
Tín dụng chính sách đã góp phần tích cực trong việc thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia về giảm nghèo bền vững, bảo đảm an sinh xã hội, xây dựng nông thôn mới. Việc tổ chức giao dịch tại xã của Ngân hàng Chính sách xã hội đã tạo được hệ thống dịch vụ gần dân, thân thiện và có trách nhiệm, tiết kiệm chi phí giao dịch, đi lại cho người dân./.