Phong tục lễ chùa đầu năm của người Việt tại Đức

Mặc dù sống xa quê hương đã hàng chục năm, nhưng nhiều người Việt Nam tại Đức vẫn gìn giữ phong tục tập quán đi lễ chùa đầu năm.
Đi lễ chùa đầu năm từ lâu đã là một nét đẹp văn hóa truyền thống của người Việt Nam. Mặc dù sống xa quê hương đã hàng chục năm, nhưng nhiều người Việt ở Đức vẫn gìn giữ phong tục tập quán đáng quý đó.

Ngay trước thời điểm trời đất giao hòa chuyển sang những thời khắc đầu tiên của năm mới Quý Tỵ, hàng chục Phật tử cùng đông đảo bà con cộng đồng người Việt Nam ở thành phố Berlin và vùng lân cận đã tới chùa Phổ Đà, một ngôi chùa nằm cạnh Trung tâm Thương mại Thái Bình Dương do người Việt lập, để cùng đón giao thừa và tham dự lễ cầu an đầu năm mới.

Cùng với cha mẹ đến Chùa, các cháu bé được sinh ra tại Đức xúng xính trong tà áo dài dân tộc, áo the, khăn xếp để tham gia chương trình văn nghệ tiếng Việt; trong số đó có cả những cháu mang hai giòng máu Đức – Việt và những người Đức tới chùa với tấm lòng thành kính.

Thời khắc giao thừa, sư thầy Thích Pháp Nhẫn, người trông coi Phật sự tại chùa, cùng các Phật tử đã tới thắp hương trước tượng Quan thế âm và trước bàn thờ Phật. Các Phật tử cùng bà con cộng đồng đón chào khoảnh khắc giao thừa bằng màn múa lân rộn ràng cùng màn pháo hoa rực rỡ.

Sau khi đón giao thừa, sư thầy cùng Phật tử và bà con đã tham dự buổi lễ cầu an đầu năm mới. Nhân dịp này, sư thầy Thích Pháp Nhẫn đã giảng giải ý nghĩa của thời khắc giao thừa, truyền thống đón Tết Nguyên Đán của dân tộc, và khẳng định việc chùa Phổ Đà tổ chức cho bà con đón giao thừa và tham dự lễ cầu an đầu năm là nhằm mục đích giúp Phật tử và bà con luôn ấm lòng dù xa quê hương mỗi dịp Tết đến Xuân về, đồng thời giáo dục cho các cháu thế hệ trẻ biết và luôn nhớ về phong tục, tập quán của dân tộc.

Cùng với lời cầu chúc năm mới an lành, hạnh phúc, sư thầy đã trao phong bào lì xì may mắn cho tất cả mọi người tới dự lễ. Các cháu đã làm cho không khí đón Xuân thêm rộn ràng bằng chương trình văn nghệ Việt tự biên tự diễn...

Trước đó, để tạo không khí Tết cho bà con, Chùa đã tổ chức gói và nấu bánh chưng chay để phục vụ cộng đồng đón tết. Trên 700 chiếc bánh chưng đã được nấu để bán cho bà con đón Tết. Tất cả số tiền thu được đã giành để phục vụ các hoạt động đón năm mới cho bà con.

Không chỉ là điểm đến của Phật tử và bà con cộng đồng trong các dịp lễ, tết, Chùa Phổ Đà còn là nơi sinh hoạt tâm linh của bà con cộng đồng và là nơi hương khói cho những người Việt Nam không may gặp nạn ở nơi đất khách quê người./. 

Thanh Hải/Berlin (Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục