Phụ huynh phản ánh: 'Năng lực quản lý của Gateway không như kỳ vọng'

Một phụ huynh cho biết, ngay trong buổi học đầu tiên của con tại Trường Phổ thông liên cấp quốc tế Gateway, chị cũng từng hoảng hốt khi trường thông báo không thấy con đâu.
Trường phổ thông liên cấp quốc tế Gateway. (Ảnh: gateway.edu)
Trường phổ thông liên cấp quốc tế Gateway. (Ảnh: gateway.edu)

Sau vụ việc bé lớp 1 bị bỏ quên trên xe ôtô đưa đón của Trường Tiểu học Gateway dẫn đến tử vong diễn ra vào ngày hôm qua (6/8), nhiều phụ huynh có con theo học tại đây đã tỏ ra rất thất vọng. Họ cho rằng, riêng trong việc đưa đón các cháu, năng lực của giáo viên cũng như năng lực quản lý của trường là “có vấn đề.”

Phụ huynh hốt hoảng vì... không thấy con đâu

Chị Lê Thị Kim Cúc (Ô Chợ Dừa, Đống Đa, Hà Nội) chia sẻ: Ngay trong ngày đầu tiên con chị đi học, chị cũng được một phen tá hỏa khi vào 16 giờ chiều, chị bất ngờ nhận được thông tin từ Nhà trường về việc... không tìm thấy con đâu.

“Lúc đó, tôi rất hoảng và có hỏi cô giáo về quy trình đón các con từ trên lớp xuống xe buýt như thế nào thì có nhận được câu trả lời là vì đây là buổi đầu nên các con không biết đường,” chị Kim Cúc kể lại.

Chị Cúc cũng cho biết thêm, bản thân chị rất thất vọng vì quy trình đưa đón các con. “Đáng ra, giáo viên phải giao cho các cô phụ trách hướng dẫn các con vì các cháu còn rất nhỏ.”

Theo chị Cúc, công tác quản lý cũng như năng lực giáo viên của Gateway “có vấn đề”, trái ngược với vẻ hào nhoáng của cơ sở vật chất.

“Sau vụ việc của bé L.H.L, trước mắt tôi sẽ cho con nghỉ học ở nhà, kể cả không lấy lại được số tiền 167 triệu đồng học phí đã nộp,” chị Cúc thành thật.

Cũng tỏ ra thất vọng với quy trình đưa đón học sinh của Trường Tiểu học Gateway, chị Lê Thị Minh (An Khánh, Hà Nội) góp ý: Quan trọng nhất là phải có khâu kiểm tra sỹ số ở cả phần đón và nhận các con.

[Những điều chưa biết về trường quốc tế bỏ quên học sinh trên xe buýt]

“Tôi cho rằng có thể cô không kiểm tra sỹ số nên mới để xảy ra sự việc đau lòng của bé L.H.L ngày hôm qua,” chị Minh đưa ra quan điểm.

Đau lòng và xót xa là tâm trạng của phụ huynh Phạm Thị Miên (Mỹ Đình, Hà Nội) khi biết thông tin về sự cố xảy ra với bé L. “Tôi chưa từng hình dung có thể xảy ra một sự việc đau lòng như vậy. Mộ em bé mới 6 tuổi lại bị nhốt gần một ngày trên xe, rất có thể cháu đã bị đói và ngạt khí. Ngay cả một phụ huynh bình thường khi nghe chuyện này cũng không thể chấp nhận, chứ không nói đến bố mẹ có con bị thiệt mạng. Các bố mẹ đi làm nên không thể đưa đón con đi học được, nhưng sau vụ việc này, tôi cho rằng nên tìm cách an toàn nhất cho con,” chị Miên chia sẻ.

Phụ huynh phản ánh: 'Năng lực quản lý của Gateway không như kỳ vọng' ảnh 1Ủy ban Nhân dân quận Cầu Giấy họp báo về vụ học sinh Trường Gateway tử vong . (Ảnh: Minh Sơn/Vietnam+)

Bất cập quy trình thông tin giữa phụ huynh và nhà trường

Cũng theo chị Miên, bốn năm qua, chị luôn trực tiếp đưa con tới trường. Tuy không phải là một phụ huynh có sử dụng dịch vụ đưa đón, nhưng qua sự việc này, chị cũng như tất cả các phụ huynh đều mong muốn có sự thay đổi trong quy trình thông tin giữa nhà trường và gia đình. Thông tin giữa gia đình và nhà trường phải nhanh nhất, kịp thời nhất, không thể chỉ qua kênh mạng internet.

Đến giờ học, nếu không thấy con trong lớp, trường lập tức phải thông tin tới phụ huynh xem con có đi học hay nghỉ. Việc này phải tìm cách để thông tin nhanh nhất. Hiện nay thông tin đến gia đình còn chậm. Việc thông báo cho phụ huynh không trực tiếp từ giáo viên chủ nhiệm, là người nắm rõ tình hình của các con nhất, mà qua cấp trung gian, giáo viên chủ nhiệm thông báo lên nhà trường, sau đó nhà trường thông báo qua cả mail, điện thoại tới phụ huynh. Trường cũng không cho giáo viên liên lạc trực tiếp với phụ huynh.

[Hà Nội: Khởi tố vụ án sự việc bỏ quên học sinh trên xe buýt]

Phải thay đổi quy trình liên hệ giữa học sinh và phụ huynh cũng là kiến nghị của anh Trương Tất Thành, Trưởng ban phụ huynh lớp 1 Tokyo, Trường Tiểu học Gateway. Anh Thành cho biết, anh và phần lớn phụ huynh của trường đều rất đau lòng trước vụ việc.

Dù con mới đi học được 2 buổi nhưng anh Thành cũng nhận thấy việc liên hệ thông tin giữa giáo viên chủ nhiệm, trường và phụ huynh còn nhiều bất cập. Trường quy định giáo viên và phụ huynh không liên hệ trực tiếp nên anh cũng như các phụ huynh khác và cô giáo chủ nhiệm không có số điện thoại của nhau. Mọi thông tin phản hồi đều thực hiện qua kênh mạng xã hội của trường. Điều này có nghĩa nếu phụ huynh không dùng smartphone thì không hiểu sẽ liên hệ với trường kiểu gì.

“Vì vậy nên hôm trước có một phụ huynh lớn tuổi đặt câu hỏi: tôi không dùng email, không dùng smartphone thì làm thế nào? Tuy nhiên, nhà trường không đưa ra được câu trả lời,” anh Thành chia sẻ.

Anh Thành cho biết do có việc bận nên không thể đợi để tham gia cuộc họp sẽ diễn ra sau đó, nhưng đã gửi ý kiến lại cho ban phụ huynh lớp. “Chọn một trường quốc tế như thế này, với mức học phí cả trăm triệu một năm, là sự lựa chọn rất lâu của vợ chồng tôi. Phụ huynh muốn trường thay đổi, khắc phục lỗi để trường tốt lên, để phụ huynh yên tâm gửi con, đặc biệt là các con lớp 1 còn bỡ ngỡ, nhỏ, có cháu còn đi lạc ở đây. Như tôi có một đứa con gái, tôi phải đưa con lên tận lớp mới yên tâm. Tôi thấy việc quan sát của giáo viên chưa sát sao. Chính vì thế mới xảy ra sự việc này,” anh Thành nói./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục